AI trong báo chí: không thể nằm ngoài xu hướng nhưng cần có sự kiểm định của con người
Nhiều chuyên gia hàng đầu đã có những chia sẻ cởi mở về việc ứng dụng AI trong hoạt động báo chí tại Hội thảo 'Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh' do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức sáng 15/5.
Báo chí không thể nằm ngoài xu hướng AI
Chia sẻ về sự bùng nổ của AI - Data và tương lai của lĩnh vực báo chí - truyền hình", Giám đốc Nền tảng VNPT GenerativeAI - Tập đoàn VNPT Lê Anh Văn cho biết, AI chỉ là công cụ để khai thác dữ liệu. Hiện nay, tất cả lĩnh vực đều được ứng dụng AI để phát triển mạnh hơn, báo chí không nằm ngoài xu thế đó.

Giám đốc Nền tảng VNPT GenerativeAI - Tập đoàn VNPT Lê Anh Văn tham luận tại hội thảo.
Theo ông Lê Anh Văn, trên thế giới có 56% đơn vị xuất bản báo chí xem tự động hóa hậu trường là ứng dụng AI quan trọng nhất trong năm 2024; có 45% đài truyền hình sử dụng AI để cá nhân hóa nội dung; có 53% áp dụng AI cho dịch vụ phụ đề và chú thích tự động.
Tại Việt Nam, thị trường báo chí và truyền hình cũng không nằm ngoài xu thế. Hiện có khoảng 25% cơ quan báo chí ứng dụng AI trong hoạt động vận hành của tòa soạn, đặc biệt là khâu sản xuất tin tức. Có 35% phóng viên sử dụng các công cụ số (bao gồm AI) trong hoạt động tác nghiệp hàng ngày.
Tuy nhiên, phóng viên, biên tập viên trong nước ứng dụng AI nhưng còn nhỏ lẻ, chưa có sự đồng bộ từ trên xuống dưới. Vì vậy, cần có sự đầu tư phát triển công nghệ, hợp tác để đưa công nghệ đi sâu vào phục vụ hoạt động của tòa soạn, nhất là khi phát triển mô hình tòa soạn hội tụ.
AI hiện chia thành 2 loại: Tổng quát (như Chat GPT) là dạng tổng hợp những tri thức, khoa học cơ bản của nhân loại, đây là nguồn dữ liệu quý; và AI chuyên biệt, đi sâu trong từng lĩnh vực. Tuy nhiên, AI tổng quát có nhiều nhiều thông tin sai lệch, không được kiểm chứng và dễ bị dẫn dắt. Do đó, trong báo chí nên có 2 "bạn" AI đồng hành, 1 dùng để tạo nội dung, 1 để kiểm soát khâu cuối cùng trước khi bài báo đến với độc giả.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT) Nguyễn Tiến Cường
Tại hội thảo, ông Lê Anh Văn cũng giới thiệu những ứng dụng của AI trong hoạt động tác nghiệp của nhà báo như: bóc băng phỏng vấn; hỗ trợ kiểm tra chính tả; tạo từ khóa, mô tả tự động SEO; dịch thuật chuyển ngữ; MC dẫn chương trình...
Mặc dù AI có những tính năng ưu việt, hỗ trợ hiệu quả cho người làm báo, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí... nhưng cũng có không ít mặt trái với nguy cơ tin giả, thông tin không chính xác, vấn đề bản quyền. Vì vậy, để sử dụng hiệu quả AI, ông Lê Anh Văn khuyến cáo, người làm báo cần sử dụng công cụ này một cách thông minh, có kiểm soát, coi AI chỉ là công cụ chứ không để AI làm chủ ngòi bút.
"AI không thể thay thế các nhà báo mà chỉ chắp thêm đôi cánh, hỗ trợ để các phóng viên nâng cao hiệu quả công việc, lên một tầm cao mới" - ông Anh Văn khẳng định.
AI sẽ đưa báo chí lên tầm cao mới
Tham luận tại hội thảo, Phó Trưởng Ban Điện tử Báo Nhân dân Nguyễn Hoàng Nhật thông tin, AI Agent (hay còn gọi là tác nhân trí tuệ nhân tạo - Autonomous AI Agents) là một hệ thống hoặc phần mềm được thiết kế để tự động hóa và thực hiện các tác vụ cụ thể một cách độc lập. Những hệ thống này có khả năng nhận thức môi trường xung quanh, tư duy dựa trên dữ liệu thu thập được, và hành động để đạt được mục tiêu đề ra.
Khác với AI truyền thống, AI Agent là thế hệ AI có khả năng tự hành động, học hỏi và đưa ra quyết định mà không cần sự can thiệp liên tục từ con người. Điểm nổi bật của AI Agent là tính tự chủ và khả năng tương tác với môi trường xung quanh một cách thông minh.

Phó Trưởng Ban Điện tử Báo Nhân dân Nguyễn Hoàng Nhật tham luận tại hội thảo.
Theo nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, trí tuệ nhân tạo đang thay đổi theo từng ngày, từng tuần và từng tháng. AI và đặc biệt AI Agent sẽ đưa báo chí lên một tầm cao mới. "Nguy cơ mất việc đang hiển hiện khi các nhà phát triển đang chạy đua, mỗi ngày lại xuất hiện một tính năng mới. AI có thể vận hành luôn được một tờ báo. Chỉ cần đưa ý tưởng và AI có thể thay thế hoàn toàn" - ông Nguyễn Hoàng Nhật nói.
Tuy nhiên, không phải mọi độc giả đều thích đọc tin, bài, nội dung từ AI. Theo khảo sát, chỉ có 29% độc giả sẵn sàng đọc các nội dung do AI viết ra, bởi nhiều người lo ngại về tin tức giả.
Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật cũng gợi ý các tòa soạn báo cần sử dụng AI một cách linh hoạt, trong đó, tự động hóa các khâu sản xuất tin tức (viết tin, tóm tắt tin, đặt tít, chọn từ khóa...); dùng AI để hiểu độc giả (độc giả là ai? ở đâu? muốn gì?) và phân phối thông tin; dùng AI để sản xuất podcast, video cùng các sản phẩm đa phương tiện khác…
Nhắc lại lời một chuyên gia nước ngoài, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật chia sẻ: "Ngành truyền thông đã lỡ tàu trong cách mạng công nghệ, nên đừng để lỡ tàu một lần nữa trong cuộc cách mạng AI".
Cần có sự kiểm định của con người với nội dung AI
Nói về hiện trạng sử dụng AI trong báo chí, TS Cao Minh Thắng - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và truyền thông CDIT, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhận định, trên toàn cầu, trí tuệ nhân tạo đang được các cơ quan báo chí lớn như Associated Press (AP), The Washington Post, BBC… ứng dụng mạnh mẽ.
Theo báo cáo của Reuters, trong năm 2024, có tới 57% các cơ quan báo chí lớn đã ứng dụng AI trong ít nhất một công đoạn sản xuất tin tức. Từ đó có khoảng hơn 60.000 bài báo/ngày trên toàn cầu được tạo một phần hoặc toàn phần bằng AI.

TS Cao Minh Thắng tham luận tại hội thảo.
'Việc áp dụng AI vào quá trình sản xuất tin tức có thể giảm bớt chi phí lao động và tăng hiệu quả trong quản lý nội dung. AI có thể giúp tự động hóa một số quy trình làm việc, như tìm kiếm và tổng hợp thông tin, dịch thuật tin tức sang các ngôn ngữ khác, hoặc thậm chí tạo ra bản nháp đầu tiên của bài viết, giảm thiểu thời gian và công sức của con người. Nhiều cơ quan báo chí lớn như Bloomberg và Associated Press đã sử dụng AI trong quy trình sản xuất tin tức để tiết kiệm chi phí và tăng năng suất." - TS Cao Minh Thắng nói.
Tuy nhiên, TS Cao Minh Thắng cũng đặt ra vấn đề, công nghệ số và AI đang tạo ra một làn sóng thay đổi trong báo chí hiện đại, nhưng từ đó cũng đặt ra thách thức mới về tính minh bạch, sự trung thực và độ tin cậy của nội dung. Có thể kể đến như AI sản xuất nội dung rất nhanh, nhưng không luôn đảm bảo tính đúng sự thật nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Nội dung do AI tạo có thể trông chuyên nghiệp, nhưng chứa thông tin sai lệch, thiếu ngữ cảnh hoặc gây hiểu lầm. Hay như Deepfake và giọng nói giả cũng đang làm gia tăng nguy cơ phát tán tin giả.
Sự gia tăng nội dung do AI tạo ra có thể dẫn đến việc lan truyền thông tin sai lệch, đặc biệt khi các mô hình AI học từ dữ liệu không chính xác hoặc thiên lệch. Từ đó kéo theo sự suy giảm niềm tin vào báo chí chính thống, gây nguy hiểm sức khỏe cộng đồng, kích động thù hận và phân biệt đối xử. Hay thậm chí lớn hơn gây hỗn loạn chính trị và can thiệp bầu cử (tiêu biểu như vụ bầu cử Mỹ 2016 hay Brexit) hoặc ảnh hưởng an ninh quốc gia và toàn cầu.
Nói về cách thức để kiểm tra thông tin AI tạo ra có sai lệch hay không, TS Cao Minh Thắng cho biết, cần kết hợp giữa công nghệ và con người. Một trong những phương thức đang được nhiều cơ quan báo chí ứng dụng là sử dụng chính AI để kiểm chứng chéo thông tin. Hiện có những công cụ tiêu biểu như: ClaimReview, Wolfram Alpha, Snopes… Những công cụ này sẽ giúp đối chiếu dữ liệu của bài viết do AI tạo ra với nguồn nội dung gốc. Ví dụ như AI có thể phát hiện bài viết ghi sai số liệu COVID-19 bằng cách so với dữ liệu WHO hoặc CDC.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần quan tâm tới việc đào tạo AI bằng những dữ liệu đáng tin cậy. Đảm bảo AI được huấn luyện từ nguồn thông tin có kiểm duyệt, chính thống như từ các báo lớn, cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu… Tuyệt đối tránh cung cấp dữ liệu cho AI từ các kho dữ liệu bị thiên lệch hoặc chứa nhiều tin đồn. Hoặc có thể tích hợp hệ thống kiểm tra đa nền tảng dùng AI để xác định tác giả, ngày xuất bản, nguồn gốc của tin gốc hay dùng blockchain hoặc metadata xác minh tính xác thực của ảnh/video.
Cảnh báo an toàn thông tin với báo chí
Cùng với sự phát triển không ngừng của không gian mạng, những mối đe dọa về an toàn thông tin đối với cơ quan báo chí, truyền thông ngày càng trở nên phức tạp hơn. Dẫn chứng thực tế, Phó Phòng Kinh doanh Trung tâm An toàn thông tin, Tập đoàn VNPT Nguyễn Văn Hân chỉ ra, những năm vừa qua có nhiều trang báo điện tử lớn đã bị tấn công mạng gây thiệt hại không nhỏ. Ngay đầu năm 2025, 1 trong 4 công ty báo chí lớn nhất của Mỹ với đầy đủ công nghệ, chuyên gia, quy trình về công nghệ thông tin nhưng vẫn bị tấn công mã hóa dữ liệu.

Phó Phòng Kinh doanh Trung tâm An toàn thông tin, Tập đoàn VNPT Nguyễn Văn Hân tham luận tại hội thảo.
Nhắc đến thực trạng tăng trưởng nguy cơ tiềm ẩn về an toàn thông tin, ông Nguyễn Văn Hân thông tin, số lượng lỗ hổng mới được phát hiện trong 2024 tăng 64%, số lượng tên miền giả mạo tăng 1,6 lần, số lượng các cuộc tấn công mạng tăng 60%, số lượng tài khoản lộ lọt tăng 26%... Ước thiệt hại toàn cầu do tội phạm mạng gây ra năm 2024 là 9,4 nghìn tỷ USD, năm 2025 là 10,5 nghìn tỷ USD.
“Nguy cơ mất an toàn thông tin đang hiện hữu trước mắt. Để bảo vệ hệ thống thông tin, uy tín thương hiệu cho chính đơn vị mình, các cơ quan báo chí cần triển khai ngay giải pháp an toàn bảo mật cho tờ báo của mình” - ông Nguyễn Văn Hân khuyến nghị.
Chia sẻ về giải pháp tăng cường an ninh thông tin ngành báo chí trong công cuộc chuyển đổi số, ông Nguyễn Văn Hân khuyến nghị, trước tiên, nói đến an toàn thông tin các cơ quan báo chí phải đáp ứng 3 yếu tố: bí mật, tính toàn vẹn và đảm bảo tính sẵn sàng. Các cơ quan báo chí cần xây dựng hệ miễn dịch không gian số, phải kiểm tra ngay ''sức khỏe'' cho tờ báo, có nguy cơ gì cần khắc phục sớm. Để đề phòng được các nguy cơ, cần xây dựng 1 “bức tường lửa” ngăn chặn những lưu lượng xấu độc, gây ảnh hưởng tới uy tín tờ báo.
Cảnh báo nguy cơ tin giả
Thông tin về "Đạo đức báo chí trong kỷ nguyên công nghệ: Vấn đề tin giả và quyền riêng tư", chuyên gia đào tạo truyền thông Trần Lệ Thùy cho hay, hiện AI có công nghệ nhận khuôn mặt Premiere gây tranh cãi dữ dội do liên quan đến quyền riêng tư của mỗi người. Công nghệ này ảnh hưởng nhiều đến ngành báo chí, có thể hỗ trợ báo chí nhiều trong tác nghiệp.

Bà Trần Lệ Thùy chia sẻ tại hội thảo.
Tại hội thảo, bà Lệ Thùy cảnh báo cơ tin giả trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển và nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, báo chí có vai trò quan trọng trong lựa chọn, quản lý thông tin. Vì thế, nhà báo cần tỉnh táo trước những thông tin giả, thông tin sai lệch trên nguyên tắc trung thực, công bằng, tôn trọng nhân phẩm và quyền riêng tư ứng dụng vào môi trường số.
"Nhà báo cần thành thạo kỹ thuật kiểm chứng và sử dụng AI có đạo đức. Biết từ chối nội dung gây sốc để kiếm tương tác”, kể cả khi được thuật toán ưu tiên" - bà Trần Lê Thùy nhấn mạnh.
Phát biểu kết thúc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị một lần nữa khẳng định vai trò của AI đối với ngành báo chí. Nếu các cơ quan báo chí không chủ động ứng dụng AI sẽ bị tụt hậu, thụt lùi, vì công nghệ thông tin phát triển từng ngày từng giờ. Khi ứng dụng công nghệ AI hiệu quả sẽ giúp các các cơ quan báo chí, phóng viên chuyên nghiệp, bài bản hơn trong tác nghiệp báo chí. Ngoài ra, ứng dụng AI trong quản trị tòa soạn sẽ tạo ra tính minh bạch thông tin. Từ đó, sẽ tạo hiệu quả xã hội, dẫn dắt dư luận, tạo dựng niềm tin với độc giả. Đây là mục tiêu lớn mà các cơ quan báo chí nỗ lực hướng tới.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi cũng lưu ý, AI vừa có tính ưu việt, nhưng cũng có mặt trái. Nhà báo cần tuân thủ luật pháp, luật báo chí, đạo đức người làm báo.