'Aliss bên đám lửa': Những mảnh ghép nên Jon Fosse
Vượt qua những tên tuổi lẫy lừng khác để trở thành chủ nhân mới nhất của giải Nobel Văn chương 2023, Jon Fosse đã có một đời hoạt động sôi nổi trước khi chạm tay đến giải thưởng danh giá bậc nhất thế giới văn chương. Trong số các tác phẩm văn xuôi của ông, 'Aliss bên đám lửa' có thể nói là tác phẩm nổi bật nhất, đại diện cho phong cách Jon Fosse nhất và cũng được chuyển ngữ sớm nhất trong di sản của nhà văn này.
Theo đó, khi được trao giải, Jon Fosse đã được Viện Hàn lâm Thụy Điển ca ngợi vì khả năng giúp “nói hộ những thứ không thể nói thành lời” qua các vở kịch cũng như văn xuôi. Nếu Annie Ernaux được trao giải vì lòng dũng cảm khi từ những trải nghiệm cá nhân đã phản ánh những sự chuyển biến của xã hội Pháp, Olga Tokarczuk vì bộ óc bách khoa toàn thư… thì ở Fosse, một điều gì đó mang tính nội quan cũng được gợi ra.
Chẳng hạn ông từng chia sẻ chính một trải nghiệm cận tử khi mình lên 7 đã làm thay đổi cuộc đời cũng như con người nghệ sĩ ẩn bên trong mình, hướng ông đến với sứ mệnh viết ra những thứ bất khả để nói. Ở “Aliss bên đám lửa”, ta thấy rất rõ những trải nghiệm trên, trong phong cách viết độc đáo và đầy hấp dẫn của nhà văn.
Cuốn sách xoay quanh một cặp vợ chồng, gồm Signe - người thường trực ở ngôi nhà hàng trăm năm tuổi, trông về phía biển từ khung cửa sổ; và Asle - một người đàn ông có niềm yêu thích dong thuyền ra biển, có lần lên đến hai ngày một lần. Trong một đêm mưa gió bão bùng của tháng 11 năm 1979, Asle muốn ra bến thuyền kiểm tra dây neo, thế nhưng anh đã ra đi và không trở về. Cũng kể từ đó, Signe nhìn thấy rất nhiều “người khác” đã từng hiện diện trong căn nhà này, từ kỵ Aliss và ông cố Kristoffer của Asle, đến ông nội Olaf, bà nội Olaf và người anh trai đoản mệnh của ông - người chết ở tuổi lên 7 khi đang chơi thuyền ở ngoài bến cảng - mà chồng của cô được đặt tên theo.
Hiện thân văn chương của Fosse
Nói “Aliss bên đám lửa” là tác phẩm điển hình nhất cho phong cách văn chương của Jon Fosse là bởi nó hàm chứa hầu như tất cả đặc trưng phong cách sáng tác và những sáng tạo nghệ thuật của bản thân ông. Đầu tiên nằm ở cấu trúc. Theo đó Fosse được ca ngợi vì đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn những dấu ấn địa lý quen thuộc, với khả năng cách tân trong nghệ thuật viết khác biệt, làm chúng hòa hợp, trở nên mới lạ.
Điểm đặc biệt thứ 2 nằm ở cách cấu trúc tác phẩm. Thật chất Fosse vốn nổi tiếng với khả năng viết kịch trước khi rẽ hướng chuyển sang văn xuôi. Với sự giới hạn về yếu tố bối cảnh, kịch nói của ông thường có một sự tăng tiến theo chiều dọc - thời gian hơn là chiều ngang - bối cảnh. Điều này tương đối dễ hiểu khi sân khấu trình diễn luôn bị giới hạn về mặt vật lý. Ở “Aliss bên đám lửa”, ta thấy nhiều dòng thời gian được đặt trùng khớp lên nhau mà điểm mấu chốt được khóa chặt lại là căn nhà cũ hàng trăm năm tuổi, giữa lúc bà kỵ Aliss mới 20 tuổi, đến năm 1897 khi cụ Asle qua đời, rồi gần một thế kỷ sau, vào năm 1979, khi Asle mất tích và năm 2002, khi Signe nằm đó tự vấn tất cả. Thời gian trong nó ẩn chứa những sự thay đổi, và bằng việc đóng băng một trục của vũ trụ này, Fosse đã cho ta thấy một cách rung động tác động của nỗi đau và những hồi ức xám xịt được di truyền lại trong cây gia phả gia đình.
Điểm nhấn thứ 3 là phong cách văn chương khác biệt của bản thân ông. Fosse thường được biết đến với các tác phẩm không chấm câu, không xuống dòng, viết một mạch từ đầu tới cuối và các câu này chỉ được phân cách bằng những liên từ hoặc là tình tiết lặp đi lặp lại. Như ông giải thích, đây là hiệu ứng để ông tái tạo lại những khoảng lặng của chính con người. Trên sân khấu, ông thường khai thác những nỗi bất an, những sự lo sợ, cảm giác hoang mang… khi con người ta không thể đưa ra lựa chọn hoặc là quyết định mình sẽ làm gì. Và chính khoảng lặng sau các câu nói hay những khoảng không khi các nhân vật đứng trước ngã ba đường... là cách hiển hiện tốt nhất những cảm xúc này. Vì vậy nếu Luigi Pirandello - nhà văn người Ý đoạt giải Nobel Văn chương 1934 nổi tiếng với các cách tân về cấu trúc kịch, thì có thể nói Jon Fosse đã làm nên tên tuổi bằng những khoảng lặng.
Đối với kịch nghệ, do có sự hỗ trợ của người diễn viên cũng như âm thanh, ánh sáng... mà ý định trên rất dễ thực hiện. Nhưng khi viết văn xuôi, ông phải tạo ra điều gì đó khác để bộc lộ được những hậu vị tinh tế này - điều “không thể nói ra” mà vì thế giải Nobel Văn chương thuộc về ông. Vì thế ông bắt đầu viết những câu đơn giản nằm cạnh bên nhau nhưng mang sắc thái đối lập, từ đó dựng lại cảm giác hoang mang, không thể chọn lựa của các nhân vật, khi họ đối mặt với những quyết định quan trọng của cuộc đời mình.
Không gian của sự sáng tạo
Chính bằng việc tái hiện trên, Fosse đã tạo nên một không gian văn chương khác lạ, nơi những thứ không thể nói ra đã được tỏa bày và cảm xúc ấy đã được trao truyền đến với người đọc. Là người yêu thích văn chương của nhà văn Áo Thomas Bernhard, người vốn nổi tiếng với những tác phẩm châm biếm, giễu nhại... cùng nghệ thuật viết dòng suy tưởng nối nhau cho đến vô cùng, nhưng ở Fosse, hình thức của ông trông chỉ giông giống chứ không phải thế, xét về bản chất. Ý tưởng của ông không xuất phát từ một não trạng liên tục cho ra những câu văn dài theo dòng cảm xúc, mà việc tái hiện lại những câu văn nối tiếp nhau, nằm kế bên nhau nhưng tác động chính là phủ nhận nhau lại nhằm chủ yếu là tái hiện lại sự im lặng và vô phương hướng ở nơi chủ thể.
Sở dĩ có được điều đó là nhờ sự đơn giản của các từ ngữ. Ngay cả bản dịch tiếng Anh của Fosse luôn được các dịch giả chọn lựa những từ bình dị, không hề đánh đố. Đó là những gì thực nhất và rõ ràng nhất, bởi như Fosse mượn lời Signe để nói về chồng mình trong tác phẩm này rằng, “nếu có điều gì anh không thích thì đó là những từ to tát, chúng chỉ dối trá và che đậy mọi thứ, những từ to tát đó, chúng không để cho điều đích thực được sống và thở mà chỉ biến nó thành thứ gì đó muốn trở nên to tát, đó là điều anh nghĩ, và anh là như thế đấy”. Dịch giả Bùi An Bình, người chuyển ngữ tác phẩm cũng từng nói rằng: “Có thể so sánh đọc Fosse với thiền vậy. Nó cần sự lặp lại chính xác và phải cực kỳ đơn giản. Mọi phức tạp, hoa mỹ đều phá hỏng nó”.
Ở “Aliss bên đám lửa”, ta cũng thấy được những dấu chỉ hướng đến nhiều sự trùng khớp trong cuộc đời của vị nhà văn với nhân vật chính. Từ ngoại hình là mái tóc đen dài, cho đến cách nhìn nhận về từ ngữ, sự giản đơn và cảm giác tách biệt. Ngoài ra trải nghiệm cận tử ở tuổi lên 7 cũng được tái hiện trong tác phẩm này, nhưng ở tại đây là một cái chết đã thành hiện thực, không còn lựa chọn nào khác. Chính cái chết ấy đã khởi động nên bộ máy di truyền, nơi những bi kịch trong một gia đình bỗng dưng trở lại và rồi phản chiếu lên nhau. Từ cái “chết hụt” của ông cố Kristoffer đến cái chết thật của cụ Asle và giờ là Asle đi mãi không về, qua vòng lặp thứ 3 này, Fosse đã cho ta thấy việc tập trung vào khai thác nỗi đau, cũng như ảnh hưởng dài lâu của nó đến những người còn lại. Đó là vết thương không thể xóa mờ và làm lành lại ngày một ngày hai.
Cái chết vốn thường xuất hiện trong các tác phẩm của vị nhà văn, nhưng không theo hướng bi kịch, mà là hóa giải chính nỗi đau ấy. Chẳng hạn trong "A Shining" (Ánh sáng trắng), người đàn ông trước khi chết đã nhìn thấy người phụ nữ mình hằng khao khát cũng như bố mẹ trong ánh sáng bừng lên. Điều này cho thấy trong những thời khắc cận tử, những gì mà anh nghĩ tới đó là những người thân quen. Còn với “Aliss bên đám lửa”, hành trình giải mã sự biến mất của Asle cũng đã tái hiện sợi dây bi kịch của một gia đình, như thể đó là lời nguyền không thể tránh khỏi, để Signe thấu hiểu được một mảng tối bên trong chồng mình, thứ bản thân anh cũng không thể hiểu.
Vì những điều này mà trong diễn từ nhận giải Nobel tại Thụy Điển vào cuối năm 2023, Fosse nói rằng tuy viết nhiều về cái chết và trải nghiệm cận tử, thế nhưng điều khiến ông hạnh phúc nhất là những lá thư từ các độc giả nói rằng tác phẩm của ông đã cứu mạng họ. Bằng việc đi sâu vào ranh giới của sự sống, cái chết, văn chương của Fosse đã tiến đến sự hóa giải. “Aliss bên đám lửa” là một tác phẩm đặc sắc, ấn tượng, hấp dẫn và mang nhiều cá tính nhất của Jon Fosse. Qua các sáng tạo về mặt nghệ thuật cũng như khai thác những đề tài “không thể nói ra”, nhà văn đến từ Na Uy đã cho độc giả sống lại với những thời khắc tuy không dễ dàng, nhưng khi được viết ra, những vết hằn cũ phần nào được bôi xóa bớt. Một tác phẩm sáng tạo, tiên phong và đầy phá cách.