Thuốc điều trị lao thanh quản

Lao thanh quản là một thể lao ngoài phổi do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Việc điều trị lao thanh quản cần tuân thủ đúng phác đồ và thời gian để đạt hiệu quả tối ưu.

Lao thanh quản điển hình có các triệu chứng như khàn tiếng, khó nuốt, ho và khó thở... Nếu không điều trị đúng cách, bệnh có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề.

1. Các thuốc điều trị lao thanh quản

Các thuốc điều trị lao thanh quản bao gồm: Rifampicin, isoniazid, pyrazinamide và ethambutol.

Hình ảnh lao thanh quản.

Hình ảnh lao thanh quản.

- Isoniazid: Thuốc isoniazid là thuốc dùng trong điều trị dự phòng và điều trị lao; có thể gặp một số tác dụng phụ như viêm gan, vàng da, buồn nôn, nôn, bệnh thần kinh ngoại biên (nhất là ở người lớn tuổi).

- Rifampicin thường được dùng với các thuốc chống lao khác để trị bệnh lao đang hoạt động. Rifampicin cũng có thể gây tác dụng phụ giống isoniazid như viêm gan, vàng da, buồn nôn và nôn.

- Pyrazinamide là thuốc được dùng trong giai đoạn đầu điều trị để chống lại vi khuẩn lao. Pyrazinamide dễ gây tăng men gan hoặc ảnh hưởng chức năng gan nặng hơn nếu phối hợp, đau khớp do tăng axit uric.

- Ethambutol là thuốc được dùng trong điều trị lao và lao tái phát. Thuốc có thể gây ảnh hưởng đến thị lực, viêm dây thần kinh thị giác... Tuy nhiên, các triệu chứng này sẽ hết sau 3-12 tháng.

Phác đồ điều trị lao thanh quản được sử dụng hiện tại bao gồm hai giai đoạn chính:

1.1. Giai đoạn tấn công (2-3 tháng)

Sử dụng kết hợp các thuốc: Rifampicin, isoniazid, pyrazinamide và ethambutol.

Lưu ý, liều lượng cụ thể được điều chỉnh dựa trên cân nặng và tình trạng cụ thể của bệnh nhân.

1.2. Giai đoạn duy trì (4-6 tháng)

Tiếp tục điều trị với các thuốc rifampicin và isoniazid. Phác đồ này tuân theo chương trình điều trị có kiểm soát trực tiếp (DOTS) nhằm đảm bảo bệnh nhân tuân thủ và đạt hiệu quả điều trị cao nhất.

Cần trao đổi với bác sĩ nếu có các triệu chứng bất thường khi uống thuốc điều trị lao thanh quản.

Cần trao đổi với bác sĩ nếu có các triệu chứng bất thường khi uống thuốc điều trị lao thanh quản.

2. Lưu ý trong quá trình điều trị

Để đảm bảo việc điều trị lao thanh quản hiệu quả, người bệnh cần thực hiện:

- Tuân thủ phác đồ: Bệnh nhân cần dùng thuốc đúng liều lượng và thời gian quy định, không tự ý ngừng thuốc ngay cả khi triệu chứng cải thiện.

- Nghỉ ngơi hợp lý và duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ để hỗ trợ quá trình hồi phục.

- Tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.

- Hạn chế nói to để giảm áp lực lên thanh quản.

- Kiểm tra và theo dõi: Thường xuyên tái khám theo lịch hẹn để bác sĩ theo dõi tiến triển và điều chỉnh điều trị nếu cần thiết.

+ Theo dõi men gan định kỳ (đặc biệt trong 2 tháng đầu): Nếu men gan tăng nhẹ (gấp <3 lần bình thường), có thể theo dõi tiếp. Nếu men gan tăng cao (gấp ≥3 lần, kèm triệu chứng) hoặc gấp ≥5 lần không triệu chứng, cần ngưng thuốc, theo dõi sát, thay đổi phác đồ nếu cần. Với người lớn tuổi, người uống rượu, người suy gan sẵn có, nên xét nghiệm thường xuyên hơn.

+ Trong quá trình điều trị lao thanh quản, việc theo dõi chức năng các cơ quan như gan, thận… là rất cần thiết, vì thuốc chống lao có thể gây độc cho gan, thận và các cơ quan khác nếu dùng kéo dài hoặc ở người có cơ địa nhạy cảm. Nếu có các triệu chứng như vàng da, buồn nôn, mệt mỏi, nước tiểu sẫm màu… cần kiểm tra gan ngay.

+ Với người có bệnh nền (gan, thận, đái tháo đường…), cần theo dõi sát hơn theo hướng dẫn của bác sĩ.

Cảnh báo nguy cơ lao phổi tiến triển nặng khi tự ý điều trị.

PGS.TS. BS. Phạm Thị Bích Đào

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-dieu-tri-lao-thanh-quan-169250414092012423.htm