Agribank tiếp vốn cho mận hồng Sân Tiên chinh phục thị trường khó tính

Một giống mận đột biến từ vườn nhà, một hướng đi khác biệt theo tiêu chuẩn hữu cơ, cùng sự đồng hành của tín dụng 'tam nông' từ Agribank, tất cả đã góp phần tạo nên thương hiệu mận hồng Sân Tiên – sản phẩm nông nghiệp đặc trưng đang vươn xa từ vùng đất Cù Lao Dung, TP Cần Thơ.

Cù Lao Dung (TP Cần Thơ) nằm cuối nguồn sông Hậu, chắn giữa hai cửa Định An và Trần Đề đổ ra biển Đông, đây là vùng đất biệt lập, bốn bề sông nước bao quanh. Nhờ đất đai thuận lợi, nông dân vùng này chọn trồng cây ăn trái làm hướng phát triển nông nghiệp chủ lực với nhiều loại cây như nhãn, xoài, dừa, đặc biệt là cây mận. Từ một giống mận đột biến trong vườn nhà, anh Trần Văn Phục (ngụ xã Cù Lao Dung, TP Cần Thơ) dành 3,5 năm để nghiên cứu và trồng thử nghiệm giống mận Sân Tiên (MST) với quy mô 5.000 m2. Sau đó, anh tiếp tục lai tạo để tìm ra sản phẩm ưu việt hơn và đặt tên cho “đứa con tinh thần” này là mận hồng Sân Tiên.

Anh Trần Văn Phục ở xã Cù Lao Dung (TP Cần Thơ) với “đứa con tinh thần” mận hồng Sân Tiên.

Anh Trần Văn Phục ở xã Cù Lao Dung (TP Cần Thơ) với “đứa con tinh thần” mận hồng Sân Tiên.

Trồng theo mật độ khoa học (40 cây/1.000 m²), sử dụng phân hữu cơ thay thế dần phân hóa học, bao trái hai lần để đảm bảo cách ly với thuốc bảo vệ thực vật, bảo quản sau thu hoạch theo chuỗi lạnh – toàn bộ quy trình canh tác được kiểm soát nghiêm ngặt. Chính điều đó đã giúp mận hồng Sân Tiên chinh phục các thị trường “khó tính” như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, với giá bán lên đến 230.000 đồng/kg, nhờ đạt độ đường tiêu chuẩn và cam kết an toàn thực phẩm. Không chỉ là hướng đi bền vững, sản xuất hữu cơ còn góp phần bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái vườn cây và đảm bảo lợi ích lâu dài cho người tiêu dùng. Hiện nay, thương hiệu mận hồng Sân Tiên đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ, và đang trên lộ trình hoàn tất hồ sơ chứng nhận sản phẩm hữu cơ trên quy mô 40 ha.

Cán bộ Agribank tham quan vườn mận hồng Sân Tiên của anh Trần Văn Phục (bìa trái).

Cán bộ Agribank tham quan vườn mận hồng Sân Tiên của anh Trần Văn Phục (bìa trái).

Anh Phục chia sẻ: “Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc và độ an toàn của thực phẩm. Tôi xác định từ đầu, nếu muốn tồn tại lâu dài thì sản phẩm phải sạch thật sự. Làm hữu cơ có vất vả, nhưng tôi tin con đường này sẽ đưa nông sản Việt đến gần hơn với thị trường cao cấp, trong và ngoài nước”. Tiếp cận vốn Agribank giai đoạn 2019-2020, ban đầu vay vốn chủ yếu để phát triển trồng cây ăn trái (trồng nhãn ido), cũng là người đầu tiên phát triển giống nhãn này tại Cù Lao Dung. Lúc này nhãn ido là “thời vàng son”. Nhưng khi phát triển lên nhiều thì khó khăn về thị trường. Vay vốn ngân hàng hơn 8 tỷ đồng.

Để hiện thực hóa được kế hoạch trên bắt buộc phải có nguồn vốn của ngân hàng hỗ trợ. Từ năm 2018 anh Phục đã được tiếp cận vốn, đến nay hiệu quả ngày càng nhân lên. “Nông sản bán ra lợi nhuận được 7 đồng thì tiếp tục vay thêm 3 đồng nữa để tái đầu tư, mở rộng, gia tăng lợi nhuận. Nâng nguồn vốn từng bước, chậm mà chắc. So với các ngân hàng khác, Agribank hỗ trợ cho nông nghiệp với lãi suất rất ưu đãi, từ đó mình có điều kiện gắn bó lâu dài, mức lãi suất chấp nhận được để đồng hành và phát triển lâu dài”, anh Phục chia sẻ.

Mận hồng Sân Tiên hữu cơ màu sắc bắt mắt, trái to, thịt chắc ngọt… được thị trường ưa chuộng.

Mận hồng Sân Tiên hữu cơ màu sắc bắt mắt, trái to, thịt chắc ngọt… được thị trường ưa chuộng.

Ông Nguyễn Văn Đắc, Phó Chủ tịch UBND xã Cù Lao Dung (TP Cần Thơ) cho biết, kinh tế địa phương chủ yếu dựa vào nông nghiệp, chủ lực là trồng mía, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Đồng hành cùng với chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế hộ gia đình, Agribank chi nhánh Cù Lao Dung Sóc Trăng đã hỗ trợ rất kịp thời về nguồn vốn cho các đối tượng, nhất là các tổ hợp tác, hợp tác xã… Nhờ nguồn vốn tín dụng này, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của xã đạt nhiều kết quả khả quan”. Ông Mai Văn Thanh, Giám đốc Agribank chi nhánh Cù Lao Dung Sóc Trăng đánh giá, tỷ trọng cho vay lĩnh vực tam nông của đơn vị chiếm khoảng 99% trên tổng dư nợ cho vay, với nhiều chương trình ưu đãi lãi suất cho nông dân và doanh nghiệp nhỏ. Không chỉ tín dụng, Chi nhánh còn tham gia các hoạt động an sinh như xây nhà cho hộ nghèo, hỗ trợ sửa chữa trường học, làm đường nông thôn…

Mô hình mận hồng Sân Tiên là minh chứng điển hình cho xu hướng xanh hóa sản xuất nông nghiệp, kết hợp giữa trí tuệ nhà nông và sự đồng hành của chính sách tín dụng xanh. Từ thành công của giống mận hữu cơ này, có thể thấy rõ rằng: khi người nông dân có kiến thức, có quyết tâm và có chỗ dựa tài chính tin cậy từ Agribank, thì những sản phẩm sạch, an toàn, giá trị cao không còn là điều xa vời…

Minh Khương

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/agribank-tiep-von-cho-man-hong-san-tien-chinh-phuc-thi-truong-kho-tinh-i776286/