A Mú Sung nỗ lực giảm nghèo

Thời gian qua, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế tại xã A Mú Sung (Bát Xát) đạt nhiều kết quả, góp phần thay đổi diện mạo của xã vùng biên này.

Người dân A Mú Sung hợp sức làm đường.

Trong sản xuất nông nghiệp, từ nhiều năm qua, người dân A Mú Sung đã trồng cấy đúng khung thời vụ, chăn nuôi phát triển ổn định. Đặc biệt, xã đã có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực, tính bền vững cao.

Cách đây hơn 5 năm, anh Ly Seo Lử, thôn Lũng Pô đưa 100 gốc xoài tai tượng đầu tiên về trồng trên diện tích đất đồi của gia đình. Anh Lử cho biết: Xoài là cây dễ trồng, lại hợp với khí hậu ở đây nên phát triển rất tốt. Từ năm thứ 3, tôi không phải chăm sóc nữa, trọng lượng có thể đạt gần 1 kg/quả.

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng xoài của anh Lử, nhiều hộ ở Lũng Pô đã làm theo. Đến nay, diện tích xoài ở đây tăng lên 0,4 ha, sản lượng đạt 20 tấn quả/năm, giá trị đạt 120 triệu đồng/năm.

Ngoài trồng xoài, xã A Mú Sung còn có mô hình nuôi lợn đen ở các thôn Tùng Sáng, Lũng Pô và Phù Lao Chải. Đến nay, tổng đàn lợn của 3 thôn nói trên có 227 con. Chè cũng là một trong những đặc sản của địa phương với hơn 100 ha, trong đó có 70 ha chè Shan tuyết cổ thụ.

Đến hết năm 2021, A Mú Sung chỉ còn 37 hộ nghèo, chiếm 6,79% và 28 hộ cận nghèo, chiếm 5,14 %. Kết cấu hạ tầng nông thôn, các chính sách hỗ trợ, giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng, đào tạo nghề trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã giúp hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số từng bước ổn định cuộc sống. Hiện nay, 6/6 thôn ở A Mú Sung đã có điện lưới quốc gia, cấp điện cho 558 hộ; 472 nhà ở đạt chuẩn theo quy định. Các thôn đều có hạ tầng internet, 6/6 thôn có nhà văn hóa thôn đạt tiêu chuẩn, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 70,04%; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn đạt 100%; nâng cấp, làm mới nhà vệ sinh, nhà tắm, bể nước cho 473/558 hộ, đạt 84,76%; tỷ lệ hộ có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường đạt 98,8%. Thu nhập bình quân của xã đạt 37,5% triệu đồng/người/năm, bằng 103,6% so với mục tiêu đề ra.

Có được những bước tiến trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn là nhờ sự vào cuộc của ấp ủy đảng, chính quyền xã đã chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thực hiện hiệu quả các chương trình đầu tư trên địa bàn. Các tổ chức, đoàn thể cũng thường xuyên vận động người dân tham gia sản xuất, phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Xã thường xuyên tham mưu với cấp trên hỗ trợ công cụ sản xuất, cây giống, con giống cho hộ nghèo.

Xã đã phân công các thành viên trong Ban Chỉ đạo giảm nghèo phụ trách từng thôn, từng hộ nghèo; xây dựng kế hoạch và định hướng phát triển kinh tế cho từng thôn, từng hộ nghèo. Việc giảm nghèo bám sát các chương trình, dự án, lợi thế của địa phương. Chủ động nắm tâm tư, nguyện vọng của các hộ nghèo, cận nghèo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; lấy tinh thần thi đua làm phương châm chủ đạo trong cuộc vận động giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, động viên, khuyến khích, biểu dương, nêu gương những tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo…

Tuy nhiên, A Mú Sung còn có nhiều khó khăn bởi là xã vùng cao, biên giới, dân cư không tập trung, trình độ dân trí chưa đồng đều, phong tục, tập quán còn lạc hậu. Thời tiết ở đây cũng khắc nghiệt, mùa đông rét đậm, rét hại; khô hạn kéo dài và dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm thường xuyên xảy ra.

Ông Ma Seo Củi, Chủ tịch UBND xã A Mú Sung cho biết: Chúng tôi mong thời gian tới tiếp tục có các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án, hỗ trợ đầu tư của Nhà nước cho xã xây dựng, nâng cấp đường giao thông, cơ sở vật chất trường học, thủy lợi, hỗ trợ cây, con giống... để xã A Mú Sung giảm nhanh số hộ nghèo.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/355586-a-mu-sung-no-luc-giam-ngheo