Ám ảnh tuổi thơ ảnh hưởng ra sao đến khả năng ghi nhớ của trẻ?
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, tình trạng căng thẳng do bị bạo hành về tinh thần, khiến hồi hải mã ở não trẻ kém phát triển, ảnh hưởng lớn tới khả năng ghi nhớ và tập trung.

Khi trẻ nhỏ trải qua sự căng thẳng và sợ hãi trong thời gian dài, sẽ ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ và tập trung. Ảnh: H.W.
Nếu bạn muốn hiểu phản ứng với căng thẳng ở một đứa trẻ hoạt động thế nào, hãy thử bước vào phòng khám với một khay kim tiêm và nói với nó là đến giờ tiêm rồi. Đến lúc này, dường như tôi có thể đoán được điểm ACE [1] của một bệnh nhân qua những náo động xảy ra khi y tá bước vào và chuẩn bị tiêm.
Chúng tôi đã thấy đủ kiểu: La hét, đấm đá, cắn xé, những đứa trẻ thực sự đã cố gắng trèo tường để né mũi kim. Một bệnh nhân đã khó chịu đến mức nôn lên chiếc áo blouse của tôi. Một đứa khác chạy ra khỏi phòng khám và chạy hết con phố trước khi chúng tôi bắt lại được.
Những trường hợp sợ hãi cực đoan này không phải là phản ứng sợ kim tiêm bình thường; đó là phản ứng bùng nổ với tên gọi "có gấu trong rừng". Trùng hợp thay, thử thách kích hoạt phản ứng với căng thẳng tự nhiên này đã cho chúng tôi cơ hội để kiểm tra nhân tố thứ hai cũng quan trọng không kém đối với căng thẳng độc hại, khả năng của người chăm sóc có thể hỗ trợ đứa trẻ.
Những đứa trẻ phản ứng tệ nhất cũng là những trẻ mà người chăm sóc ôm, hôn, hát, hoặc dỗ dành ít nhất. Chúng tôi thường xuyên nghe thấy “Phải giữ chặt nó lại!” và “Tao không có thời gian cho trò này, tao phải quay lại làm việc trong nửa tiếng nữa”.
Quan sát hiện tượng và dự đoán mối liên hệ là một chuyện, nhưng tôi cần tìm ra cách đánh giá chính xác chứ không chỉ xem ACE có ảnh hưởng đến bệnh nhân hay không, mà còn ảnh hưởng ra sao.
Bác sĩ Victor Carrion, bác sĩ tâm thần nhi khoa và là giám đốc của Chương trình căng thẳng đầu đời và lo âu ở trẻ em tại Trung tâm Y tế Đại học Stanford, đã nhanh chóng trở thành đồng minh của tôi.
Vẫn còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết về việc căng thẳng ảnh hưởng đến não bộ như thế nào, nhưng càng ngày, những nghiên cứu đầy hứa hẹn lại cho ta biết nhiều hơn. Những điều chúng tôi biết về ảnh hưởng của căng thẳng độc hại lên não bộ đều nhờ vào các nghiên cứu quan trọng như nghiên cứu của bác sĩ Carrion ở Stanford.
Carrion đã làm việc trong thời gian dài với những trẻ em trải qua nghịch cảnh cao độ. Những nghiên cứu trước đây trên người lớn cho thấy nồng độ cortisol cao rất độc hại với hồi hải mã, nhưng bác sĩ Carrion quyết định nghiên cứu cụ thể trên trẻ em. Nhờ vào công nghệ MRI, ông đã có thể hé nhìn vào bên trong não bộ và tìm hiểu ảnh hưởng của cortisol lên những đứa trẻ chịu sang chấn.
Điều mà các bác sĩ thấy hấp dẫn ở công trình của Carrison là nó kể câu chuyện bằng loại ngôn ngữ mà bác sĩ chúng tôi đều quen thuộc. Khi bạn đặt một đứa trẻ chịu sang chấn trong một chiếc máy MRI, bạn có thể thấy những thay đổi đong đếm được trong cấu trúc não bộ.
Với nghiên cứu này, Carrion và đội nhóm của mình đã tuyển chọn bệnh nhân từ vô số dịch vụ chăm sóc sức khỏe địa phương. Tiêu chí là những đứa trẻ ấy đã chịu sang chấn, từ 10 đến 16 tuổi, và có những triệu chứng PTSD [2]. Phần lớn những đứa trẻ này đã trải qua vô số trải nghiệm sang chấn, chứng kiến bạo lực hoặc chịu ngược đãi thể xác hoặc ngược đãi cảm xúc.
Nhiều trẻ sống trong nghèo khó. Nhóm kiểm soát không có lịch sử sang chấn, nhưng tương đồng với nhóm thí nghiệm trên phương diện thu nhập, độ tuổi và sắc tộc.
Khi phỏng vấn tiền kỳ, các nhà nghiên cứu hỏi lũ trẻ hoặc người chăm sóc về các triệu chứng PTSD và các triệu chứng tăng nhạy cảm quá độ, có thể kể đến như khó ngủ, bực bội, hoặc có vấn đề về tập trung. Sau đó, họ quét MRI và kiểm tra cortisol trong nước bọt của đứa trẻ bốn lần một ngày. Khi đã quét não xong, họ xem kích thước hồi hải mã của từng trẻ bằng cách đo thể tích trong 3-D.
Họ thấy rằng đứa trẻ càng có nhiều triệu chứng, nồng độ cortisol càng cao, và thể tích hồi hải mã càng nhỏ. Từ 12 đến 18 tháng sau lần đo đầu tiên, họ đo hồi hải mã của những đứa trẻ ấy thêm lần nữa và nhận thấy hồi hải mã lại teo nhỏ hơn nữa. Cho dù chúng không phải chịu thêm sang chấn nào, phần não chịu trách nhiệm cho việc học hành và ghi nhớ vẫn teo lại, cho thấy hệ quả của sang chấn đầu đời vẫn tiếp tục ảnh hưởng lên hệ thần kinh.
[1] Viết tắc của Adverse childhood experiences - (ACE) là những sự kiện có khả năng gây tổn thương xảy ra ở tuổi vị thành niên (0-17 tuổi). Nếu không được chữa lành, những chấn thương này có thể gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của trẻ khi trưởng thành.
[2] Viết tắt của hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn.