Ai Cập đe dọa hủy bỏ hiệp ước hòa bình với Israel

Hiệp ước Trại David - hiệp ước hòa bình giữa Ai Cập và Israel, có thể bị vô hiệu hóa nếu Tel Aviv không từ bỏ kế hoạch tấn công Rafah.

Hiệp ước Trại David, được ký ngày 17-9 -1978, đánh dấu cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa Israel và Ai Cập, cũng là hiệp ước hòa bình đầu tiên giữa Tel Aviv với một quốc gia láng giềng Ả rập.

Truyền thông Israel đưa tin, Ai Cập đưa ra cảnh báo đối với hiệp ước lịch sử trong bối cảnh căng thẳng quân sự leo thang ở Rafah. Trước khi Tel Aviv điều lực lượng tấn công phía Đông Rafah, Cairo cũng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những mối nguy hiểm tiềm ẩn liên quan chiến dịch tại thành phố ở phía Nam Gaza.

Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết, Ngoại trưởng Sameh Shoukry đã thảo luận các diễn biến an ninh và nhân đạo ở Rafah trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken.

Một ngôi nhà bị phá hủy trong đợt tấn công do Israel triển khai ở thành phố Rafah. Ảnh: Reuters

Một ngôi nhà bị phá hủy trong đợt tấn công do Israel triển khai ở thành phố Rafah. Ảnh: Reuters

Nhất trí về “những mối nguy hiểm và hậu quả nhân đạo thảm khốc” tiềm tàng liên quan chiến dịch quân sự do Israel triển khai ở Rafah, hai bên cũng kiên quyết bác bỏ việc cưỡng bức di tản đối với dân thường Palestine.

Hai ngoại trưởng đồng thời kêu gọi các bên tham gia đàm phán ngừng bắn “thể hiện sự linh hoạt và thực hiện những nỗ lực cần thiết để đạt được thỏa thuận” nhằm chấm dứt thảm kịch nhân đạo ở Gaza, cho phép tiếp cận đầy đủ và bền vững nguồn viện trợ nhân đạo.

Trong động thái tương tự, dư luận quốc tế cũng lên án hành động của Israel ở Rafah, với lo ngại về sự an toàn của hơn 1 triệu dân thường Palestine trú ẩn tại thành phố này kể từ khi xung đột bùng phát hồi tháng 10-2023.

Theo Times of Israel, Nam Phi đã đề nghị Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) yêu cầu Israel rút khỏi Rafah như một phần của các biện pháp khẩn cấp bổ sung, bao gồm việc không cản trở hoạt động viện trợ của Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo khác.

Liên quan tình hình tại Rafah, ngày 11-5, quân đội Israel kêu gọi dân thường Palestine ở nhiều khu vực khác tại thành phố này sơ tán, trong bối cảnh chiến dịch quân sự đang được tăng cường sau khi đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn với Hamas không tiến triển.

Dân thường Palestine rời Rafah trong bối cảnh căng thẳng gia tăng. Ảnh: Reuters

Dân thường Palestine rời Rafah trong bối cảnh căng thẳng gia tăng. Ảnh: Reuters

Một phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã công bố danh sách các địa điểm mới cần sơ tán, gồm hai trại tị nạn Rafah, Al-Shaboura và khu vực Khirbat al-Adas. Trước đó, IDF cũng đã sơ tán khoảng 100.000 người tại phía Đông thành phố Rafah.

Trong bối cảnh phức tạp, Israel kêu gọi người dân di tản đến khu vực nhân đạo mở rộng được chỉ định ở Al-Mawasi và Khan Younis, đồng thời cảnh báo họ không nên hướng về phía biên giới quốc gia này.

Israel cũng ban bố một lệnh sơ tán khác đối với thành phố Jabaliya ở phía Bắc Gaza. Người dân khu vực này được yêu cầu di chuyển đến nơi trú ẩn ở phía Tây thành phố Gaza.

Theo những đánh giá tình báo gần đây, thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar được cho là đang ẩn náu tại đường hầm dưới lòng đất ở Khan Younis, cách Rafah khoảng 8km về phía Bắc.

Hình ảnh về thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar trong một đường hầm ở thành phố Khan Younis. Ảnh: Times of Israel

Hình ảnh về thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar trong một đường hầm ở thành phố Khan Younis. Ảnh: Times of Israel

Israel coi mục tiêu loại bỏ Yahya Sinwar là yếu tố quan trọng trong kế hoạch tiêu tiêu diệt hoàn toàn Hamas. Một đoạn video do IDF công bố hồi tháng 2 cho thấy, thủ lĩnh Hamas đang di chuyển qua đường hầm cùng với một số thành viên gia đình. Đây cũng lần đầu tiên Yahya Sinwar bị phát hiện kể từ khi lẩn trốn trước thời điểm Hamas tấn công lãnh thổ Israel vào ngày 7-10 năm ngoái.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ai-cap-de-doa-huy-bo-hiep-uoc-hoa-binh-voi-israel-666016.html