70% doanh nghiệp EuroCham tin tưởng vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý 2 với nhiều mặt tích cực cũng như những cải thiện mà Việt Nam cần hành động để tăng trưởng tốt hơn.
(KTSG Online) – Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý 2 với nhiều mặt tích cực cũng như những cải thiện mà Việt Nam cần hành động để tăng trưởng tốt hơn.
Báo cáo BCI được khảo sát bởi Decision Lab với sự tham gia của mạng lưới 1.400 thành viên EuroCham. Báo cáo như “thước đo tâm lý” của các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam, cung cấp những hiểu biết về môi trường kinh doanh của Việt Nam, theo TTXVN đưa tin.
Ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành của Decision Lab, chia sẻ khảo sát trên mang đến góc nhìn đa chiều về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Theo đó, BCI ghi nhận có sự giảm nhẹ từ 52,8 trong quí 1 xuống 51,3 trong quí 2.
Lý giải mức giảm trên, báo cáo cho biết về triển vọng kinh tế, có 45% doanh nghiệp chia sẻ có sự do dự về triển vọng của chính họ, 45% còn lại là trung lập và 23% bày tỏ lo ngại. Đối với điều kiện kinh doanh, 68% người được hỏi đánh giá điều kiện đang ở mức trung bình đến tích cực.
Khảo sát BCI cũng chỉ ra một số vấn đề cần được cải thiện. Cụ thể, 68% doanh nghiệp có quan điểm trung lập đến tích cực về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Trong khi đó, có 26% công ty đánh giá “không tốt” và 6% đánh giá “rất tệ” cần được quan tâm và giải quyết.
Dẫu vậy, về triển vọng dài hạn, gần 70% doanh nghiệp tin tưởng vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 5 năm tới. Sự lạc quan này mình chứng việc nhiều doanh nghiệp vẫn xem Việt Nam là điểm đến đầu tư tiềm năng.
Ông Dominik Meichle, Chủ tịch EuroCham Việt Nam cho hay, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vẫn tin tưởng vào sự phát triển dài hạn của Việt Nam, tuy nhiên Việt Nam cũng cần cải thiện tại nhiều lĩnh vực.
“Chúng tôi tin rằng bằng cách hợp tác để giải quyết các rào cản hành chính và quy định, Việt Nam có thể tạo ra một môi trường kinh doanh hiệu quả và hấp dẫn hơn, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và trong nước”, ông nói.
Theo ông Dominik, cuộc khảo sát này dựa trên kinh nghiệm thực tế của các thành viên, bằng cách chia sẻ quan điểm, các doanh nghiệp có thể xác định các lĩnh vực chính để phát triển.