90% trẻ em Việt Nam được ăn sáng nhưng khẩu phần thiếu chất
Theo chuyên gia, cải thiện bữa ăn là một giải pháp quan trọng để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu vi chất, nâng cao tầm vóc của trẻ em Việt Nam.
Tại hội thảo chuyên đề “Cải thiện dinh dưỡng bữa sáng cho trẻ em Việt Nam,” được tổ chức ngày 26/4 tại Hà Nội, PGS.TS Trương Tuyết Mai - Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia - cho hay 90% trẻ em Việt Nam hiện nay được ăn sáng mỗi ngày. Tuy nhiên, hơn 50% trẻ em không ăn đủ nhu cầu vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển, trong đó đáng kể nhất là thiếu đạm, vitamin D và canxi.
Đây là một trong những kết quả quan trọng của khảo sát dinh dưỡng Khu vực Đông Nam Á (SEANUTS II) được Viện dinh dưỡng quốc gia Việt Nam công bố năm 2022. Khảo sát được thực hiện trên 14.000 trẻ em tại 4 quốc gia Đông Nam Á trong 3 năm 2019-2022.
Điều gì xảy ra khi trẻ không ăn sáng?
TS Nguyễn Thu Hà, nghiên cứu viên, khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho hay bữa sáng là bữa đầu tiên được ăn trong vòng 2 giờ kể từ khi thức giấc sau một giấc ngủ dài, trước 10h sáng.
Bữa sáng có vai trò rất quan trọng của bởi nó cung cấp 20-30% năng lượng cho cơ thể trong ngày. Ngoài ra, bữa sáng còn giúp duy trì cân nặng hợp lý, bảo vệ dạ dày và hệ tiêu hóa, tăng cường hoạt động não bộ, tăng cường miễn dịch, giảm nguy cơ các bệnh mạn tính.
Mỗi ngày, não tiêu thụ gần 20% năng lượng cơ thể. Nếu không được cung cấp đủ năng lượng cho thời gian học dày đặc, trẻ có thể mệt mỏi, đờ đẫn, khó tiếp thu bài vở, dẫn đến kết quả học tập kém, thậm chí ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ.
Trẻ bỏ bữa sáng còn đối diện nguy cơ thừa cân, béo phì, đặc biệt là béo bụng. Lý do là khi thiếu năng lượng, trẻ có xu hướng ngon miệng, ăn nhiều ở những bữa tiếp theo với những thực phẩm nhiều calo.
Theo TS Hà, khảo sát cho thấy bữa sáng phổ biến của trẻ em Việt chỉ là gói xôi, bánh mì, bánh ngọt... nhiều tinh bột để no nhanh mà không đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Nhiều phụ huynh còn thừa nhận có khi bé bỏ bữa sáng do ngủ dậy trễ, lười ăn, kén chọn, không được ăn món mình yêu thích… Nhiều bậc cha mẹ còn không hiểu biết đầy đủ về tầm quan trọng bữa ăn sáng hoặc quá bận rộn để chăm sóc bữa sáng cho con.
4 nhóm chất cần thiết trong bữa sáng
PGS Mai cho hay năm 2021-2022 viện đã công bố kết quả điều tra về dinh dưỡng quốc gia cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở ngưỡng trung bình. Tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng núi và dân tộc thiểu số vẫn còn cao. Đáng lưu ý, gần 40%, trẻ em ở thành thị trong tình trạng thừa cân béo phì. Tỷ lệ này gia tăng gấp đôi năm 2010. Trong khi đó số tỷ lệ trẻ em thừa cân béo phì toàn quốc là 19%.
“Hiện nay, vấn đề thừa cân và thiếu vi chất dinh dưỡng, việc giảm thiếu vi chất dinh dưỡng còn chậm, chưa giảm được nhiều vì tỷ lệ trẻ ở vùng núi thiếu vi chất còn rất cao. Vì vậy, câu chuyện làm sao để nỗ lực nhiều giúp cải thiện dinh dưỡng cho người Việt Nam trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết", phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng chỉ rõ.
Theo chuyên gia này, cải thiện bữa ăn là một giải pháp quan trọng để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu vi chất, nâng cao tầm vóc của trẻ em Việt Nam.
Về bữa sáng, TS Hà khuyến nghị thực đơn bữa sáng cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng đa lượng và vi chất dinh dưỡng với tỷ lệ cân đối phù hợp thể chất của trẻ. Tỷ lệ các chất dinh dưỡng trong bữa ăn sáng là 15% chất đạm, 25% chất béo, 55% tinh bột, 30 g chất xơ cùng đầy đủ vitamin và khoáng chất. Tùy điều kiện, phụ huynh có thể lựa chọn các thực phẩm phù hợp để xây dựng bữa sáng cho trẻ.
“Bữa sáng của trẻ cần có đủ 4 nhóm chất cần thiết: trái cây/rau, protein, sữa và ngũ cốc. Trong đó, nhóm sữa có hàm lượng canxi cao dễ hấp thụ, chứa đầy đủ chất đạm, chất béo, đường, vitamin và khoáng chất giúp cơ thể khỏe mạnh”, TS Hà chia sẻ thêm.