734.000 tỷ đồng đầu tư loạt dự án đường cao tốc, sân bay
Với nguồn vốn 734.000 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng giao thông, cả nước sẽ có động lực phát triển mới, góp phần tăng trưởng kinh tế như bài học tại Hải Phòng, Quảng Ninh.
Sáng 10/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, chủ trì hội nghị trực tuyến với 33 địa phương.
Chia sẻ tại hội nghị, Thủ tướng nhắc lại mục tiêu của Đại hội XIII về việc tới năm 2030, cả nước phải có ít nhất 5.000 km đường cao tốc, trong khi từ năm 2000 tới năm 2021, cả nước mới hoàn thành được gần 1.100 km.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết hiện nay 3 miền Bắc, Trung, Nam đều triển khai các dự án giao thông lớn gồm đường sắt, đường bộ, hàng không.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các dự án này, rút kinh nghiệm từ những hạn chế, bất cập nhiều năm qua.
"Việc triển khai các dự án phải góp phần khắc phục được khâu yếu về tổ chức thực hiện, đã được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rất rõ", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết theo thống kê chưa đầy đủ, tổng vốn cho các dự án này là 734.000 tỷ đồng, riêng các dự án đường cao tốc là hơn 500.000 tỷ đồng, chưa kể các dự án hợp tác công tư, nguồn vốn vay…
Việc triển khai hiệu quả các dự án này sẽ tạo không gian và động lực phát triển mới ở địa phương, tạo điều kiện hình thành khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị mới; thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo việc làm cho người dân.
"Kinh nghiệm các địa phương cho thấy nếu hạ tầng phát triển tốt thì tăng trưởng sẽ cao như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa...", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo phải phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, tuân thủ quy định nhưng cũng phải chủ động, tích cực, không trông chờ, ỷ lại, không đùn đẩy trách nhiệm; khó khăn, vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đấy.
Sắp tới, Chính phủ ban hành các nghị quyết triển khai dự án vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 TP.HCM. Bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương di dời hạ tầng kỹ thuật và chuẩn bị mỏ vật liệu.
Thủ tướng cũng lưu ý các dự án liên quan tới sân bay Long Thành phải triển khai đồng bộ như giải phóng mặt bằng, tái định cư, xây dựng đường kết nối, nhà ga sân bay, đường băng…
Liên quan tới chi phí xây dựng, Thủ tướng nêu rõ giá xăng dầu trong nước đã giảm về dưới mức trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine. Bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương bình ổn giá các mặt hàng, dịch vụ.
Thủ tướng cho biết ông rất trăn trở, suy nghĩ và chia sẻ với những khó khăn của các nhà thầu, các doanh nghiệp tham gia dự án khi chi phí tăng. Nhưng mặt khác, nhà thầu cũng phải chia sẻ với Đảng, Nhà nước và nhân dân trong lúc cả thế giới và đất nước gặp khó khăn.
Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải với Thủ tướng Phạm Minh Chính là trưởng ban.
Ban Chỉ đạo sẽ theo dõi, đôn đốc 9 dự án và 31 dự án thành phần, gồm đường Hồ Chí Minh; các dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 TP.HCM; đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM; sân bay Long Thành...
Trong đó, Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản 3 dự án và 4 dự án thành phần; các địa phương làm cơ quan chủ quản 5 dự án và 24 dự án thành phần; các bộ, ngành và doanh nghiệp làm cơ quan chủ quản 1 dự án và 3 dự án thành phần.
Theo Bộ Tài chính, tổng nguồn vốn cho các dự án này khoảng 734.000 tỷ đồng và cơ bản đã được cân đối.