97,6% mẫu nông lâm thủy sản trên thị trường bảo đảm an toàn thực phẩm

Trong năm 2023, 97,6% mẫu thực phẩm nông - lâm - thủy sản được giám sát đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm; 99,2% cơ sở sản xuất, kinh doanh được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm...

Năm 2023, Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TƯ ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Đề án bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, thủy sản giai đoạn 2021-2030...

Đặc biệt, công tác kiểm soát an toàn thực phẩm đã chuyển từ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch sang thanh tra, kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất; tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp.

Do đó, trong năm 2023, 97,6% mẫu thực phẩm nông - lâm - thủy sản được giám sát đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm; 99,2% cơ sở sản xuất, kinh doanh được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm... Đến nay, cả nước đã xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng nông - lâm - thủy sản an toàn với 2.510 chuỗi, trong đó có sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp, 150 hợp tác xã.

Nhờ kiểm soát tốt nên 97,6% mẫu nông - lâm - thủy sản được giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm.

Nhờ kiểm soát tốt nên 97,6% mẫu nông - lâm - thủy sản được giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm.

Để kiểm soát chất lượng nông - lâm - thủy sản trên thị trường năm 2024, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông - lâm - thủy sản; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm chuỗi cung ứng thị trường trong nước; thực hiện hiệu quả các đề án: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản; cấp mã số vùng trồng, nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn với chỉ dẫn địa lý.

Bộ cũng yêu cầu Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường gấp rút hoàn thiện, củng cố, xây dựng lực lượng quản lý an toàn thực phẩm ở cấp cơ sở; đồng thời có phương hướng gắn bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm với một số chương trình Bộ NN&PTNT đang triển khai như: Xây dựng nông thôn mới, tổ khuyến nông cộng đồng; tăng cường phát triển, mở rộng các chuỗi thực phẩm an toàn. Đây là tiền đề để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, góp phần minh bạch hóa thông tin, làm cơ sở vững chắc để Bộ phát triển hơn nữa thương hiệu sản phẩm OCOP...

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/97-6-mau-nong-lam-thuy-san-tren-thi-truong-bao-dam-an-toan-thuc-pham-655392.html