7 tỷ USD đầu tư vào thép và 'cú quay xe' của chủ tịch Hòa Phát

Năm 2021, ông Trần Đình Long từng chia sẻ Hòa Phát sẽ phát triển đa ngành, mở sang những lĩnh vực mới như bất động sản thì đến năm 2024, ông cho biết tập đoàn hiện chỉ tập trung vào thép.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: HPG

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: HPG

Tại đại hội đồng cổ đông mới đây, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT của Hòa Phát cho biết trong ít nhất 5 – 10 năm tới, mảng kinh doanh chủ lực của tập đoàn vẫn là thép.

Trước mắt, Hòa Phát đang tập trung toàn bộ nguồn lực, con người, vốn liếng để hoàn thành dự án Dung Quất 2, phát triển mạnh các sản phẩm thép chất lượng cao như HRC, tôn silic, thép ray tàu…

Câu trả lời của chủ tịch Hòa Phát đã có sự thay đổi nhất định so với giai đoạn trước đó. Còn nhớ tại đại hội cổ đông năm 2021, ông Long từng chia sẻ: Không ai có thể làm thép mãi được.

“Hòa Phát cũng như mọi tập đoàn khác sớm muộn đa ngành và một trong những hướng đó là bất động sản. Chúng ta đang có uy tín, có tiếng trên thị trường, năm vừa rồi liên tục đi địa phương tìm tòi để phát triển các dự án giá vốn thấp", ông Long từng nói.

Tuy nhiên, định hướng này đang thay đổi. Hiện tại, Hòa Phát chỉ tập trung làm thép, và gần như loại bỏ mảng bất động sản dân cư ra khỏi chiến lược hoạt động kinh doanh. Ông Long cho biết Hòa Phát sẽ hoàn thiện nốt những dự án đang triển khai, đã hoàn tất thủ tục pháp lý, không mở rộng thêm nữa.

Lĩnh vực bất động sản, nếu có, cũng sẽ xoay quanh bất động sản khu công nghiệp, lĩnh vực Hòa Phát có năng lực và kinh nghiệm triển khai từ nhiều năm nay.

Không chỉ riêng lĩnh vực bất động sản, nhiều cổ đông đưa ra những câu hỏi tương tự như “Hòa Phát có ý định mở rộng đầu tư ngoài ngành không?”; “Có ý định làm nhà máy nhôm hay mở rộng các mảng khác như nông nghiệp không?”… Đáp lại, người đứng đầu Hòa Phát cho biết trong ngắn hạn doanh nghiệp chỉ quan tâm đến thép.

Theo ông Long, sự thay đổi này đến do công ty đã đầu tư lớn vào mảng thép và thị trường này cạnh tranh quá khốc liệt. Trong dài hạn, chiến lược đa ngành là không thay đổi, nhưng đó là chiến lược. Còn sách lược ở từng thời điểm cụ thể sẽ có bước đi khác nhau.

"Ngắn hạn đang khó khăn nên chúng tôi dồn toàn lực cho ngành thép", ông Long nhắc lại.

Năm 2023, ngành thép suy giảm về cả doanh thu và lợi nhuận do gặp khó khăn khi giá thế giới lao dốc, tạo sức ép lên mặt bằng trong nước. Nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng chậm lại từ cuối năm 2022 khi thị trường bất động sản ảm đạm.

Doanh thu của "vua thép" năm trước chỉ đạt hơn 120.000 tỷ đồng, giảm 16%, với lợi nhuận hơn 6.800 tỷ, giảm 19%.

Năm nay, Hòa Phát dự báo ngành thép vẫn còn khó khăn, do thị trường bất động sản chưa khởi sắc. Mặt khác, sự khốc liệt của ngành thép còn đến từ áp lực phải cạnh tranh với thép Trung Quốc ngay trên sân nhà.

Riêng quý đầu năm 2024, sản lượng thép sản xuất trong nước đạt hơn 2 triệu tấn nhưng riêng thép nhập khẩu đã hơn 3 triệu tấn, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc hơn 2,3 triệu tấn.

"Giá thép trên thị trường trung bình khoảng 550 USD mỗi tấn thì có doanh nghiệp Trung Quốc bán giá 510, thậm chí 490 USD", ông Long cho biết.

Gần đây, Hòa Phát cũng là bên nộp đơn khởi xướng điều tra chống bán phá giá HRC từ Trung Quốc đến Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương.

Có thể thấy, Hòa Phát đang trong tình cảnh không dễ dàng. Tập đoàn mở rộng sản xuất trên quy mô lớn với tổng đầu tư 2 dự án Dung Quất 2 và Phú Yên (Dung Quất 3) có thể lên tới 7 tỷ USD. Dự án Dung Quất 2 sắp đi vào hoạt động trong bối cảnh nhu cầu thị trường suy giảm và áp lực cạnh tranh từ nhiều phía. Riêng việc tìm được đầu ra cho sản phẩm cũng là mối lo ngại được nhiều cổ đông quan tâm.

“Công ty sẽ uyển chuyển, linh hoạt trong chiến lược với mục tiêu bán được hết sản phẩm", ông Long cho biết. Một lợi thế của thép Hòa Phát được nhắc đến là câu chuyện xuất xứ, khi nhiều quốc gia hạn chế nhập khẩu thép Trung Quốc.

Bất chấp những khó khăn trước mắt, ông Long vẫn tin hoạt động kinh doanh của Hòa Phát sẽ sớm quay lại chu kỳ tăng trưởng.

“Ông trời đã bắt Hòa Phát phải làm việc khó”, ông Long chia sẻ.

Năm nay, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 140.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và 47% so với thực hiện năm 2023. Khi dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động tối đa công suất, dự kiến từ năm 2026 - 2027, chi phí sản xuất HRC của tập đoàn Hòa Phát sẽ ở mức cạnh tranh hàng đầu khu vực ASEAN và có thể trên toàn châu Á. Quy mô sản xuất của tập đoàn khi đó cũng sẽ lọt vào top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/7-ty-usd-dau-tu-vao-thep-va-cu-quay-xe-cua-chu-tich-hoa-phat-1713244195030.htm