89,27% sinh viên cho rằng trường đại học cần bổ sung các tiết học giảng dạy kỹ năng mềm và kiến thức cơ bản về xã hội
Khi rời khỏi giảng đường đại học, có rất nhiều tình huống thực tế trong đời sống xã hội mà sinh viên cần chủ động lo liệu. Một cuộc khảo sát mới đây ở Trung Quốc cho thấy 89,27% sinh viên cho rằng trường đại học cần bổ sung các tiết học giảng dạy kỹ năng mềm và kiến thức cơ bản về xã hội.
Trên thực tế, nhiều trường đại học đã triển khai các môn học về kiến thức thiết yếu trong đời sống như pháp luật đại cương, quản lý tài chính cá nhân, kỹ năng chăm sóc sức khỏe. Các môn học này giúp cho sinh viên được trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản về đời sống và xã hội. Bên cạnh đó, việc nắm vững những kiến thức này là yếu tố then chốt để sinh viên có được năng lực sống độc lập, tạo nền tảng vững chãi cho hành trình nghề nghiệp trong tương lai.
Trong bối cảnh giáo dục ngày càng được đầu tư và chuyên môn hóa, giá trị của các môn học về kiến thức đời sống đang dần được khẳng định. Đặc biệt, việc trang bị kiến thức về hợp đồng lao động, phòng chống lừa đảo qua mạng, an toàn khi thuê nhà, rủi ro tài chính và bảo hiểm xã hội sẽ hỗ trợ sinh viên chuyển tiếp suôn sẻ hơn từ môi trường học tập sang xã hội.

Sinh viên diễn tập PCCC_Nguồn_ Trang thông tin Đại học Hồ Bắc.
Giáo dục gắn liền với đời sống, tuy nhiên, không phải mọi khía cạnh của đời sống đều cần được đưa vào hệ thống giáo dục chính quy. Để giáo dục kỹ năng sống đem đến những lợi ích thiết thực cho sinh viên, cần triển khai một cách bài bản và cẩn trọng từ khâu thiết kế chương trình giảng dạy, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên cho đến việc cải tiến hệ thống đánh giá một cách toàn diện. Từ đó, có thể tránh được tình trạng các tiết học trở nên sáo rỗng, xa rời thực tế. Ví dụ, cần phát triển mô hình đào tạo với ba yếu tố chính, gồm: lý thuyết, thực hành và tình huống thực tế. Đồng thời mời các chuyên gia, cán bộ nhân sự doanh nghiệp tham gia giảng dạy. Ngoài ra, cần cải tiến hình thức kiểm tra, tránh rập khuôn theo hình thức thi viết truyền thống.

Sinh viên thực hành nấu ăn tại nhà ăn của trường_Nguồn_ Cổng thông tin Đại học Mỏ và Công nghiệp Trung Quốc, Bắc Kinh.
Sứ mệnh cốt lõi của giáo dục là thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người. Các môn học về kiến thức đời sống và xã hội không đơn thuần là đào tạo kỹ năng sống, mà còn là cầu nối giữa kiến thức chuyên môn và thực tiễn xã hội. Đây là một phần không thể thiếu trong quá trình hình thành năng lực toàn diện của thế hệ trẻ. Hy vọng rằng, các trường đại học sẽ đưa ra các phương án cải thiện chương trình đào tạo thật chất lượng, giúp sinh viên rèn luyện khả năng tự lập, phát triển toàn diện về kỹ năng và tư duy – để mỗi người trẻ bước vào đời với sự tự tin và nền tảng vững chắc.
(Nguồn: Nhân Dân Nhật Báo)