ADB: Kinh tế Việt Nam vững vàng trong năm 2025-2026
Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định, kinh tế Việt Nam vững vàng trong năm 2025 và 2026, mặc dù tăng trưởng có thể chững lại trong ngắn hạn do áp lực từ thuế quan.
Theo ấn phẩm Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 7/2025, được công bố vào sáng 23/7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo: Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng vẫn sẽ vững vàng trong năm 2025 và 2026, mặc dù tăng trưởng có thể chững lại trong ngắn hạn do áp lực từ thuế quan. Tăng trưởng xuất - nhập khẩu mạnh mẽ cùng với sự gia tăng mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đã thúc đẩy nền kinh tế trong nửa đầu năm 2025.
Cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoại tăng 32,6%, trong khi giải ngân tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam.
Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công đạt mức cao nhất kể từ năm 2018, đạt 31,7% kế hoạch năm và tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Việc đẩy mạnh xuất khẩu để ứng phó với bất ổn thuế quan đã thúc đẩy tăng trưởng thương mại, nhưng điều này khó có thể duy trì trong nửa cuối năm.
Từ những phân tích trên, ADB dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,3% vào năm 2025 và 6,0% vào năm 2026. Lạm phát dự kiến sẽ giảm xuống còn 3,9% vào năm 2025 và 3,8% vào năm 2026.

ADB dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,3% vào năm 2025 và 6,0% vào năm 2026. Ảnh minh họa
ADB cũng đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế cho các nền kinh tế đang phát triển tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương trong năm nay và năm tới. Việc hạ dự báo này chủ yếu do dự kiến xuất khẩu giảm trong bối cảnh môi trường thương mại toàn cầu thiếu ổn định, cùng với nhu cầu trong nước suy yếu.
Ấn phẩm ADO của ADB cũng đưa ra dự báo, các nền kinh tế trong khu vực sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm 2025, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4/2025. Dự báo cho năm 2026 cũng được điều chỉnh giảm từ 4,7% xuống 4,6%.
Ông Albert Park - chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, nhận định: “Châu Á và Thái Bình Dương đã chống chịu được với môi trường bên ngoài ngày càng thách thức trong năm nay. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế đang suy yếu trước các rủi ro ngày càng gia tăng và sự bất định toàn cầu. Các nền kinh tế trong khu vực cần tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế và thúc đẩy mở cửa thương mại cùng hội nhập khu vực để hỗ trợ đầu tư, việc làm và tăng trưởng.”
Các nền kinh tế ở Đông Nam Á được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất từ điều kiện thương mại xấu đi và tình trạng bất định. ADB hiện dự báo tăng trưởng của tiểu vùng này đạt 4,2% trong năm 2025 và 4,3% trong năm 2026, giảm khoảng 0,5 điểm phần trăm mỗi năm so với dự báo hồi tháng 4.
ADB là ngân hàng phát triển đa phương hàng đầu hỗ trợ tăng trưởng đồng đều, thích ứng và bền vững ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Được thành lập vào năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 69 thành viên, với 50 thành viên trong khu vực.