AI giúp phá vỡ rào cản ngôn ngữ để thúc đẩy quốc tế hóa phật pháp

Việc tích hợp AI vào giáo dục tôn giáo là một ví dụ rõ ràng về vai trò ngày càng phát triển của công nghệ trong các hoạt động tâm linh

Tác giả: Wei-Jie Hu
Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: www.kron4.com

AI - dịch thuật thuật ngữ Phật giáo phá vỡ rào cản ngôn ngữ trong việc truyền bá phật pháp.

Một bước tiến đột phá trong việc hội nhập tôn giáo và trí tuệ nhân tạo (AI) đã mở ra một chương mới cho việc cống hiến của Phật giáo trong vấn đề toàn cầu hóa. Với việc Viện Phật giáo Nhân gian (Humanistic Buddhism Institute) Phật Quang Sơn (FGS) đóng góp cơ sở dữ liệu toàn diện gồm 10.000 thuật ngữ Phật giáo, từ điển này đã được tích hợp liền mạch vào hệ thống dịch thuật do AI điều khiển, cho phép dịch thuật đa ngôn ngữ theo thời gian thực các triết lý đạo Phật.

Thành tựu này giúp phật pháp dễ tiếp cận hơn bao giờ hết, vượt qua biên giới và rào cản ngôn ngữ.

Dự án tiên phong này là nỗ lực hợp tác giữa Hiệp hội Quốc tế Phật Quang Sơn (BLIA), Viện Phật giáo Nhân gian Phật Quang Sơn (FGS) và Vurbo.ai (IPEVO). Sáng kiến chung của họ, Vurbo.ai Phật giáo 4.0, là hệ thống dịch thuật thuật ngữ Phật giáo thời gian thực đầu tiên và chính thức ra mắt vào ngày 18 tháng 4 năm 2025, trong khuôn khổ Hội nghị Hiệp hội Quốc tế Phật Quang Sơn (BLIA), Bắc Mỹ.

Sự kiện ra mắt có sự tham dự của những nhân vật nổi tiếng bao gồm Giám đốc Trụ sở BLIA Thế giới, Pháp sư Y Không (依空法師), Tổng Thư ký Pháp sư Giác Bồi (覺培法師), Phó tổng Thư ký Pháp sư Vĩnh Cố (永固法師) và Pháp sư Tuệ Đông (慧東法師) cùng với 500 đại diện điều hành chi nhánh BLIA Bắc Mỹ và đại diện từ Vurbo.ai. Một cuộc trình diễn trực tiếp đã giới thiệu khả năng AI - tác động tiềm tàng của nó đối với truyền thông tôn giáo toàn cầu.

Thành tựu này không chỉ đại diện cho sự đổi mới công nghệ mà còn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hiện đại hóa và quốc tế hóa Phật giáo Nhân gian (Humanistic Buddhism). Bằng cách khai thác AI, việc truyền bá phật pháp có thể tiếp cận được nhiều đối tượng hơn và đa dạng hơn trên toàn thế giới.

IPEVO sử dụng cơ sở dữ liệu thuật ngữ Phật giáo làm nền tảng để đào tạo LLM, hay mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model), là một loại mô hình AI được thiết kế để xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing - NLP), nâng cao khả năng nhận dạng và diễn giải chính xác các khái niệm tôn giáo phức tạp.

Hình ảnh mang tính chất minh họa. Ảnh sưu tầm.

Hình ảnh mang tính chất minh họa. Ảnh sưu tầm.

Các thuật ngữ như “Trung đạo” (Middle Way, 中道), “năm uẩn là không” (the five aggregates are empty, 五蘊皆空) và “đại thiên thế giới là cổ đại, pháp môn bất nhị là thâm sâu” (the great chiliocosm is ancient, the non-duality Dharma gate is profound) mang ý nghĩa triết học sâu sắc và việc dịch không đúng cách có thể dẫn đến sai nghĩa. Để giải quyết vấn đề này, hệ thống sử dụng một chiến lược trung gian - dịch từ tiếng Trung sang tiếng Anh, rồi từ tiếng Anh sang các ngôn ngữ khác - để đảm bảo độ chính xác về mặt ngữ nghĩa.

Một tính năng độc đáo của hệ thống là khả năng hiển thị ngôn ngữ “một-nhiều” (one-to-many), hỗ trợ đầu ra phụ đề đa ngôn ngữ. Điều này đặc biệt hữu ích cho các hội nghị, khóa tu và buổi giảng dạy quốc tế, cho phép người tham gia nhận được bản dịch chính xác, thời gian thực bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ.

Quá trình phát triển hệ thống kéo dài hơn sáu tháng, với kế hoạch tiếp tục tối ưu hóa và mở rộng cơ sở thuật ngữ trong tương lai. Sáng kiến này không chỉ đặt nền tảng vững chắc cho việc truyền thông và hoằng pháp trước thời đại kỹ thuật số mà còn đánh dấu một cột mốc mới trong quá trình chuyển đổi số trong giáo dục Phật giáo đương đại.

Trong buổi ra mắt, Pháp sư Giác Bồi đã nhận xét, “Phật Quang Sơn và BLIA từ lâu đã cống hiến cho việc truyền bá phật pháp toàn cầu. Trước những thách thức về ngôn ngữ và văn hóa, sự tích hợp với AI này thể hiện một bước tiến đáng kể. Vurbo.ai là một cột mốc quan trọng trong việc sử dụng công nghệ một cách khéo léo để hiện đại hóa tôn giáo”.

Pháp sư Giác Bồi nói thêm, “Khi chúng tôi giao lưu với các tín đồ đến từ nhiều nền tảng ngôn ngữ khác nhau trên khắp thế giới, khả năng cung cấp bản dịch đa ngôn ngữ đồng thời sẽ nâng cao hiệu quả của chúng tôi và đảm bảo hiểu rõ hơn về phật pháp.”

Dương Chí Cường (Alex Yang), Giám đốc kinh doanh tại IPEVO, giải thích, “người tham gia có thể chọn ngôn ngữ ưa thích của mình bằng cách quét mã QR và nhận bản dịch đồng thời qua phụ đề hoặc âm thanh. Điều này không chỉ cung cấp bản dịch thời gian thực mà còn tạo ra cầu nối hợp tác giữa tôn giáo và AI.”

Việc tích hợp AI vào giáo dục tôn giáo là một ví dụ rõ ràng về vai trò ngày càng phát triển của công nghệ trong các hoạt động tâm linh. Với sự tiến bộ này, Phật Quang Sơn (Fo Guang Shan) và Hiệp hội Quốc tế Phật Quang Sơn (BLIA) tiếp tục dẫn đầu trong việc thúc đẩy truyền bá văn hóa và hiện đại hóa giáo dục Phật giáo, tạo nên tấm gương mạnh mẽ cho các tổ chức tôn giáo trên toàn thế giới.

Tác giả: Wei-Jie Hu/Việt dịch: Thích Vân Phong/Nguồn: www.kron4.com

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/ai-giup-pha-vo-rao-can-ngon-ngu-de-thuc-day-quoc-te-hoa-phat-phap.html