9 tháng, ngành giao thông đạt nhiều kết quả tích cực

Ghi nhận nỗ lực của các cơ quan đơn vị trực thuộc, các chủ đầu tư, doanh nghiệp giao thông nhưng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cũng chỉ ra những hạn chế và yêu cầu người đứng đầu các đơn vị quyết liệt thực hiện nhiệm vụ.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác quý III, triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác quý IV/2024.. Ành: ST

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác quý III, triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác quý IV/2024.. Ành: ST

Vốn lớn, giải ngân cao hơn mức trung bình của cả nước, một số dự án đường bộ cao tốc có khả năng vượt tiến độ

9 tháng năm 2024, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã khởi công 8 dự án, khánh thành đưa vào khai thác 7 dự án.

Công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật những vị trí còn lại cơ bản được xử lý, nguồn vật liệu phục vụ các dự án, nhất là khu vực phía Nam cơ bản được tháo gỡ, tiến độ các dự án trọng điểm được đảm bảo. Một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông có khả năng hoàn thành vượt tiến độ từ 3 - 6 tháng, thậm chí 9 tháng.

Đến hết tháng 9, giá trị giải ngân của Bộ đạt 43.188 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch, cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước (47%).

Lĩnh vực vận tải cũng có nhiều điểm sáng. Tuyến vận tải đường bộ kết nối Việt Nam - Trung Quốc được bổ sung; 8km tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đi vào hoạt động; 2 ga đường sắt Sóng Thần, Cao Xá được nâng cấp thành ga liên vận quốc tế để vận chuyển hàng hàng hóa xuất khẩu từ sâu trong nội địa; Hàng không tăng cường kiểm soát, bình ổn giá vé, tạo điều kiện cho các hãng tăng số lượng chuyến bay và tải cung ứng trên các đường bay; Việc thay thế tuyến vận tải truyền thống kết nối hàng hóa từ các khu công nghiệp, cảng cạn, ICD đến cảng Hải Phòng, Quảng Ninh đang được nghiên cứu, góp phần kéo giảm khoảng 30km, giảm thời gian chạy tàu khoảng 3 giờ…

9 tháng, sản lượng hàng hóa ước đạt 1.917 triệu tấn, tăng gần 14% so với cùng kỳ, luân chuyển hàng hóa ước đạt 393 tỷ tấn.km tăng 10,5% so với cùng kỳ.

Vận chuyển hành khách ước đạt 3.660 triệu lượt, tăng hơn 7% so với cùng kỳ.

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo được đưa vào khai thác từ tháng 4/2024. Ảnh: Tạ Hải.

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo được đưa vào khai thác từ tháng 4/2024. Ảnh: Tạ Hải.

Xem xét trách nhiệm người đứng đầu nếu cao tốc không hoàn thành đồng bộ

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, 9 tháng qua, ngành Giao thông đã làm được nhiều việc khó.

Việc đầu tiên phải kể đến đó là, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương đầu tư sau rất nhiều lần tiếp thu và sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp tháng 10/2024.

Các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT đảm bảo tiến độ, chất lượng như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất; Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 được nối thông, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước lên 2.021 km.

Riêng công tác giải ngân vốn đầu tư công, dù là ngành được giao kế hoạch vốn lớn nhất nhưng kết quả giải ngân của Bộ luôn ở mức cao hơn trung bình của cả nước.

Cơn bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại lớn cho gần 30 tỉnh, thành, đặc biệt là các tỉnh khu vực Đông Bắc, Tây Bắc. Với ngành GTVT, lĩnh vực đường bộ, đường sắt chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả. Song, việc khắc phục đã được tiến hành khẩn trương...

Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành giao thông, tiến độ một số dự án giao thông vẫn chậm. Quá trình triển khai đầu tư hệ thống giao thông thông minh (ITS), thu phí không dừng (ETC), kiểm soát tải trọng xe, trạm dừng nghỉ không tránh được sự lúng túng, có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.

Bộ trưởng yêu cầu các Cục, Vụ, đơn vị liên quan phải đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Riêng lĩnh vực giao thông, các đơn vị được yêu cầu tập trung nghiên cứu, tham gia xây dựng các nghị định, thông tư liên quan đến Luật Đường bộ và Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Trong đó, lưu ý cơ chế phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong quản lý, duy tu các tuyến quốc lộ, công trình đường bộ.

Đối với công tác đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, Bộ trưởng yêu cầu các Cục chuyên ngành, chủ đầu tư phải tiếp tục siết chặt kỷ luật cương gắn với phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt trong xây dựng dự toán, quản lý chi phí dự án, thanh quyết toán.

Cục Đường cao tốc đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Hoàn thành công tác đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư 13 trạm dừng nghỉ còn lại.

Nếu cao tốc khánh thành, hệ thống liên quan không được đầu tư, khai thác đồng bộ, người đứng đầu các Cục, Vụ, ban quản lý dự án liên quan phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ GTVT - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Vụ Kế hoạch - Đầu tư có trách nhiệm phối hợp, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, 3 dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc.

Cùng với đó là tham mưu, điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2024 từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt. Mục tiêu trong năm 2024 phải giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công được giao.

Đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Cục Hàng không khẩn trương hoàn thành đấu thầu lựa chọn nhà thầu dự án thành phần 4, tuyệt đối không để chậm trễ hơn nữa./.

THÙY ANH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/9-thang-nganh-giao-thong-dat-nhieu-ket-qua-tich-cuc-35449.html