8X miền Tây dùng trái cau, ớt làm cổng cưới rồng phụng 'đẹp mê hồn'
Từ những trái cau, ớt, đậu bắp, tỏi… chàng trai miền Tây tạo ra những chiếc cổng cưới rồng phụng nhiều người thích.
Ngày cưới được xem là ngày trọng đại của đời người. Vào ngày này, mọi người thường chuẩn bị rất kỳ công, kỹ lưỡng, từ món ăn, bàn ghế đến rạp cưới, đặc biệt là chiếc cổng cưới.
Ở miền Tây, chiếc cổng cưới được trang hoàng rực rỡ từ vật liệu "cây nhà lá vườn" như trái cau, ớt, đậu bắp...
Những năm gần đây nghề làm cổng cưới ở miền Tây bắt đầu thịnh hành, nhất là vào dịp Tết.
Anh Võ Văn Tâm (35 tuổi) ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang), là một trong những người sáng tạo ra những chiếc cổng cưới đẹp đến ngỡ ngàng.
Anh Tâm kể, mình vốn học nghề may. Năm 2015, Tâm được người bạn nhờ hỗ trợ làm cổng cưới.
Chiếc cổng cưới do anh Tâm cùng nhóm bạn làm ra được nhiều người khen ngợi. Từ đây, Tâm “bén duyên” nghề làm cổng cưới cho đến nay.
“Ban đầu tôi chỉ hỗ trợ bạn bè làm cổng cưới, nhưng không ngờ nhận được nhiều lời khen. Bởi thế tôi quyết định khởi nghiệp từ chiếc cổng cưới. Trong lúc làm, tôi tự tích lũy kinh nghiệm và sáng tạo thêm nhiều mẫu cổng cưới mới”, Tâm chia sẻ.
Hiện anh Tâm đã có hàng trăm mẫu cổng cưới. Song, hai mẫu cổng được cô dâu chú rể chọn nhiều nhất là cổng cưới lá dừa và cổng rồng phụng.
Cổng rồng phụng nổi bật trên nền xanh được làm hoàn toàn từ những vật liệu tự nhiên ở quê như: trái cau, ớt, tỏi, đậu đũa… Còn cổng lá dừa được kết từ lá dừa nước và dừa xiêm.
Theo anh Tâm, làm cổng cưới rất kỳ công, phải trải qua nhiều công đoạn như: đi chặt dừa nước để lấy thân làm khung; tạo hình khung sườn bằng xốp để kết hoa, quả lên; kết hoa quả...
Để làm hình tượng đầu rồng, anh Tâm dùng khung bằng tre. Anh tạo hình con rồng bằng xốp sau đó dùng đinh nhỏ để đính các loại trái cây và hoa vào. Trên thân rồng có những trái cau xếp sát nhau làm vảy; ớt dùng làm vây lưng, lá dứa làm bờm, đậu que dùng để viền đôi mắt và miệng, củ tỏi bóc vỏ dùng làm răng.
Anh Tâm cũng sử dụng thêm mô tơ để đầu rồng phụng có thể cử động nếu khách yêu cầu.
Còn hình tượng chim phụng được làm từ hai nguyên liệu chính là ớt đỏ và hoa cúc vàng. Đôi cánh và đuôi chim xòe lớn nhờ sử dụng lá dứa để tạo hình.
"Điểm nhấn cho cổng cưới rồng phụng là ớt sừng trâu. Ớt giúp cho cổng cưới có màu sắc đẹp, bắt mắt", anh Tâm nói thêm.
Ngoài mẫu rồng phụng, cổng cưới lá dừa cũng được nhiều người miền Tây lựa chọn bởi giá rẻ hơn, từ 2 - 5 triệu đồng tùy địa điểm. Thời gian hoàn thiện chiếc cổng này chỉ trong một ngày với 3 người làm.
"Không chỉ dành riêng cho người miền Tây, nhiều khách hàng miền Trung, miền Bắc cũng đặt hàng nhờ tôi ra tận nơi làm cổng cưới", anh Tâm nói và cho biết, mẫu cổng “khủng” nhất anh từng làm là cổng rồng phụng với chiều cao gần 4m.
“Cổng rồng phụng cao gần 4m tôi dùng nguyên liệu từ 5 buồng cau khoảng 20kg, 10kg ớt đỏ, 14kg đậu bắp. Cổng còn được trang trí thêm hoa hồng", anh Tâm cho biết.
Anh cũng tiết lộ đã tự thiết kế cổng cho ngày cưới của mình năm 2020.
Với công việc làm cổng cưới, anh Tâm cho biết, thời điểm bận rộn nhất là dịp gần Tết. Lúc "cao điểm", anh Tâm phải vận động gần 50 người để làm cổng cưới xuyên đêm.
Tùy vào mẫu cổng cưới và tỉnh xa gần, giá mỗi chiếc cổng dao động từ 1 - 20 triệu đồng. Nguyên liệu anh Tâm sẽ tự tìm mua. Khách hàng chỉ cần đặt và chọn mẫu.
Nhờ vào công việc làm cổng cưới, anh Tâm có thu nhập từ 10 - 50 triệu đồng/tháng (tùy thời điểm).
Những người làm cổng cưới với anh Tâm được trả tiền công rất hậu hĩnh. "Phụ nữ tham gia làm cổng cưới thì tôi trả từ 20.000 - 30.000 đồng/giờ; còn nam giới thì tôi trả theo công sức các bạn bỏ ra từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày”, anh Tâm cho biết.
Hiện anh Tâm đã thành lập thương hiệu cổng cưới là dừa Tâm Võ. Sắp tới anh mong muốn nhân rộng mô hình làm cổng cưới truyền thống, sẵn sàng hỗ trợ để các bạn trẻ chưa có việc làm có thêm thu nhập.