Thảm kịch rơi máy bay ở Ấn Độ: Nghi vấn xoay quanh công tắc nhiên liệu

Chuyến bay AI171 của hãng Air India gặp nạn ngay sau khi cất cánh từ sân bay Ahmedabad hồi tháng 6, do công tắc điều khiển nhiên liệu bị gạt sang chế độ 'ngắt', khiến động cơ ngừng hoạt động. Đây là kết luận trong báo cáo điều tra sơ bộ được giới chức Ấn Độ công bố ngày 12/7, tròn một tháng sau thảm họa.

Hình ảnh cụm cần đẩy lực đẩy và công tắc điều khiển nhiên liệu của chuyến bay AI171, được trích từ báo cáo sơ bộ công bố ngày 12/7/2025. Ảnh: Báo cáo sơ bộ về vụ rơi máy bay B787-8 của Air India

Hình ảnh cụm cần đẩy lực đẩy và công tắc điều khiển nhiên liệu của chuyến bay AI171, được trích từ báo cáo sơ bộ công bố ngày 12/7/2025. Ảnh: Báo cáo sơ bộ về vụ rơi máy bay B787-8 của Air India

Theo hãng tin CNA, sự cố xảy ra trên chiếc Boeing 787‑8 Dreamliner khiến máy bay nhanh chóng hạ độ cao và mất khả năng vận hành , dù phi công đã nỗ lực gạt lại công tắc cấp nhiên liệu. Cuối cùng, máy bay lao vào khu ký túc xá của một trường y, khiến 241 trong tổng số 242 người có mặt trên máy bay thiệt mạng. Vụ tai nạn này là một trong những thảm họa hàng không nghiêm trọng nhất tại Ấn Độ.

Loại trừ lỗi do phi công?

Báo cáo sơ bộ của Cục Điều tra Tai nạn Hàng không Ấn Độ (AAIB) đánh giá khả năng xảy ra lỗi từ phía phi công là rất thấp.

Ông Chow Kok Wah, cựu Giám đốc kỹ thuật của một hãng hàng không, cho rằng loại công tắc điều khiển nhiên liệu này không thể bị di chuyển một cách vô tình.

“Loại công tắc này là một núm kim loại nổi, cần phải gạt lên qua một chốt chặn mới thay đổi được vị trí. Việc công tắc tự di chuyển mà không có tác động từ con người là điều không thể”, ông giải thích.

Cựu phi công kiêm chuyên gia hàng không Eshan Khalid cũng đồng tình, cho rằng nếu công tắc được gạt sang vị trí ngắt thì phải có hành động chủ ý.

Ghi âm từ buồng lái cho thấy một phi công đã ngạc nhiên hỏi vì sao lại gạt công tắc, nhưng phi công còn lại khẳng định không làm. Ngay sau đó, máy bay bắt đầu rơi nhanh. Dù các phi công cố gắng gạt lại công tắc nhiên liệu, nhưng quá trình khôi phục động cơ đã quá muộn nên không thể ngăn máy bay hạ độ cao.

Ông Marco Chan, giảng viên cấp cao tại Khoa Hàng không thuộc Đại học Buckinghamshire New (Anh), nhận định: “Báo cáo cho thấy không có dấu hiệu phi công mắc sai sót. Họ đã làm mọi cách để cứu máy bay”.

Nguyên nhân vẫn là ẩn số

Hiện trường vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Air India tại Ahmedabad, bang Gujarat, Ấn Độ, ngày 12/6/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Hiện trường vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Air India tại Ahmedabad, bang Gujarat, Ấn Độ, ngày 12/6/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Chan cho rằng nguyên nhân có thể liên quan đến lỗi bộ phận điều khiển điện tử, khi trước đó nhà sản xuất động cơ từng cảnh báo về nguy cơ mất tín hiệu điều khiển nhiên liệu.

“Nếu tín hiệu điều khiển bị mất, nhiên liệu sẽ không được bơm đến động cơ – điều này trùng khớp với cảnh báo bảo trì trước đó từ nhà sản xuất”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Chow bác bỏ giả thuyết này và cho rằng khả năng chip lỗi khiến công tắc tự gạt là gần như không thể.

“Công tắc điều khiển nhiên liệu là chức năng cực kỳ quan trọng. Không một nhà thiết kế nào lại để xảy ra khả năng lỗi khiến động cơ ngừng hoạt động. Đặc biệt là với cả hai động cơ cùng lúc – xác suất xảy ra gần như bằng không”, ông nói.

Điểm đáng chú ý là sau khi công tắc được gạt lại đúng vị trí, động cơ lập tức hoạt động trở lại bình thường. Điều này càng khiến ông Chow nghi ngờ rằng có người đã thao tác với công tắc chứ không phải sự cố kỹ thuật.

“Nếu là lỗi hệ thống, liệu động cơ có thể hồi phục đồng thời và ngay lập tức không? Tôi cho rằng khó có khả năng đó”, ông nói.

Ông Khalid cũng đề nghị cơ quan điều tra cần làm rõ thêm vì đoạn ghi âm hiện tại chưa đủ rõ ràng để xác định phi công đang nói về công tắc hay các bộ phận khác như van chặn nhiên liệu.

“Chưa rõ phi công đang nói về công tắc nhiên liệu hay là các bộ phận khác như van chặn nhiên liệu. Có thể công tắc vẫn ở vị trí cấp nhiên liệu, nhưng van lại bị đóng”, ông nói với hãng tin Reuters.

Chưa có kết luận cuối cùng

Báo cáo sơ bộ khẳng định không phát hiện lỗi kỹ thuật hoặc thiếu sót trong công tác bảo dưỡng. Các cuộc kiểm tra đều được tiến hành đúng quy trình.

Ông Chow nhấn mạnh chưa có cơ sở để khuyến cáo kiểm tra thêm đối với các máy bay cùng loại.

“Đây chỉ là báo cáo sơ bộ. Cuộc điều tra chi tiết vẫn đang tiếp tục và sẽ làm rõ thêm nhiều tình tiết. Không nên đưa ra suy đoán khi chưa có đầy đủ dữ liệu”, ông nói.

Trong trường hợp không tìm thấy lỗi kỹ thuật, cuộc điều tra có thể sẽ chuyển hướng sang yếu tố con người trong buồng lái.

“Mọi sự chú ý đang đổ dồn về công tắc nhiên liệu. Nếu nó hoạt động bình thường, thì chắc chắn đã có người tác động. Câu hỏi còn lại là ai và vì sao?”, ông Chow đặt vấn đề.

Trong bản ghi nhớ nội bộ mới nhất, ông Campbell Wilson, Giám đốc điều hành Air India, khẳng định cuộc điều tra vẫn còn kéo dài và hãng sẽ hợp tác đầy đủ với các cơ quan chức năng. Ông cũng cảnh báo tránh đưa ra những kết luận vội vàng khi chưa có kết quả chính thức.

Hiệp hội Phi công Ấn Độ (ALPA) và Hiệp hội Phi công Thương mại Ấn Độ đều lên tiếng bác bỏ những suy đoán phi công có lỗi hay tự sát, đồng thời kêu gọi một cuộc điều tra khách quan, dựa trên cơ sở sự thật, tôn trọng nạn nhân và gia đình họ.

Hải Vân/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tham-kich-roi-may-bay-o-an-do-nghi-van-xoay-quanh-cong-tac-nhien-lieu-20250715155103721.htm