Ai là tác giả của vở kịch 4.000 buổi diễn?

Đã có một 'Đôi mắt' trong văn học Việt Nam của Nam Cao, nhưng chưa nhiều người biết còn có một 'Đôi mắt' khác trong sân khấu cũng đã một thời đình đám. Tác giả của vở kịch 'Đôi mắt' đã được dàn dựng, biểu diễn hơn 4.000 buổi ấy là nhà viết kịch Vũ Dũng Minh, một con người khiêm nhường vốn trưởng thành từ bác sĩ quân y.

Nhà viết kịch Vũ Dũng Minh tại Trường Sơn năm 1972. Ảnh: GĐCC.

Nhà viết kịch Vũ Dũng Minh tại Trường Sơn năm 1972. Ảnh: GĐCC.

“Đôi mắt” - Kết tinh của nghề y và sự lăn lộn nơi chiến trường

Trong cuốn “Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại” của Nguyễn Việt Phương (NXB Trẻ ấn hành), ở phần điểm danh các văn nghệ sĩ có duyên nợ với Trường Sơn tác giả cũng có nhắc đến nhà viết kịch Vũ Dũng Minh và vở kịch “Đôi mắt”: “Ông là một quân y sĩ yêu nghề, hết mình vì thương bệnh binh. Trong những chuyến vào Trường Sơn, Vũ Dũng Minh đã thấy những ca chiến trường trầm trọng, cận kề cái chết đau lòng.

Ông gặp những thầy thuốc tận tụy với thương binh nhưng cũng thấy cả những ông thầy làm việc chỉ vì mình. Họ không dám đương đầu với hiểm nguy, lại né tránh cả trách nhiệm trước những con bệnh mười phần chết chín. Từ một ca thương binh cháy bỏng cả đôi mắt, nếu không được người bác sĩ trẻ dũng cảm cứu chữa, chắc chịu mù hẳn, Dũng Minh đã ghi lại sự việc, ghi ý kiến gàn quải (can ngăn), ghi cả sự rung động lòng người… Sau chuyến đi thực tế Trường Sơn, Vũ Dũng Minh bỗng tự thấy phải viết nó thành một kịch bản, lấy tên là "Đôi mắt". Ông tâm sự: Muốn làm được nghề cứu người phải có đôi mắt thấy rõ điều chân, thiện, mỹ, hết lòng vì mọi người…

Sau khi ra đời, năm 1971, “Đôi mắt” đã được Đoàn Kịch nói Trung ương dàn dựng trình diễn trước công chúng Thủ đô, được dư luận hết sức hoan nghênh. Chủ tịch nước Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến xem, rất khen ngợi tác giả, đơn vị dàn dựng và dàn diễn viên. Tiếp theo đó có đến 10 đoàn kịch nói, 5 đoàn chèo đã xin phép tác giả cho dựng và chuyển thể “Đôi mắt”. Vở kịch lừng danh khắp miền Bắc. Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng đã đến xem “Đôi mắt”, sau khi xem xong, bên cạnh việc biểu dương tác giả Tổng Bí thư có góp ý vở kịch đề cập đến miền Nam hơi ít, tác giả đã tiếp thu ý kiến và hứa sẽ chỉnh sửa bổ sung.

“Đôi mắt” đã được tặng giải Nhất cuộc thi kịch bản sân khấu về đề tài thương binh, liệt sĩ của Hội đồng ba bộ: Bộ Thương binh Xã hội; Bộ Văn hóa, và Bộ Quốc phòng năm 1972. Tiếp thu ý kiến của Tổng Bí thư Lê Duẩn, sau đó Vũ Dũng Minh đã viết vở kịch “Nhật ký người mẹ” trình diễn tại Nhà hát TPHCM và để lại ấn tượng sâu sắc và những tình cảm của khán giả các tỉnh phía Nam.

Cho đến nay vở diễn “Đôi mắt” của nhà viết kịch Vũ Dũng Minh vẫn được các đoàn kịch trong và ngoài quân đội dàn dựng và biểu diễn. Ra đời hơn 50 năm, đã được trên 20 đoàn nghệ thuật dàn dựng và số lượng biểu diễn lên tới trên 4.000 buổi, cho đến nay “Đôi mắt” vẫn được các đoàn nghệ thuật biểu diễn cho thấy sức sống và tầm nhìn xa của nhà viết kịch Vũ Dũng Minh.

“Đôi mắt” cũng đã được in trong “Tuyển tập kịch Việt Nam” (tập III, năm 2000), được coi là tác phẩm sân khấu lưu giữ trong kho tàng văn học Việt Nam. Nói về thành công của vở kịch, có lần Vũ Dũng Minh đã tâm sự: Hai cái nghề của tôi như hai anh em sinh đôi, nếu không có những năm tháng làm nghề y trong quân đội chưa chắc tôi đã viết được “Đôi mắt”, dù rằng y học chỉ là cái cớ để tác giả chuyển tải một ý tưởng cao đẹp về đạo đức và nhân cách làm người.

Quang cảnh trước buổi diễn vở “Đôi mắt” tại Nhà hát Lớn Hà Nội năm 1972.

Quang cảnh trước buổi diễn vở “Đôi mắt” tại Nhà hát Lớn Hà Nội năm 1972.

Những gì còn lại

Tôi về Hà Nam gặp bà Vũ Thị Tuyết, con gái cả của nhà viết kịch Vũ Dũng Minh để tìm hiểu thêm về cuộc đời của nhà viết kịch. Bà Tuyết sinh năm 1948, đúng năm mà nhà viết kịch Vũ Dũng Minh nhập ngũ. Đời quân ngũ kéo dài suốt những năm kháng chiến chống Pháp, đơn vị của ông từ Việt Bắc lên Hà Giang, qua cửa khẩu Thanh Thủy sang Vân Nam, Trung Quốc làm nhiệm vụ trên nước bạn, ở sân bay Mông Tự một thời gian đơn vị ông lại về nước qua sông Nậm Thi, cửa khẩu Hà Khẩu - Lào Cai.

Bởi thế, mãi chín năm sau ông và vợ mới có người con thứ hai, sau đó là hai người con nữa.

Nghỉ hưu năm 1989 nhưng sống xa gia đình đã quen, Vũ Dũng Minh vẫn ở một mình trong Khu tập thể văn công Quân đội Mai Dịch, viết kịch và dành tâm huyết cho sân khấu. Tiệm phô tô khu vực Mai Dịch đã rất quen với hình ảnh ông già ngày ngày đem các tập bản thảo dày cộp đi nhân thành nhiều bản. Ba người con của ông sau này đều được chị cả Vũ Thị Tuyết lo lắng việc học tập, công ăn việc làm. Vũ Dũng Minh đã rất biết ơn người con gái cả về điều này.

Kỷ niệm về cha thì rất nhiều nhưng bà Tuyết chọn kể cho tôi câu chuyện vui này. Khi con gái chuẩn bị xây dựng gia đình, biết bà yêu một anh bộ đội, Vũ Dũng Minh có khuyên: Con biết đấy, bộ đội như bố đi suốt có được ở nhà với mẹ con mấy đâu, lấy bộ đội sẽ rất vất vả, nhưng con yêu rồi thì tùy con quyết định. Sau đó bà Tuyết vẫn yêu và quyết định cưới người cùng màu áo với cha. Một lần người yêu bà từ đơn vị có ghé qua Khu văn công Quân đội ở Mai Dịch thăm bố vợ tương lai. Vì ông Nguyễn Văn Tạo chồng tương lai của bà Tuyết sinh năm 1939, chỉ kém bố bà có 9 tuổi.

Để tránh khó xử cho con rể tương lai khi tiếp xúc với các đồng nghiệp cùng Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị, Vũ Dũng Minh đã thỏa thuận với chàng rể là sẽ giới thiệu là một người bạn thôi, cho dễ xưng hô, đỡ phải gọi các đồng nghiệp của bố là cô chú theo “vai vế”. Khi ăn uống vui vẻ xong, đến lúc chia tay, sắp lên xe ông Tạo bỗng ôm nhạc phụ tương lai bảo: Bố ơi, đến giờ con phải đi rồi, con chào bố. Thế là các đồng nghiệp của Vũ Dũng Minh nghe thấy phá lên cười, bảo, hóa ra bố con nhà ông này diễn kịch.

Khi về già, sức khỏe giảm sút nên nhà viết kịch Vũ Dũng Minh được các con đưa về quê sống tại nhà con trai trưởng tại thị xã Phủ Lý. Ông mất năm 2020. Ra đi từ miền quê Hà Nam, cả đời cống hiến cho sự nghiệp y học và văn học nghệ thuật của Quân đội, cuối đời, nhà viết kịch Vũ Dũng Minh lại về nằm tại nơi ông sinh ra, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm. Năm tháng xa dần, con cái ông không ai theo nghiệp viết của bố, nhưng những gì mà Vũ Dũng Minh để lại vẫn được những người yêu sân khấu ghi nhận.

Ông đã sống một cuộc đời đẹp với những đam mê và dâng hiến. Những vở kịch “Anh là mặt trời của em”, “Yêu thương và căm giận”, “Trái tim người lính”, “Có một tình yêu như thế”, “Nhật ký người mẹ”… và đặc biệt là “Đôi mắt” đã ghi dấu những đóng góp của Vũ Dũng Minh cho sân khấu kịch nước nhà.

Sinh năm 1928 tại xã Liêm Sơn (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam), khi còn tuổi thiếu niên Vũ Dũng Minh đã tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 ở địa phương ông. Trưởng thành từ rất sớm, Vũ Dũng Minh là Bí thư Đoàn thanh niên xã, Ủy viên Ban chấp hành Đoàn của huyện.
Đầu năm 1948, một số thanh niên Liên khu 3 đã ký giấy tòng quân tại Quân y viện Mãn Soang, Cung Thuế, thuộc Ứng Hòa, Hà Tây cũ, trong đó có chàng thanh niên Vũ Dũng Minh. Họ được đưa lên Việt Bắc. Chuyến lên Việt Bắc ấy vẫn còn lưu lại trong Vũ Dũng Minh cho đến mãi sau này. Tư chất nghệ sĩ với óc quan sát của người viết đã hiện diện ở ông ngay từ những ngày còn trẻ…
Với sự dấn thân vào cuộc chiến đấu, Vũ Dũng Minh trước hết đã là một người lính, học tập trau dồi để thành một bác sĩ quân y có chuyên môn giỏi và lương tâm nghề nghiệp. Về công tác tại Bệnh viện 354, trên vai trò bác sĩ nhưng những dịp hội diễn văn nghệ quần chúng ông vẫn tham gia viết những vở kịch, tiểu phẩm cho đơn vị dàn dựng, biểu diễn. Ông cũng không ngần ngại đi thực tế chiến trường dài ngày ở Trường Sơn vào những năm 1960. Năm 1971, ông được điều về Tổng cục Chính trị, chia tay nghề bác sĩ gia nhập đội ngũ sáng tác văn học - nghệ thuật của Quân đội. n

NGUYỄN XUÂN THỦY

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ai-la-tac-gia-cua-vo-kich-4-000-buoi-dien-10283890.html