9 tháng, thu được 20.292 tỷ đồng thuế nợ đọng
Thời gian qua, số nợ thuế tăng do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, đặc biệt do tác động từ dịch Covid-19. Khắc phục tình trạng này, ngành thuế đang triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh thu nợ thuế, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020.
Khách hàng giao dịch tại Chi cục Thuế quận Đống Đa. Ảnh: Quang Thái
Năm 2020, ngành thuế được Bộ Tài chính giao chỉ tiêu thu 33.800 tỷ đồng nợ đọng thuế. Theo Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế Nguyễn Đức Huy, 9 tháng năm 2020, toàn ngành đã thu được 20.292 tỷ đồng, đạt 60% chỉ tiêu thu nợ giao, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Chia sẻ thêm về tình hình quản lý nợ thuế, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) Đoàn Xuân Toản cho biết, tổng số tiền nợ thuế tính đến cuối tháng 9-2020 toàn ngành quản lý là 106.548 tỷ đồng, giảm 2,4% so với thời điểm ngày 31-8-2020 nhưng tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tiền nợ thuế không còn khả năng thu hồi chiếm 44% tổng số tiền nợ thuế, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2019; tiền nợ thuế có khả năng thu (đến 90 ngày và trên 90 ngày) chiếm 56% tổng số tiền thuế nợ (60.071 tỷ đồng), tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Số nợ thuế tăng, ngoài nguyên nhân khách quan do đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lụt làm nhiều người nộp thuế bị thiệt hại nặng nề, sản xuất kinh doanh thua lỗ, phải ngừng hoặc chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, còn có nguyên nhân là một số người nộp thuế cố tình chây ì không thực hiện nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, đến cuối tháng 10-2020, tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý đạt 979.724 tỷ đồng, bằng 78,1% dự toán, bằng 93,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong bối cảnh đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính, giảng viên cấp cao Học viện Tài chính nhìn nhận, với ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành thuế chịu áp lực không nhỏ bởi thu từ thuế chiếm tới 80-90% nguồn thu ngân sách nhà nước. Vì vậy, đẩy mạnh thu nợ thuế là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách.
“Cơ quan thuế cần rà soát, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn thì có biện pháp hỗ trợ nhằm nuôi dưỡng nguồn thu. Ngược lại, với doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt nhưng lấy lý do ảnh hưởng của dịch bệnh mà chây ì, cố tình không nộp thuế, cần thực hiện các biện pháp mạnh”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất.
Còn ông Đoàn Xuân Toản cho hay, để thực hiện hiệu quả nhất nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp triển khai thực hiện nhiều biện pháp quản lý và thu hồi nợ đọng thuế. Theo đó, các cục thuế, chi cục thuế tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; xử lý, giải quyết ngay việc gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp theo quy định.
Cùng với đó, Tổng cục Thuế tổ chức các đoàn công tác, đôn đốc thu nợ thuế và kiểm tra tình hình thực hiện xử lý nợ thuế tại các cục thuế địa phương có số nợ lớn; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước có liên quan thực hiện cưỡng chế, thu nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản...
Với những biện pháp quyết liệt, ngành thuế kỳ vọng, thu nợ thuế sẽ đạt kết quả cao, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2020.