Ai Cập kêu gọi tinh thần trách nhiệm tập thể
Trước thềm Hội nghị cấp cao lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra tại thành phố Sharm el-Sheikh từ ngày 6/11 đến 18/11, Ai Cập đã phát đi thông điệp kêu gọi các nước tham dự chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường và làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu, thay vì chuyển trọng tâm bàn thảo sang các xung đột và tranh chấp quốc tế.

Hội nghị COP27 diễn ra tại thành phố Sharm el-Sheikh, Ai Cập. (Ảnh: REUTERS)
Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Ai Cập, Chủ tịch COP27 Sameh Shoukry (X.Su-cri) cảnh báo, mục tiêu hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức 1,50C đang trở nên “mong manh hơn” và nhận định việc thống nhất một thỏa thuận khí hậu tại COP27 sẽ đối mặt nhiều trở ngại hơn bất kỳ cuộc đàm phán nào trước đây, do Hội nghị diễn ra trong bối cảnh môi trường địa chính trị phức tạp, căng thẳng và phân cực. Theo Chủ tịch COP27, tất cả các bên tham dự cần tập trung vào vấn đề hiện hữu và cấp bách mà nhân loại phải đối mặt là biến đổi khí hậu. Liên hợp quốc đồng thời kêu gọi các nước phát triển và đang phát triển hợp tác hỗ trợ các nước nghèo xử lý cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu đang ngày một trầm trọng.
Tại COP26 năm 2021 ở Glasgow (Anh), gần 200 quốc gia từng nhất trí sẽ nâng mức cam kết cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, là cơ chế Đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC) trước thời điểm diễn ra COP27, song cho đến nay mới có hơn 20 quốc gia thực hiện lời hứa. Theo các báo cáo, Trái đất vẫn đang trên đà ấm lên nhiều hơn mức 20C, so mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Năm 2021, hơn 100 quốc gia cũng từng cam kết sẽ chấm dứt hoàn toàn nạn phá rừng vào năm 2030, trong đó những quốc gia ủng hộ bao gồm Brazil, Indonesia và Congo, chiếm hơn 80% tổng diện tích rừng nhiệt đới còn tồn tại trên thế giới.
Để đạt được mục tiêu này, diện tích rừng bị khai thác sẽ cần giảm 10% mỗi năm so với diện tích năm 2020, song theo các nhà khoa học theo dõi tiến độ thực hiện mục tiêu, nạn phá rừng năm 2021 chỉ giảm 6,3%. Các chuyên gia ước tính, lượng khí carbon không được hấp thụ do diện tích rừng bị chặt phá tương đương tổng lượng khí thải của Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản cộng lại; cảnh báo thế giới không thể đạt mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái đất và đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học, nếu không ngăn chặn được tình trạng phá rừng tràn lan.
Là nước chủ nhà, Ai Cập đã đặt vấn đề “mất mát và thiệt hại” - thành lập quỹ bồi thường tổn thất do các thảm họa liên quan đến khí hậu làm trọng tâm thảo luận của COP27. Được tranh luận trong nhiều năm, song vấn đề này chưa bao giờ nằm trong chương trình nghị sự chính thức của các cuộc đàm phán tại Liên hợp quốc, vì nhiều quốc gia phát triển còn chưa thực sự ủng hộ việc xây dựng một cơ chế cho phép truy cứu trách nhiệm đối với những thiệt hại do khí hậu gây ra. Chủ tịch COP27 cảnh báo rằng các nước giàu đang đánh mất lòng tin của thế giới vì họ đang tụt hậu trong các cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và trách nhiệm hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo.
Cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm các mối đe dọa về xã hội, kinh tế và môi trường. Các quốc gia phát triển, bao gồm Anh, Mỹ và các nước thành viên EU thậm chí đã gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Theo Bộ trưởng Shoukry, việc này đi ngược với các mục tiêu trước đây và đặt thế giới vào tình thế nguy hiểm, cho rằng các nước giàu cần làm gương trong tiến trình chuyển đổi, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
Trong Tuyên bố chủ tịch, tầm nhìn của nhiệm kỳ chủ tịch COP27 của Ai Cập là chuyển từ đàm phán và lập kế hoạch sang hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và tăng cường khả năng ứng phó của các quốc gia, với mục tiêu thúc đẩy một hành tinh có khả năng phục hồi, tái tạo. Ai Cập kỳ vọng sau COP27, cộng đồng quốc tế sẽ nhanh chóng tiến tới hành động đầy đủ, kịp thời, bao trùm và trên quy mô lớn. Chủ tịch Shoukry khẳng định, nước chủ nhà COP27 đang nỗ lực tạo ra bầu không khí thuận lợi để khuyến khích các bên đạt được sự đồng thuận và cùng nhượng bộ vì lợi ích chung.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ai-cap-keu-goi-tinh-than-trach-nhiem-tap-the-post723325.html