ACBS: VN-Index tích lũy đi ngang vùng 1.150 - 1.300 điểm trong nửa cuối năm
Nếu không tính tới khả năng suy thoái của nền kinh tế Mỹ do các dấu hiệu cảnh báo suy thoái mới chớm gia tăng, ACBS cho rằng, kịch bản phù hợp của VN-Index 6 tháng cuối năm là dao động trong biên độ 1.150 - 1.300 điểm.
Nửa đầu năm 2024, VN-Index duy trì đà tăng giá tích cực bắt đầu từ tháng 10/2023. Tuy nhiên, đà tăng giá của VN-Index không được giữ vững trước áp lực về tỷ giá dâng cao trong tháng 7/2024 và áp lực bán ròng không ngừng nghỉ của nhà đầu tư nước ngoài.
Những phiên điều chính sâu cuối tháng 7, đầu tháng 8/2024, đặc biệt trong bối cảnh bán tháo của thị trường chứng khoán thế giới đã khiến VN-Index phá vỡ xu hướng tăng được thiết lập từ tháng 10 năm ngoái. Việc giữ vững ngưỡng 1.150 – 1.160 điểm được coi là thử thách của VN-Index trong việc duy trì kênh tăng giá trung hạn trong giai đoạn tới.
ACBS dự báo VN-Index sẽ tích lũy đi ngang trong biên độ 1.150 – 1.300 điểm nửa cuối 2024 trên cơ sở Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 9/2024. Số liệu lạm phát (CPI, PCE) đều đang trên đà giảm, trong khi thị trường việc làm rõ ràng đã suy yếu trong những ngày qua khiến nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ trở thành mối quan tâm hàng đầu. Hiện tại, Fed thậm chí được kỳ vọng có thể cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm, với tổng mức cắt giảm lớn hơn 1%.
Trong nước, kỳ vọng đà tăng trưởng trên 6% (từ mức 6,2 – 6,7%) tiếp tục được duy trì trong 6 tháng cuối năm, nhờ sự hồi phục ấn tượng của hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, xuất khẩu và dòng vốn FDI tiếp tục duy trì mạnh. Nhưng đà tăng có thể chững lại trong quý IV/2024 trong trường hợp Mỹ và các thị trường xuất khẩu chính đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế.
Bên cạnh đó, lạm phát vẫn duy trì dưới 4,5%. Áp lực tỷ giá USD/VND tới cuối năm sẽ giảm nhẹ so với hiện tại và có thể lấy lại một phần nhỏ đà giảm giá trong nửa đầu năm. Trong khi đó, lãi suất huy động có thể gia tăng khi nhu cầu tín dụng tăng lên, tuy nhiên mức tăng không đáng kể (nhỏ hơn 0,5%) ở một số kỳ hạn ngắn và tại một số ngân hàng, điều này chưa thể hiện xu hướng chung của ngành.
Trên thị trường chứng khoán, tình trạng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài được cải thiện, mặc dù có thể vẫn tiếp tục diễn ra ở một số nhóm cổ phiếu đặc thù.
Nhìn chung, chiến lược trong nửa cuối 2024 của ACBS là tiếp tục ưu tiên chiến lược “Stock pick”, lựa chọn các doanh nghiệp có triển vọng lợi nhuận 2024 – 2025 vững chắc, tài chính lành mạnh, định giá phù hợp trong các nhóm ngành được hưởng lợi trung hạn gồm: Ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp xây dựng công nghiệp, vận tải, công nghệ, bán lẻ.
Mặt khác, ACBS nhận thấy định giá nhóm VN30 cũng vẫn còn hấp dẫn. Nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình (VNMidcap) có tỷ lệ tăng giá tốt nhất kể từ đầu năm với 19,4%. Trong khi cổ phiếu VN30 có mức tăng tương đương VN-Index là 9,9%, còn nhóm VNSmallcap chỉ tăng 4,2%.
Mặc dù nhóm VN30 tăng so với đầu năm, nhưng nền định giá P/E vẫn thấp hơn trung vị giai đoạn 2020 – 2024 khá nhiều (13,4). Tuy nhiên, cả VNMidcap và VNSmallcap đều đang bỏ xa mức P/E trung vị giai đoạn 2020 – 2024, lần lượt là 13,3 và 12,2.
Vì vậy, với triển vọng lợi nhuận khó có thể bứt phá trong 1-2 quý tới, việc điều chỉnh trên diện rộng đối với các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ là phù hợp. Cơ hội trong nửa cuối năm sẽ có phần nghiêng về nhóm VN30 (trong đó cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn), đặc biệt trong bối cảnh FED hạ lãi suất và dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia trở lại thị trường.