Âm nhạc Huế những ngày đầu non sông thống nhất

HNN - Những ngày đầu giải phóng, khắp phố phường, làng quê xứ Huế vang lên ca khúc 'Nắng tháng Ba' của nhạc sĩ Trần Hoàn: '...Ơi em yêu, hãy ngước mặt lên và lau khô nước mắt...'. Bài hát nhanh chóng chiếm được cảm tình công chúng Huế.

 Bản ký âm ca Khúc “Bài ca của những người thêu ren thành Huế”

Bản ký âm ca Khúc “Bài ca của những người thêu ren thành Huế”

Những ngày đó, Huế tập hợp đội ngũ nhạc sĩ từ chiến khu về, từ miền Bắc vào và lực lượng tại chỗ. Chiến khu về có nhạc sĩ Trần Hoàn, Nguyễn Hữu Vấn; tại Huế có Nguyễn Phú Yên, Lê Gia Phàm; thời gian liền sau đó còn có Trịnh Công Sơn. Miền Bắc vào có Trần Hữu Pháp, Lê Anh, Minh Phương, Mai Xuân Hòa, Quách Mộng Lân, Hoàng Sông Hương; sau này có thêm Thái Quý, Nguyễn Trọng Tạo, Huy Chu, Hoàng Nguyên… Dù chưa gặp mặt nhau bởi kẻ Nam, người Bắc nhưng các nhạc sĩ hội tụ về Huế sớm nhanh chóng gắn kết, tạo ra nhiều hoạt động âm nhạc có ý nghĩa.

Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp có một duyên nợ đặc biệt với Huế. Năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông với nhạc sĩ Mai Sao - Chỉ huy dàn nhạc giao hưởng đi cùng chuyến xe qua cầu Hiền Lương. Hạnh phúc vì đất nước từ nay thống nhất, ông xuống xe đi bộ 18 cây số đến Đông Hà, rồi đón chiếc xe của Nhà máy nước vào Huế. Vết tích chiến tranh hai bên đường đã để lại nhiều cảm xúc mạnh mẽ và bài hát “Tiến về Thành Huế” ra đời. Bài hát lập tức được các NSND Trung Kiên, Quý Dương hát và phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam lúc ấy.

Ngày 30/4/1975, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lên Đài Phát thanh Sài Gòn hát bài “Nối vòng tay lớn”, thể hiện ước mơ thống nhất hai miền Nam - Bắc mà ông viết từ năm 1968. Đầu năm 1976, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ Sài Gòn về lại quê hương, giữa không khí hòa bình ở Huế, ông sáng tác bài hát “Gánh rau ra chợ”. Bài hát được công chúng yêu âm nhạc và người dân Huế đón nhận bởi nhịp điệu rộn ràng, tươi mới, tiết tấu khỏe khoắn và giàu hình tượng “...Gánh, gánh, gánh rau ra chợ, sáng hôm nay lòng chị xôn xao...”.

Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Huế thành lập năm 1962 với các chuyên khoa Nhạc pháp, Hòa thanh và Nhạc đàn thuộc hai ngành Quốc nhạc (các nhạc cụ dân tộc: Đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn nguyệt… và nhạc cụ phương Tây (Piano, Clarinette, Hautbois, Violon, Cello, Contrebasse, guitare, mandolin…). Đến sau 1975, trường đổi tên là Trường Âm nhạc Huế. Riêng mảng đào tạo, từ khi có nhạc sĩ Hà Sâm tu nghiệp nước ngoài về, được Bộ Giáo dục - Đào tạo cử vào Huế để tiếp quản và điều hành hoạt động, Trường Âm nhạc Huế nhanh chóng ổn định và phát triển thêm nhiều bộ môn, đáp ứng quy chuẩn đào tạo ngành chuyên môn phù hợp với hệ thống đào tạo quốc gia.

Đội ngũ giảng viên âm nhạc được bổ sung, hoàn thiện và đó cũng là nguồn phát triển hội viên dồi dào, có chất lượng, tiêu biểu, như: Nhạc sĩ Lô Thanh, Trương Ngọc Thắng, Hoàng Công Nghê (Hoàng Nguyễn), Nguyễn Khắc Yên, Xuân Lai, Vĩnh Hùng, Trương Huệ Mẫn, Lê Quang Hùng... Song song với Trường Âm nhạc Huế, sau này Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Huế cũng được thành lập, góp phần tạo nên sự phong phú, sôi nổi trong hoạt động chung về văn hóa nghệ thuật trên địa bàn Huế.

Cuối năm 1975, Đoàn Ca kịch Huế từ Hà Nội trở về Huế, vui mừng khôn tả. Một số nghệ sĩ về ở phố Chi Lăng, cách không xa tòa soạn báo Tiếng Dân năm xưa là bao. Cuộc sống sau chiến tranh nhiều khó khăn lắm, nhưng tiếng đàn, tiếng hát lại vọng vang trở lại. Họ gặp lại những giọng ca Huế của bà con thân tộc đang ở Huế, như bác Vân Phi là một giọng ca được đánh giá cao, làm việc ở Đài Phát thanh Huế trong những năm tháng chia cắt.

Tiếp đó, nhiều nhạc sĩ Huế đã nhanh chóng nhập cuộc với các phong trào mới, các nhiệm vụ mới của quê hương. Với tình yêu và lòng nhiệt thành cháy bỏng của các nhạc sĩ, những ca khúc mới nhanh chóng ra đời, động viên hàng ngàn nam nữ thanh niên Huế hăng say lên đường xây dựng quê hương mới. Nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên sáng tác ca khúc “Về Tây Nguyên” với âm rê trưởng thôi thúc, giục giã: “...Về Tây Nguyên, đến Tây Nguyên ta vui bước khi xuân đang về, lòng nôn nao, gió xôn xao, nắng ấm mới khắp rừng đón chào...” .

Rồi để vận động Nhân dân hăng hái tham gia lao động sản xuất, trồng màu cứu đói, một số ca khúc ra đời với ngôn ngữ âm nhạc mới kết hợp nhuần nhuyễn giữa cổ điển với dân gian, lời ca tình tự, sâu lắng, như ca khúc “Màu xanh yêu thương” của Lê Anh “...bầu trời hôm nay trong xanh, từng đàn chim bay nhanh, về tổ ấm nơi nao, mà giữa đất trời nghe xôn xao giọt nắng...”. Nhạc sĩ Trần Hoàn cũng sáng tác thêm một số ca khúc về Huế, như “Bài ca của những người thêu ren thành Huế” (1976) giai điệu tha thiết: “Em dệt con sông Hương, sương mai lùa đêm tối…”. Ca khúc “Tình ca mùa xuân”, thơ Nguyễn Loan, nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc sau đó cũng là một ca khúc với giai điệu ngọt ngào, tình tứ: “Em ơi em! Mùa xuân/ Đã về trên cành lá/ Tiếng chim kêu ngọt quá/ Cho trời xanh xa thẳm…/Trong ánh mắt em cười có màu xanh khoai sắn...”.

Không khí hoạt động âm nhạc khá sôi động của những năm đầu khi non sông thống nhất đã tạo tiền đề tốt cho sự phát triển của tổ chức Hội Âm nhạc thành phố Huế sau này.

Võ Triều Sơn

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/am-nhac-hue-nhung-ngay-dau-non-song-thong-nhat-153417.html