74 năm độc lập - Nghĩ về 'Điều mong muốn cuối cùng' của Bác!

c lập, tự do đã là khát vọng tự ngàn đời của dân tộc ta. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh - con người kết tinh những giá trị cao quý nhất của văn hóa dân tộc, độc lập tự do chính là tư tưởng nổi bật và là 'ham muốn tột bậc' suốt cuộc đời Người.

“Điều mong muốn cuối cùng” được Người chia sẻ trong Bản Di chúc- áng văn cuối cùng trước khi Người giã từ chúng ta- cũng là niềm “ham muốn tột bậc” ấy: “nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

1. Năm 2019 này là tròn 50 năm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng nếu nói tính từ ngày Bác viết bản Di chúc đầu tiên, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay đã bước qua “tuổi 54”. Có một điều rất đặc biệt và cũng rất đáng để lưu tâm là trong suốt 4 năm Bác viết và sửa văn bản lịch sử này, từ Tài liệu “Tuyệt đối bí mật” đến Di chúc, “Bác rất cẩn trọng dành thời gian bốn năm với nhiều tâm huyết, cân nhắc từng câu, từng chữ, từng ý, từng lời, xóa đi, viết lại, bổ sung. Mấy trang giấy của Bác, trên dưới một nghìn từ là cả một quá trình suy tư, trăn trở, tìm tòi mà có lẽ Người cũng chưa thật sự hài lòng” (trích cuốn sách Xây dựng đất nước phồn vinh theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Nhưng có một ý vẫn được Người cân nhắc và gần như “bảo tồn” trong suốt 4 năm, ấy là những dòng cuối cùng của bản Di chúc: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

2. “Điều mong muốn cuối cùng” về: “Hòa bình- Thống nhất- Độc lập- Tự do- Dân chủ” mà Người viết trong Di chúc cũng chính là nỗi niềm canh cánh, thường trực trong suốt cuộc đời chiến đấu của Người. Nói vậy, bởi chính khát vọng “Độc lập - Tự do” đã là lý do thôi thúc lớn nhất khiến chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành năm xưa không quản ngại thử thách, gian lao một mình lên tàu rẽ sóng ra khơi quyết đi tìm con đường cứu nước, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Cũng chính từ khát vọng thường trực ấy mà khi trả lời nữ đồng chí Rôsơ câu hỏi vì sao lại bỏ phiếu cho Quốc tế III, Người đã khẳng định: “Rất đơn giản. Tôi không hiểu chị nói thế nào là chiến lược, chiến thuật vô sản và nhiều điểm khác! Nhưng tôi hiểu rõ một điều: Quốc tế III rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa... Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu. Và ngay từ năm 1930, trong bản cương lĩnh giải phóng dân tộc, tư tưởng cốt lõi của bản cương lĩnh vẫn là: độc lập - tự do. Năm 1945, trong những ngày ở chiến khu chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, Người đã đúc kết quyết tâm giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam bằng câu nói bất hủ: “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Ngày 2/9/1945, khát vọng ấy lại được Người khẳng định lại một lần nữa, trong bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với cả thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Trong lời kêu gọi cả nước chống Mỹ cứu nước ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ý chí: “Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

3. Nhìn lại chiều dài suốt 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, thấy rõ độc lập tự do đã là khát vọng tự ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Độc lập tự do đi cùng với đó là ý chí thống nhất toàn vẹn quốc gia, ý thức chủ quyền, đã luôn hiện diện, cháy bỏng trong mỗi người dân Việt, từ thời Văn Lang, Âu Lạc cho đến thời kỳ Bắc thuộc, từ thuở vua Hùng dựng nước đến Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Quang Trung... cho đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ… Diệu kỳ là mỗi khi dân tộc bị đe dọa xâm lăng, đất nước bị ngoại bang xâm chiếm thì khát vọng đó càng cháy bỏng. Chính khát vọng ấy đã là nhân tố chủ yếu làm thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong mỗi người dân Việt Nam để rồi chính ngọn lửa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng ấy làm nên sức mạnh Việt Nam.

Giờ đây, Tổ quốc ta đã hoàn toàn độc lập. Dân tộc ta hoàn toàn tự do. Người dân làm chủ cuộc đời mình. Khát vọng cháy bỏng của Bác kính yêu đã thành hiện thực! Đất nước đang trên đường phát triển, ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Tuy nhiên, trong một thế giới toàn cầu hóa, đa phương hóa, khi lợi ích quốc tế đan xen, khi tình hình khu vực, quốc tế ngày càng phức tạp, thì cũng là lúc câu chuyện bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, là lúc khát vọng độc lập- tự do càng một lần nữa cần phải được nhắc đến hơn bao giờ hết. Nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngẫm lại “Điều mong ước cuối cùng” mà Người gửi lại trong Di chúc, mỗi người công dân của đất nước hình chữ S, lại tự răn mình về khát vọng ấy, cùng nuôi cho mình ngọn lửa của lòng tự hào dân tộc, tình yêu với non sông gấm vóc, để khi “Tổ quốc cần, chúng mình biết hy sinh”, cho nền độc lập - chủ quyền - thống nhất - toàn vẹn của lãnh thổ vùng trời, biển đảo Tổ quốc Việt Nam thân yêu!

Nguyễn Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/74-nam-doc-lap--nghi-ve-dieu-mong-muon-cuoi-cung-cua-bac-post67210.html