Agribank sốt ruột chờ cổ phần hóa, chưa kỳ vọng vốn ngoại tại thời điểm IPO
Lãnh đạo Agribank kỳ vọng sẽ nhận được Quyết định cổ phần hóa (CPH) vào cuối năm nay để gỡ khó bài toán về tăng vốn.
Agribank mong sớm được cổ phần hóa để gỡ khó bài toán tăng vốn
Trong khi các ngân hàng trong nhóm “big 4” lần lượt được tăng vốn, Agribank vẫn chỉ được tăng vốn nhỏ giọt vì phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước. Agribank đang hi vọng sẽ nhận được Quyết định cổ phần hóa vào cuối năm nay. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp cổ phần hóa thành công, Agribank vẫn chưa thể trông chờ vào đối tác chiến lược nước ngoài.
Big 4 lũ lượt tăng vốn, Agribank mong cổ phần hóa từng ngày
Mới đây, Vietinbank đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tăng vốn gần 7.000 tỷ đồng bằng cách trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lãi sau thuế và sau trích lập các quỹ năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2019. Khả năng, Vietcombank cũng sớm được gật đầu tăng vốn thêm 10.000 tỷ đồng thông qua chia cổ tức 8% bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại năm 2019. Sau khi được tăng vốn, cả 3 ngân hàng trong nhóm “big 4” đều có vốn điều lệ trên 40.000 tỷ đồng, ngày càng doãng rộng khoảng cách với Agribank.
Mặc dù đầu năm nay, Agribank đã được Bộ Tài chính cấp vốn điều lệ thêm 3.500 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận nộp ngân sách nhà nước trong năm 2020 giữ lại, song vẫn chỉ đạt hơn 34.000 tỷ đồng. Do vốn điều lệ tăng chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng của tín dụng và tổng tài sản, hệ số an toàn vốn của Agribank đang suy giảm dần. Hiện nay, tỷ lệ vốn điều lệ trên tổng tài sản của Agribank hiện chỉ đạt hơn 2%, vào nhóm thấp nhất của hệ thống ngân hàng (các ngân hàng khác khoảng 10%). Nhờ phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2, Agribank vẫn đảm bảo hệ số CAR trên 9%. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo chuẩn Basel 2 của Thông tư 41/2016/TT-NHNN, hệ số CAR của Agribank chỉ còn 7,7%, không đạt mức tối thiểu.
“Có thông tin trên thị trường cho rằng, Agribank cố tình kéo dài cổ phần hóa, song thực ra chúng tôi rất sốt ruột, mong ngóng được cổ phần hóa. Hiện nay, Agribank là ngân hàng duy nhất 100% vốn nhà nước, trong khi ngân sách rất khó khăn khiến ngân hàng luôn phải chịu cảnh “ăn đong” về vốn. Việc phát hành trái phiếu cấp 2 cũng bị giới hạn, không phải phát hành mãi được trong khi nhu cầu tăng trưởng hàng năm rất lớn. Chúng tôi đang mong quyết định cổ phần hóa từng ngày”, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết.
Kỳ vọng có quyết định CPH cuối năm nay
Theo ông Phùng Văn Hưng Quang, Kế toán trưởng Agribank, ngân hàng đã có quyết định CPH từ năm 2007 nhưng khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 khiến Chính phủ quyết định tạm dừng CPH Agribank. Năm 2017, Agribank bắt đầu khởi động quá trình CPH, nhưng đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất do vướng mắc về đất đai.
Về vấn đề này, ông Chu Mạnh Hùng, Phó ban Cổ phần hóa Agribank cho biết thêm, đất đai của Agribank rất đa dạng nguồn gốc hình thành, có cơ sở là từ NHNN chuyển sang, có cơ sở là từ chế độ cũ chuyển sang, có cơ sở là từ chuyển nhượng lại và phát triển thêm… Do nguồn gốc lịch sử để lại, đất đai nhiều cơ sở không có thủ tục pháp lý rõ ràng nên việc phê duyệt phương án sử dụng đất gặp nhiều khó khăn.
“Hiện Agribank vẫn còn 109 cơ sở/2.174 cơ sở với gần 3 triệu m2 đất chưa được phê duyệt (chiếm 5%) phương án sử dụng đất đai do còn tranh chấp hoặc giấy tờ pháp lý chưa rõ. Chúng tôi thường xuyên chủ động báo cáo NHNN và Bộ Tài chính. Rất hi vọng, trong năm 2021, Bộ tài chính sẽ sớm phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và Ngân hàng nhà nước có thể ban hành quyết định CPH Agribank”, Ông Hùng cho hay.
Theo đại diện Agribank, các công đoạn của CPH rất phức tạp. Vì vậy, ngay cả khi có quyết định CPH cuối năm nay thì sớm nhất cũng phải đến năm 2024, Agribank mới có thể hoàn tất quá trình cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
“Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ các công đoạn tiền cổ phần hóa như: chuẩn bị về mặt xử lý tài chính, về tái cấu trúc hoạt động công ty con, thoái vốn đầu tư ra ngoài, sắp xếp lại các khoản nợ đã xử lý rủi ro, xử lý các khoản phải thu khó đòi lâu ngày… Quan trọng của cổ phần hóa không chỉ là bán cổ phần ra bên ngoài mà còn là chuyển đổi mô hình hoạt động từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty đại chúng. Khi đó, năng lực tài chính, cơ chế hoạt động, yêu cầu công khai minh bạch… đều phải cao hơn. Chúng tôi đã thành lập Ban cổ phần hóa để chuẩn bị sẵn sàng, bất cứ khi nào Ngân hàng nhà nước ban hành quyết định CPH Agribank sẽ lập tức tiến hành ngay”, Kế toán trưởng Agribank cho hay.
Thực tế, không chỉ Agribank mà hầu hết các doanh nghiệp nhà nước trong danh mục phải thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đều chưa thể tiến hành CPH do gặp nhiều vướng mắc tương tự như Agribank và phải lùi lại đến giai đoạn sau .
Tìm đối tác chiến lược ngoại ngay tại thời điểm IPO là khó khả thi
Do chưa có quyết định CPH nên Agribank chưa đến giai đoạn tìm kiếm, lựa chọn đối tác chiến lược để tăng vốn khi IPO. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngân hàng này, việc tìm kiếm được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài ngay tại thời điểm IPO là khó khả thi.
Trên thực tế, ngay cả Vietcombank, VietinBank và BIDV – dù IPO vào thời điểm thị trường chứng khoán thuận lợi cũng phải mất 3-8 năm sau khi IPO mới tìm kiếm được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài phù hợp.
Mặc dù Agribank chưa đến giai đoạn tìm kiếm đối tác chiến lược, song thông qua một số đơn vị tư vấn, mức độ quan tâm của nhà đầu tư lớn tới Agribank là “chưa mặn mà”. Vì vậy, ông Chu Mạnh Hùng kiến nghị, Chính phủ chưa nên đặt ra yêu cầu phải có đối tác chiến lược nước ngoài tại thời điểm IPO Agribank, vì yêu cầu này sẽ khiến quá trình CPH Agribank có nhiều phức tạp và kéo dài thời gian hơn .
“Theo Nghị định 140/2020/NĐ-CP thì Chính phủ sẽ phê duyệt việc có hay không có nhà đầu tư chiến lược tại thời điểm doanh nghiệp nhà nước tiến hành IPO. Thông thường, Chính phủ mong muốn doanh nghiệp phải tìm kiếm được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại thời điểm IPO vì khi đó doanh nghiệp sẽ có thêm dòng vốn, công nghệ cũng như quản trị mới. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, nếu đặt ra yêu cầu này với Agribank là khó khả thi và có thể khiến quá trình CPH Agribank bị kéo dài ”, ông Chu Mạnh Hùng cho hay.
Thực tế, hiện nay, các đối tác chiến lược nước ngoài tiềm năng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nước ta chủ yếu là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật bản, Singapore.Tuy nhiên, các quỹ đầu tư từ Singapore chủ yếu là nhà đầu tư tài chính. Trong khi đó, các tập đoàn tài chính lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc thì hầu như đã trở thành đối tác chiến lược của ngân hàng trong nước (Keb Hana, Mizuho, Tokyo-Mitsubishi UFJ, SMBC…).
Chưa kể, “room” vốn ngoại khiêm tốn và cơ chế giá thị trường, không có bất kỳ ưu tiên nào cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cũng khiến quá trình đàm phán trở nên khó khăn, kéo dài.
Tuy nhiên, nói như vậy không phải Agribank không có cơ hội. Agribank là ngân hàng có quy mô hàng đầu về huy động vốn và tín dụng.Với 3,7 triệu khoản vay và hơn 18 triệu khoản tiền gửi, mạng lưới 2.300 điểm giao dịch, đội ngũ cán bộ am hiểu sâu sắc địa bàn, hệ thống sản phẩm phong phú cùng cùng một hệ sinh thái đa dạng, Agribank là đối tác bán lẻ hiếm có tại Việt Nam, nhất là về tài chính vi mô.
Với các đặc điểm riêng có, Agribank là mảnh đất vô cùng hấp dẫn với các đối tác có thế mạnh về tài chính tiêu dùng, bán lẻ, đặc biệt phù hợp với mô hình của nhiều tập đoàn Thái lan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thực tế, các đối tác chiến lược nước ngoài của các ngân hàng trong nước hiện nay chủ yếu là bán buôn, còn các đối tác chiến lược mạnh về bán lẻ vẫn bỏ ngỏ.
Mặc dù, với dự báo hiện nay khó có thể tìm kiếm ngay đối tác chiến lược nước ngoài tại thời điểm IPO, chưa có thêm nguồn vốn hùng hậu hay sự bổ sung công nghệ, năng lực quản trị mới từ nước ngoài, song theo bà Nguyễn Thị Phượng, cổ phần hóa sẽ giúp Agribank đột phá. Thứ nhất, CPH sẽ khiến Agribank thoát khỏi cảnh “ăn đong” về vốn để đảm bảo hệ số CAR, từ đó chủ động được các chỉ tiêu tăng trưởng. Đồng thời, chuyển sang hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại cổ phần cũng sẽ giúp ngân hàng tháo gỡ nhiều vướng mắc về cơ chế, giảm các gánh nặng chính sách, hoạt động theo hướng thị trường nhiều hơn, cạnh tranh công bằng hơn.