Ấm áp Tết sum vầy, văn hóa, an toàn
Trong tiết trời xuân có nắng vàng rực rỡ, khắp các bản làng, khu phố trên địa bàn tỉnh Hòa Bình rộn ràng đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Các gia đình sum vầy, tận hưởng những ngày đầu năm mới trong niềm vui, sự ấm áp và tinh thần phấn khởi.
Trong tiết trời xuân có nắng vàng rực rỡ, khắp các bản làng, khu phố trên địa bàn tỉnh Hòa Bình rộn ràng đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Các gia đình sum vầy, tận hưởng những ngày đầu năm mới trong niềm vui, sự ấm áp và tinh thần phấn khởi.
Từ trung tâm thành phố Hòa Bình đến các huyện, các xã vùng cao, vùng sâu, sắc xuân tràn ngập trên từng con đường, góc phố, nếp nhà. Các tuyến đường được trang hoàng rực rỡ với cờ đỏ sao vàng, băng rôn, đèn lồng và những tiểu cảnh đón xuân đầy màu sắc. Trước và ngay sau Tết, các khu chợ tấp nập kẻ bán người mua. Đặc biệt là các sản vật đặc trưng như cam Cao Phong, bưởi Diễn Yên Thủy, măng khô Mai Châu, gạo nếp, thịt chua, gà đồi Lạc Sơn, bánh chưng, bánh ống của người Mường... được người tiêu dùng ưa chuộng.
Điểm nhấn tạo nên không khí Tết sôi động, ý nghĩa là Chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân và màn trình diễn pháo hoa đêm Giao thừa, mang đến không gian lễ hội rực rỡ, tưng bừng. Tết năm nay, hầu hết các huyện, thành phố đều tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc và bắn pháo hoa vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Chị Nguyễn Thị Hà (phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình) chia sẻ: "Như bao gia đình, sáng mùng 1 Tết, gia đình tôi làm lễ cúng tổ tiên, sau đó đi chúc Tết ông bà, họ hàng. Đặc biệt, chúng tôi chọn xuất hành đầu xuân là đi lễ chùa cầu an, dâng hương Tượng đài Bác Hồ và tham quan linh vật chào Xuân tại Quảng trường Hòa Bình."
Ở các bản Mường, Tết Nguyên đán vẫn giữ được những phong tục truyền thống đặc trưng. Gia đình ông Bùi Văn Tâm ở bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong cho biết, người Mường vẫn duy trì tập tục "đụng lợn” trước Tết - một hình thức chia sẻ, gắn kết cộng đồng. Những ngày Tết, họ thực hiện đầy đủ nghi lễ cúng gia tiên và tham gia các hoạt động văn hóa như hát thường đang, bộ mẹng, sắc bùa, tạo nên không khí xuân rộn ràng, vui tươi. Năm nay, bản Giang Mỗ còn thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm Tết cổ truyền của người Mường. Đây cũng là cơ hội để quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đất Mường Thàng.
Ngay từ những ngày đầu năm, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình văn hóa, thể thao mừng Đảng, mừng Xuân. Các hoạt động như biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể thao dân tộc, trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân tham gia. Tiêu biểu như mùng 4 Tết, huyện Lạc Thủy khai hội chùa Tiên, mở đầu mùa lễ hội xuân. Huyện Lạc Sơn, Kim Bôi, Tân Lạc tổ chức các lễ hội truyền thống đặc sắc. Những điểm du lịch ở các huyện Cao Phong, Kim Bôi, Mai Châu, lòng hồ Hòa Bình đón hàng vạn du khách tham quan, thưởng ngoạn.
Anh Bùi Văn Minh, tài xế xe khách tuyến Hòa Bình - Hà Nội, chia sẻ: "Năm nay, lượng khách về quê đón Tết khá đông, nhưng giao thông được tổ chức tốt, không còn cảnh ùn tắc. Người dân cũng có ý thức hơn trong việc chấp hành an toàn giao thông, giúp những chuyến đi thuận lợi và an toàn hơn."
Tỉnh Hòa Bình đặc biệt chú trọng công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết. Lực lượng công an, cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm giữ gìn trật tự tại các khu vực đông người, lễ hội, khu vui chơi.
Công tác phòng chống cháy nổ, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội được tuyên truyền rộng rãi, giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng. Các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa, thực phẩm phục vụ nhu cầu Tết của người dân.
Đặc biệt, để đảm bảo mọi người dân đều có Tết, cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và nhiều tổ chức, cá nhân đã quan tâm, kịp thời chăm lo các đối tượng chính sách, hộ nghèo, nhóm người yếu thế, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau". Hàng chục nghìn suất quà, phần quà Tết đã được trao tận tay những người khó khăn, mang lại hơi ấm mùa xuân cho mọi nhà.
Song song với đó, các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức phong phú, giúp người dân tận hưởng không khí Tết vui tươi, lành mạnh, ý nghĩa.
Sau kỳ nghỉ Tết kéo dài 9 ngày, người dân trong tỉnh trở lại nhịp sống thường nhật với tinh thần hăng say lao động, sản xuất. Nông dân các huyện, thành phố bắt đầu xuống đồng sản xuất vụ chiêm xuân. Người lao động tại các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp trở lại làm việc với khí thế hồ hởi. Các địa phương nhanh chóng tập trung thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2025, tạo động lực phát triển cho một năm mới nhiều kỳ vọng.
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tại Hòa Bình diễn ra trong không khí vui tươi, an toàn, lành mạnh và đầm ấm. Người dân không chỉ tận hưởng một cái Tết sum vầy mà còn phát huy tinh thần đoàn kết, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống.
Với khí thế mới, niềm tin mới, tỉnh Hòa Bình bước vào năm 2025 với quyết tâm phát triển mạnh mẽ, bền vững, vươn xa trong kỷ nguyên vươn mình, hội nhập.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/198033/am-ap-tet-sum-vay,-van-hoa,-an-toan.htm