Âm mưu lật đổ Sa hoàng
Chỉ có một người duy nhất có đủ trí thông minh và lòng can đảm để âm mưu lật đổ một Sa hoàng được bầu chọn. Không ai biết chính xác mức độ tham gia của cô vào âm mưu và những sự kiện khủng khiếp xảy ra sau đó.
Chỉ huy của quân đoàn Streltsy, Công tước Yury Dolgoruky, đã ra lệnh đánh đòn người lính trình đơn vì tội không phục tùng. Nhưng lần này, khi đang bị đưa đến nơi thụ hình, người đệ đơn đi ngang qua một nhóm đồng đội trong trung đoàn của mình đang dõi mắt nhìn theo. “Các anh em”, anh ta kêu lên, “cớ sao các anh lại bỏ mặc tôi? Tôi đã khiếu nại theo yêu cầu của các anh và vì các anh kia mà!” Bị kích động, quân Streltsy lao vào đám lính áp giải và giải thoát người tù nhân.
Vụ việc này gây chấn động trong Khu phố Streltsy. Mười bảy trung đoàn ngay lập tức cáo buộc các đại tá của họ gian lận hoặc ngược đãi và yêu cầu trừng phạt. Chính phủ non trẻ mới nhậm chức của Nhiếp chính Natalya buộc phải đón nhận cuộc khủng hoảng một cách lúng túng. Nhiều đại quý tộc thuộc các gia đình lâu đời nhất ở Nga - Dolgoruky, Repnin, Romodanovsky, Sheremetevs, Shein, Kurakin và Urusov - đã tập hợp sau lưng Peter và mẹ mình để ủng hộ, nhưng không ai biết cách xoa dịu quân đoàn Streltsy.
Cuối cùng, vì tuyệt vọng trước sự thù địch của binh lính, Natalya đã hi sinh các đại tá. Bà ra lệnh bắt giữ các đại tá và tước quân hàm mà không cần điều tra, đồng thời phân chia tài sản và của cải của họ để đáp ứng yêu cầu của binh lính. Hai trong số các đại tá, có Semyon Griboyedov bị treo cổ công khai, trong khi 12 người khác bị phạt nhẹ hơn bằng roi batog, theo chỉ lệnh của chính quân đoàn Streltsy. “Đánh chúng mạnh hơn nữa,” họ thúc giục, cho đến khi các sĩ quan ngất đi. Sau đó, binh lính càu nhàu với vẻ hài lòng. “Thế là đủ rồi, cho chúng nó chừa.”

Tham vọng quyền lực của công chúa Sophia biến thành âm mưu bạo động. Ảnh: Factinate.
Cho phép binh lính nổi loạn đánh đập các sĩ quan của mình là cách mạo hiểm nhằm khôi phục kỷ luật. Vào thời điểm này, quân Streltsy đã được xoa dịu, nhưng trên thực tế, cảm giác về quyền lực mới của họ, niềm tin ngày càng tăng rằng họ có quyền và thậm chí có nghĩa vụ thanh trừng kẻ thù quốc gia, đã khiến họ trở nên nguy hiểm hơn nhiều.
Quân đoàn Streltsy nghĩ rằng họ biết những kẻ thù này là ai: bọn đại quý tộc và nhà Naryshkin. Họ truyền tai nhau những câu chuyện nham hiểm. Người ta đồn rằng Sa hoàng Fyodor không chết vì lý do tự nhiên mà đã bị các bác sĩ nước ngoài đồng lõa với các đại quý tộc và nhà Naryshkin đầu độc. Chính những kẻ thù này sau đó đã gạt Ivan, người thừa kế hợp pháp, để ủng hộ Peter.
Giờ đây, khi những âm mưu quỷ quái của chúng đã thành công, những người ngoại quốc sẽ được trao quyền lực trong quân đội và chính phủ, Chính thống giáo sẽ bị suy yếu và chà đạp. Tệ nhất là những người trung thành bảo vệ các giá trị cũ ở Moskva, tức quân đoàn Streltsy, sẽ bị trừng phạt khủng khiếp.
Đây là những câu chuyện dựa trên định kiến truyền thống của quân Streltsy. Và cả các sự kiện khác được mô tả có tính toán để kích động binh lính. Khi nắm trọn quyền binh, Natalya đã ban lệnh thăng cấp hàng loạt cho tất cả họ hàng Naryshkin của mình, thậm chí còn nâng cậu em trai hai mươi ba tuổi kiêu ngạo Ivan của mình lên hàng đại quý tộc.
Ivan Naryshkin đã là đối tượng không được nhiều người ưa thích vì nhận xét của mình trong đám tang Fyodor. Giờ đây, những tin đồn mới lại lan truyền: rằng anh ta thô bạo xô ngã Công chúa Sophia; rằng anh ta lấy chiếc vương miện đội lên đầu mình và tuyên bố rằng khi ở trên đầu anh, nó trông đẹp hơn trên đầu bất kỳ ai khác.
Nhưng những tin đồn thất thiệt hẳn phải đến từ cùng một nguồn và đều có mục đích rõ ràng.
Đứng sau việc kích động quân Streltsy có thể là Ivan Miloslavsky, người muốn lật đổ Peter, Natalya và phe Naryshkin. Bị lưu đày trong thời Naryshkin, ông trả thù bằng cách giam Matveev tại Bắc Cực. Giờ Matveev đã trở lại làm cố vấn cho Hoàng hậu Natalya, và Miloslavsky biết quyền lực sẽ chuyển đổi. Kẻ chủ mưu khác có thể là Công tước Ivan Khovansky, người bị Aleksey gọi là “thằng ngốc” và bị gia đình Miloslavsky lôi kéo với lời hứa thăng tiến, khiến ông trở thành người ủng hộ nhiệt thành.
Đáng ngạc nhiên là trong âm mưu này còn có cả sự tham gia của Công tước Vasily Golitsyn, một người có tư tưởng phương Tây bị mắc kẹt với phe đảng Miloslavsky vì ông ta đã tạo ra nhiều kẻ thù trong quá khứ. Vào thời Fyodor trị vì, Golitsyn là người thúc giục cải cách. Chính ông là người thiết kế, tổ chức quân đội mới và đề xuất bãi bỏ quyền ưu tiên, vì thế mà các đại quý tộc ghét ông. Khi các đại quý tộc ủng hộ Natalya và nhà Naryshkin thì Golitsyn bị đẩy vào vòng tay của dòng họ Miloslavsky.
Ivan Miloslavsky, Ivan Khovansky và Vasily Golitsyn đều có động cơ kích động quân Streltsy, nhưng nếu cuộc nổi dậy thành công, không ai trong số họ có thể đứng lên và cai trị nước Nga. Chỉ có một người là thành viên của hoàng gia, từng là bạn tâm giao của Sa hoàng Fyodor và có thể làm nhiếp chính nếu Ivan trẻ tuổi được đưa lên ngai vàng. Người duy nhất ấy đang có nguy cơ bị nhốt trong tu viện hoặc cấm phòng trong cung điện hoàng gia và hoàn toàn chấm dứt sự tồn tại đi kèm với mọi đặc quyền chính trị lẫn cá nhân của mình.
Chỉ có một người duy nhất có đủ trí thông minh và lòng can đảm để âm mưu lật đổ một Sa hoàng được bầu chọn. Không ai biết chính xác mức độ tham gia của cô vào âm mưu và những sự kiện khủng khiếp xảy ra sau đó; một số người nói rằng nó được thực hiện nhân danh cô mà cô không hề hay biết. Nhưng bằng chứng gián tiếp đều chỉ ra rất rõ ràng rằng kẻ chủ mưu chính là Sophia.
Trong khi đó, cũng không hay biết gì về những điều trên, Natalya ở trong Điện Kremlin đang hồi hộp chờ đợi Matveev trở về. Vào ngày Peter được chọn làm Sa hoàng, bà đã cử sứ giả thúc giục ông nhanh chóng đến Moskva. Ông định lên đường đi thẳng đến cung điện nhưng chuyến đi của ông thực tế đã trở thành một cuộc diễu hành chiến thắng. Mọi thị trấn ông đi qua đều tổ chức lễ tạ ơn và tiệc chiêu đãi vị chính khách được phục hồi chức vụ.
Nguồn Znews: https://znews.vn/am-muu-lat-do-sa-hoang-post1569068.html