9 khu nhà ở xã hội mới tại Hà Nội được xây dựng ở đâu?
Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đề xuất xây mới 9 khu nhà ở xã hội tập trung, với tổng quy mô diện tích đất nghiên cứu quy hoạch gần 669 ha.
Thông tin trên được Sở Xây dựng Hà Nội cho biết tại báo cáo vừa gửi UBND TP Hà Nội về tình hình triển khai các khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) trên địa bàn thành phố.
Trước khi để xuất 9 khu nhà ở xã hội tập trung này, Hà Nội đã bố trí vốn ngân sách để thực hiện chuẩn bị đầu tư 5 khu nhà ở xã hội tập trung, với tổng quy mô sử dụng đất 248 ha tại Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, Thanh Trì và Thường Tín.
Ngoài ra, Sở Quy hoạch Kiến trúc đang đề xuất cấp có thẩm quyền xây mới 9 khu nhà ở xã hội tại các huyện ngoại thành, với quy mô diện tích hơn 660 ha.
Trong đó, hai dự án có quy mô lớn nhất được đề xuất làm tại thị trấn Chúc Sơn và xã Tân Tiến (huyện Chương Mỹ). Dự án nhà ở xã hội tại thị trấn Chúc Sơn có quy mô là 169 ha, với các tòa nhà cao 7-9 tầng, phục vụ dân số khoảng 13.500 người. Còn dự án tại xã Tân Tiến khoảng 127 ha, quy mô dân 15.750 người.
Đề xuất mới 9 khu nhà ở xã hội tập trung với tổng diện tích 668,7 ha gồm: Khu nhà ở xã hội tập trung tại thị trấn sinh thái Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ (169 ha); dự án tại xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ (khoảng 127 ha); tại xã Thạch Hòa, huyện Quốc Oai (khoảng 78 ha); tại quận Hà Đông (khoảng 50 ha); tại xã Đại Áng, huyện Thanh Trì và xã Khánh Hà, huyện Thường Tín (khoảng 105 ha); dự án tại huyện Đan Phượng (khoảng 22 ha); tại xã Mai Lâm, huyện Đông Anh (khoảng 46,6 ha); tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm (khoảng 63 ha); tại thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh (khoảng 13 ha).
Tại cuộc họp hồi cuối tháng 5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu các sở, ngành đến trước ngày 1/10 phải khởi công được ít nhất một dự án nhà ở xã hội. Đề nghị này được ông Thanh đưa ra trong bối cảnh việc triển khai loại hình nhà ở này tại Thủ đô đang chậm tiến độ. Một trong số nguyên nhân dẫn tới việc chậm này là do sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa chặt chẽ.
Hiện, Hà Nội là một trong các đô thị lớn có nhu cầu cao về nhà ở xã hội, nhưng đầu tư còn hạn chế, theo đánh giá của Bộ Xây dựng. Từ nay đến hết 2025, thành phố dự kiến hoàn thành 3 dự án với 1.700 căn hộ, đáp ứng 9% nhu cầu về nhà ở của người lao động, thu nhập thấp.
Trong khi đó, theo chỉ tiêu được giao tại đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ, đến năm 2025, Hà Nội phải hoàn thành 18.700 căn hộ. Từ năm 2021 đến nay, thành phố mới hoàn thành 5 dự án nhà ở xã hội với 5.200 căn hộ.
Công bố 3 quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn
Liên quan đến phát triển nhà ở xã hội và quy hoạch đô thị, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội phối hợp Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và UBND huyện Sóc Sơn vừa công bố 3 đồ án quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn, tỷ lệ 1/2000.
Theo đó, phân khu 1 nằm trên địa bàn các xã: Tiên Dược, Mai Đình, Phù Linh và thị trấn Sóc Sơn có diện tích nghiên cứu quy hoạch hơn 629 ha, dân số dự kiến đến năm 2030 là 49,560 người.
Phân khu 1 có vai trò là trung tâm đô thị và dịch vụ, thương mại, nhà ở… trở thành trung tâm phát triển hỗn hợp của đô thị Sóc Sơn; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa khu vực cửa ngõ phía Bắc Thủ đô.
Phân khu 2 thuộc địa giới hành chính các xã: Tiên Dược, Mai Đình, Đông Xuân, quy mô nghiên cứu quy hoạch hơn 414 ha, dân số đến năm 2030 khoảng 48,810 người.
Theo quy hoạch, phân khu 2 là khu vực đô thị mới kết hợp cải tạo chỉnh trang làng xóm hiện có, một phần diện tích đất dành cho không gian quảng trường trung tâm đô thị. Ngoài ra, khu vực này còn được quy hoạch xây dựng khu thương mại, dịch vụ và chức năng công cộng, phụ trợ hỗn hợp gắn với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, ga Đa Phúc…
Phân khu đô thị 4 thuộc địa giới hành chính các xã: Tiên Dược, Mai Đình, Quang Tiến; quy mô nghiên cứu quy hoạch khoảng 561ha, dân số dự kiến đến năm 2030 khoảng 21,150 người.
Theo quy hoạch đô thị Sóc Sơn, phân khu 4 có tính chất là cụm công nghiệp tập trung (Khu công nghiệp Nội Bài, các cụm công nghiệp: CN2, CN3, khu nhà ở cho công nhân và công trình công cộng), khu dân cư làng xóm được giữ lại cải tạo chỉnh trang theo hướng hiện đại hóa, phát triển ổn định…