70 năm Giải phóng Thủ đô: Bồi đắp tình yêu Hà Nội qua từng hoạt động nhỏ

Trong thời gian qua các trường học ở Thủ đô đã có nhiều sáng tạo trong việc đưa môn Hà Nội học vào thực tiễn, nuôi dưỡng tình yêu Hà Nội cho lớp người trẻ qua những hoạt động nhỏ.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thanh Tùng/TTXVN)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thanh Tùng/TTXVN)

Tình yêu Tổ quốc rộng lớn được nuôi dưỡng, lớn lên từ tình yêu đối với mảnh đất quê hương gần gũi, máu thịt. Đối với lớp trẻ Thủ đô, để tình yêu đất nước Việt Nam được sâu đậm thì trước đó phải có sự hiểu biết và yêu quý thành phố, nơi mình được sinh ra, được học hành. Đó là lý do vì sao môn Hà Nội học và ý tưởng giáo dục tình yêu Hà Nội được hình thành.

Không đơn thuần là giáo dục địa phương

Theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội ngày 28/11/2014 về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục phổ thông từ năm 2018 có thêm một số môn học mới, trong đó giáo dục địa phương là môn học bắt buộc đối với cả 3 cấp học và có vị trí tương đương các môn học khác.

Mục tiêu của môn giáo dục địa phương là nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương…

Căn cứ chương trình giáo dục phổ thông, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, thẩm định, chỉnh sửa tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương; chỉ đạo việc tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, báo cáo để Bộ phê duyệt.

Chương trình giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được thực hiện ở các môn học ngữ văn, lịch sử, địa lý, âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ... Ở cấp tiểu học thì nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm của học sinh.

Hà Nội học trở thành môn học bắt buộc tại Thủ đô trong giáo dục phổ thông theo Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội với tên gọi “Xây dựng và phát triển đề án đào tạo giáo viên môn học Hà Nội học trong hệ thống giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.”

Hà Nội học chính là môn giáo dục địa phương tại thành phố Hà Nội nhưng không chỉ có vậy, mà đây là môn khoa học đã vượt qua đặc tính địa giới hành chính cấp tỉnh. Hà Nội học tập trung làm nổi bật các giá trị tiêu biểu của không gian lịch sử-văn hóa vùng đất ngàn năm văn hiến.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là cơ sở đại học công lập đầu tiên do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trực tiếp quản lý, được thành lập năm 2014 trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội.

Cơ sở giáo dục này có nhiệm vụ xây dựng và triển khai Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án 1209).

Đến năm 2025, tất cả các giáo viên giảng dạy môn giáo dục địa phương ở 3 cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông được bồi dưỡng cơ bản về kiến thức Hà Nội học.

Đề án cũng bảo đảm 100% sinh viên sư phạm được đào tạo tích hợp kiến thức Hà Nội học khi tham gia học tập tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

Không chỉ học qua sách vở

Trong thời gian qua các trường học ở Thủ đô đã có nhiều sáng tạo trong việc đưa môn Hà Nội học vào thực tiễn, nuôi dưỡng tình yêu Hà Nội cho lớp người trẻ qua những hoạt động nhỏ.

Cách làm được khuyến khích là các thầy, cô tạo điều kiện cho học sinh không chỉ tìm hiểu qua sách vở mà từ quan sát thực tế ngay tại nơi mình sinh sống để các em tích lũy kiến thức và cảm xúc về lịch sử, truyền thống địa phương một cách trực tiếp.

Thầy và trò Trường Trung học cơ sở Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) đã có sáng kiến sân khấu hóa trong việc tích hợp môn lịch sử và Hà Nội học.

Cụ thể, cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược của vua tôi Lý Nhân Tông và Thái úy Lý Thường Kiệt đã được các em học sinh tái hiện trên sân khấu đình Phúc Xá-nơi thờ tự và là quê hương Việt Quốc công Thái úy.

Các trường học ở quận Hai Bà Trưng tổ chức cho học sinh tham quan đình-đền-chùa Hai Bà Trưng để tìm hiểu cội nguồn lịch sử, đặc điểm văn hóa và kiến trúc của cụm di tích này. Sau các cuộc ngoại khóa, các em học sinh tham gia cuộc thi vẽ tranh theo chủ đề về di tích, danh nhân được đặt tên đường phố trên địa bàn.

Tại Trường Tiểu học Thái Thịnh (quận Đống Đa) việc giáo dục truyền thống được lồng ghép vào bài học chính khóa, ngoại khóa theo hình thức học vui-vui học.

Nhà trường còn thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục tình yêu quê hương, đất nước tại di tích lịch sử trên địa bàn, trong đó có lễ kết nạp đội viên vào ngày 26/3 tại di tích lịch sử Gò Đống Đa, tổ chức cho học sinh giỏi tham quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám…

Trường Trung học cơ sở Ba Đình (quận Ba Đình) đã tổ chức cho học sinh tham quan Bảo tàng Chiến thắng B52 nằm ngay tại địa bàn quận vào dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không."

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10), Trường Tiểu học Kim Nỗ (huyện Đông Anh) tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm “Tự hào truyền thống Đông Anh” tại Trung tâm Văn hóa huyện.

Các em được xem những thước phim tư liệu về hành trình phát triển qua các giai đoạn của địa phương, thăm nhà truyền thống huyện gồm các gian phòng trưng bày với hơn 300 hiện vật qua các thời kỳ lịch sử và theo các chủ đề.

Hòa trong không khí cả nước hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 13 trường đại học, cao đẳng ở Thủ đô đã tham gia Hội diễn văn nghệ các trường đại học, cao đẳng năm 2024 do Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội tổ chức.

Hội diễn là một dịp để làm sâu đậm thêm trong nhận thức của sinh viên về tình yêu đối với quê hương, đất nước, lòng biết ơn đối với thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, cũng như giáo dục về truyền thống, lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội…

Để tạo điều kiện cho các trường học tổ chức các buổi học ngoại khóa về lịch sử, văn hóa, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội và Ủy ban nhân dân các quận, huyện về việc triển khai chương trình giáo dục di sản, tham quan di tích lịch-sử văn hóa trên địa bàn thành phố.

Phương pháp giáo dục truyền thống (lịch sử-văn hóa) kết hợp giữa lý luận và thực tiễn trong thời gian qua đối với thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng đã có hiệu quả nhất định.

Tuy nhiên, chúng ta mong muốn các cơ quan chức năng, các trường học phải có nhiều sáng tạo hơn thế nữa để tránh sự sáo mòn, hình thức, công thức hóa.

“Cơn sốt” trong lớp trẻ cả nước, đặc biệt là ở Thủ đô, đối với bộ phim “Đào, phở, piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn cho thấy rằng giới học sinh, sinh viên không hề thờ ơ với lịch sử dân tộc, với “60 ngày đêm quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” tại Hà Nội vào mùa Đông năm 1946, như nhiều người đã từng lo ngại.

Vấn đề đáng quan tâm và cần đào sâu suy nghĩ là cách giáo dục về tình yêu quê hương, đất nước từ phía “người lớn” phải làm sao để đủ tinh tế và không thể thiếu sự lôi cuốn nhằm lay động trái tim của những người trẻ trong bối cảnh có quá nhiều sự chi phối, tác động, thu hút./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/70-nam-giai-phong-thu-do-boi-dap-tinh-yeu-ha-noi-qua-tung-hoat-dong-nho-post981135.vnp