Ám ảnh tai nạn lao động: Bài cuối: Cần mạnh tay xử lý tận gốc

An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một nội dung quan trọng trong pháp luật lao động của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tổ chức Lao động quốc tế đã có nhiều công ước, khuyến nghị về vấn đề này.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh và Sở Lao động, thương binh và xã hội thăm hỏi người lao động bị tai nạn lao động tại Công ty TNHH Nhựa Phong Nguyễn (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: N.Hòa

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh và Sở Lao động, thương binh và xã hội thăm hỏi người lao động bị tai nạn lao động tại Công ty TNHH Nhựa Phong Nguyễn (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: N.Hòa

Để không lặp lại các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) thương tâm như thời gian qua, cần siết chặt hơn nữa các quy định về đảm bảo ATVSLĐ. Những cá nhân, đơn vị vi phạm cần phải xử phạt nghiêm để tạo tính răn đe, đảm bảo an toàn cho người lao động (NLĐ), đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương và nhiều vấn đề liên quan khác.

* Xử phạt nặng để răn đe

Sau khi xảy ra vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng tại công trình xây dựng ở Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom) làm 10 người chết, 14 người bị thương hồi tháng 5-2020, cuối tháng 12-2021, Tòa án nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Hà Huy Hải, Giám đốc Công ty TNHH Hà Hải Nga, 8 năm tù về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Hội đồng xét xử còn tuyên buộc bị cáo Hà Huy Hải bồi thường hơn 1,1 tỷ đồng cho công ty đối tác có công trình bị sập; đồng thời, cấp dưỡng nuôi con của các bị hại trong vụ án đến khi đủ 18 tuổi.

Trước đó, chủ đầu tư và nhà thầu chính đã hỗ trợ các nạn nhân và gia đình người bị nạn tổng số tiền 170 triệu đồng. Ngoài ra, nhà thầu chính đã bồi thường thiệt hại ban đầu và khắc phục hậu quả đối với các nạn nhân và gia đình người bị nạn với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.

Với vụ TNLĐ xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu), ngày 9-5-2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Feng Yong, quốc tịch Trung Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh Việt Nam về hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động được quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015. Vụ án đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tiếp tục điều tra làm rõ, xác định trách nhiệm của những cá nhân có liên quan.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh NGUYỄN THỊ NHƯ Ý yêu cầu các cấp Công đoàn trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về ATVSLĐ cho chủ doanh nghiệp, cán bộ làm công tác ATVSLĐ trong doanh nghiệp và NLĐ. Ngoài ra, cần quan tâm đảm bảo bữa ăn giữa ca, chăm lo sức khỏe để công nhân tái tạo sức lao động, tránh làm việc quá sức, dễ xảy ra TNLĐ.

Anh Đỗ Xuân Thanh, người bị thương nặng trong vụ nổ lò hơi ở Công ty TNHH Sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh Việt Nam, cho biết sau tai nạn, đại diện công ty đã đến bệnh viện hỗ trợ cho mỗi người bị thương 20 triệu đồng tiền ăn, tạm ứng tiền tổn hại sức khỏe 30 triệu đồng/người, đồng thời thanh toán toàn bộ viện phí.

“Tai nạn là điều không ai mong muốn, bởi làm người chết, người bị thương. Số tiền công ty tạm hỗ trợ cho chúng tôi cũng chỉ giải quyết được những khó khăn bước đầu, còn hậu quả về sau thì chúng tôi và gia đình phải gánh chịu. Tôi không biết cuộc sống sau này của gia đình mình ra sao khi không có đủ sức khỏe để lao động” - anh Thanh bộc bạch.

* Nâng cao trách nhiệm từ nhiều phía

Pháp luật hiện nay quy định rõ, tất cả các nơi làm việc đều phải có nội quy lao động, nội quy an toàn và quy trình cho từng máy, thiết bị, công việc. Tùy theo từng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt hay thông thường mà nội quy, quy trình được xây dựng phù hợp. NLĐ phải được đào tạo, hướng dẫn thành thục, tuân thủ nội quy, quy trình đó.

Trong tháng 5-2024, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh do Sở Lao động, thương binh và xã hội chủ trì đã kiểm tra công tác an toàn lao động tại công trình xây dựng Trường tiểu học Nguyễn Trãi (huyện Trảng Bom). Đơn vị thi công có báo cáo với đoàn kiểm tra đã huấn luyện ATVSLĐ cho công nhân và có chứng chỉ huấn luyện. Tuy nhiên, khi hỏi công nhân thì đa số đều nói chưa được huấn luyện, những giấy chứng nhận mà đơn vị xuất trình cũng mang tính đối phó.

Năm 2023, các đoàn thanh - kiểm tra của tỉnh đã đề nghị xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến ATVSLĐ tại 38 doanh nghiệp với số tiền hơn 900 triệu đồng.

Đoàn kiểm tra đã đề nghị đơn vị thi công mời đơn vị có nhiệm vụ huấn luyện ATVSLĐ về huấn luyện trực tiếp cho công nhân tại công trình xây dựng. Việc huấn luyện không chỉ là hướng dẫn cho NLĐ cách làm việc cho đúng quy trình, mà còn truyền tải cho NLĐ động lực, thái độ làm việc nghiêm túc, có ý thức cao trong công việc, có trách nhiệm với chính mình, đồng nghiệp, gia đình và cộng đồng.

Theo thống kê của Bộ Lao động, thương binh và xã hội, có đến 46% tổng số vụ TNLĐ và hơn 44% số người chết do TNLĐ có nguyên nhân do người sử dụng lao động không tuân thủ các quy định về ATVSLĐ, tổ chức cho NLĐ làm việc trong điều kiện không đảm bảo an toàn, không trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân cho NLĐ.

Tiếp đến là nguyên nhân từ phía NLĐ. Nhiều NLĐ chưa được huấn luyện ATVSLĐ, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn và tác phong công nghiệp. Không ít lao động chủ quan, làm việc không tập trung, lơ là, mất cảnh giác, không mang đồ bảo hộ, vận hành máy đúng quy định…

Từ phân tích các vụ TNLĐ chết người trong nhiều năm qua, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), tiến sĩ Nguyễn Anh Thơ đánh giá, về mặt tổ chức nhà nước, đã có phân cấp rất rõ về trách nhiệm. Tuy nhiên, tần suất thanh tra đang rất thấp, tần suất kiểm tra cũng hạn chế, thiếu sâu sát, chưa phát hiện kịp thời các vi phạm, nguy cơ mất an toàn hoặc có phát hiện nhưng xử lý chưa nghiêm.

Mặt khác, cách thức thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ vẫn tương đối cũ, mô phỏng, dẫn đến kéo dài thời gian thanh tra, kiểm tra. Thiếu cương quyết trong việc yêu cầu NLĐ thực hiện đúng, đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy trình, quy định, biện pháp kỹ thuật an toàn.

“Lực lượng chức năng khi thanh, kiểm tra nếu phát hiện sai phạm, thiếu sót thì phải yêu cầu doanh nghiệp, NLĐ khắc phục ngay; bởi để TNLĐ xảy ra rồi thì hầu như không còn cơ hội khắc phục. Tai nạn xảy ra rồi, chỉ có thể tìm cách này hay cách khác để xoa dịu phần nào nỗi đau của người bị nạn, gia đình người bị nạn chứ không thể đưa NLĐ trở về trạng thái bình thường như trước được. Bên cạnh trách nhiệm của người sử dụng lao động thì mỗi NLĐ hãy tuân thủ đúng các quy định trong quá trình sản xuất, có trách nhiệm, coi trọng tính mạng, sức khỏe của mình và đồng nghiệp” - tiến sĩ Anh Thơ nhấn mạnh.

Anh Lê Ngọc Tuyến, thợ hồ tại một công trình xây dựng trên địa bàn phường Tân Hạnh (thành phố Biên Hòa), chia sẻ anh làm thợ hồ đã hơn 3 năm, thường xuyên phải leo cao nhưng ít khi được huấn luyện các kỹ năng về ATVSLĐ. Qua các phương tiện truyền thông, anh Tuyến biết nhiều vụ TNLĐ xảy ra làm chết và bị thương nhiều người nên rất e sợ.

“Chúng tôi sẽ đề nghị chủ đơn vị thi công trang bị đầy đủ trang thiết bị, bảo hộ lao động. Khi leo lên cao, tôi sẽ mang dây bảo hộ để hạn chế nguy cơ tai nạn. Phía sau tôi còn có gia đình, tôi sẽ chú ý làm việc cẩn thận hơn” - anh Tuyến tâm sự.

Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, trong năm 2024, sở triển khai nhiều giải pháp trọng tâm nhằm đảm bảo công tác ATVSLĐ như: nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ATVSLĐ; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện ATVSLĐ. Sở đã và đang tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở, thanh tra, kiểm tra các tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó, tập trung vào các ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cao về TNLĐ, lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng, vận hành các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt. Đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, nâng cao sức khỏe và năng suất lao động tại nơi làm việc.

Hạnh Dung - Nguyễn Hòa

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202405/am-anh-tai-nan-lao-dong-bai-cuoi-can-manh-tay-xu-ly-tan-goc-e2a590d/