Ẩm thực miền Đông: Lạ mà quen
Trong văn hóa của người Việt, ẩm thực luôn là nét văn hóa thể hiện rõ những phong tục, tập quán đặc trưng vùng miền. Ẩm thực Việt khá đa dạng và phong phú trong cách chế biến để phù hợp với khẩu vị của từng vùng, miền khác nhau và có nét độc đáo riêng.
Đông Nam bộ (ĐNB) là nơi có đủ cả rừng, biển, hồ, sông, núi, đất đai trù phú đã thu hút những người dân từ nhiều vùng quê trên cả nước đến sinh sống. Khi người dân các nơi về sinh sống sẽ mang theo văn hóa, ẩm thực. Do đó, vùng ĐNB hình thành một văn hóa ẩm thực vừa rất quen nhưng cũng rất khác lạ, được thể hiện qua cách ăn uống hàng ngày của người miền Đông, từ nguyên liệu, khẩu vị đến cách sinh hoạt…
* Đặc sản miền Đông
Với lợi thế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng ĐNB bao gồm các tỉnh, thành: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM. Đây là một trong những vùng sầm uất của cả nước, đời sống người dân vùng ĐNB cơ bản ở mức ổn định, nhu cầu hưởng thụ, vui chơi giải trí ở mức khá cao. Đối với ẩm thực, mỗi tỉnh, thành của vùng ĐNB cũng đều có những món ngon nổi tiếng và độc đáo với hương vị riêng, thu hút thực khách gần xa quan tâm mỗi khi đến tham quan vùng đất miền Đông.
ĐNB là nơi có thiên nhiên, khí hậu thuận lợi, đất đai rộng nên ngoài phát triển công nghiệp, đây còn là thủ phủ trong phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Đây cũng là khu vực có nhiều loại rau củ, trái cây, thủy sản nổi tiếng cả nước. Những đặc sản trên, dưới bàn tay khéo léo của người dân ĐNB đã góp phần tạo ra những món ngon nổi tiếng vùng miền và cả nước.
Đầu bếp NGUYỄN VĂN THINH chia sẻ, văn hóa ẩm thực vùng ĐNB tuy là sự giao thoa nhiều vùng, miền nhưng quá trình hội nhập vẫn giữ những nét riêng mà không bị hòa tan. Ví dụ như ẩm thực miền Bắc giữ vị ít ngọt và chủ yếu là mặn, chua, cay; ẩm thực miền Nam có vị chua ngọt nhiều hơn trong các món ăn…
Như nhắc đến Đồng Nai, nhiều người sẽ nhớ đến bưởi Tân Triều; sầu riêng, chôm chôm Long Khánh; thủy sản nước lợ Nhơn Trạch, tôm càng xanh, cá lăng, tép, cá chình, cá trạch của hồ Trị An…
Bà Quách Thị Mỹ Tiên, du khách đến từ TP.HCM chia sẻ, vốn là chủ một nhà hàng lớn tại TP.HCM nên mỗi lần đến Đồng Nai, bà Tiên thường tìm và thưởng thức các món đặc sản của vùng đất này như: món gỏi bưởi với nguồn nguyên liệu từ trái bưởi ngon nổi tiếng mà chỉ vùng Tân Triều (H.Vĩnh Cửu) của Đồng Nai mới có được, hay như món gỏi cá Tân Mai nằm ngay cạnh sông Đồng Nai, là đặc sản do những ngư dân sinh sống tại khu vực làng bè Tân Mai (TP.Biên Hòa) chế biến từ nguồn cá được người dân nuôi trong khu vực làng bè. Độc đáo hơn nữa là món xôi chiên phồng do các đầu bếp người Đồng Nai chế biến rất xuất sắc và độc đáo.
Bà Tiên cho biết: “Không chỉ các món ăn địa phương, Đồng Nai vào mùa trái cây cũng phong phú không kém. Từ các sản vật địa phương nổi tiếng như: chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, bưởi… rất đậm đà hương vị riêng của Đồng Nai khiến khách du lịch như chúng tôi đến một lần sẽ nhớ và quay lại”.
Nằm cạnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương không chỉ được biết đến là nơi có một số điểm du lịch hấp dẫn mà còn có những món đặc sản làm du khách gần xa khó quên. Được mệnh danh là thủ phủ của măng cụt, trái măng cụt được trồng tại Bình Dương khá nhiều. Từ nhiều năm nay, măng cụt đã trở thành đặc sản nổi tiếng của Bình Dương với hương vị chua ngọt, màu sắc bắt mắt khiến ai được một lần thưởng thức sẽ nhớ mãi. Cùng với măng cụt và các món ăn được chế biến từ cây trái trong vùng, Bình Dương được nhiều người biết đến với các món đặc sản khác như: bánh bèo bì, gỏi gà măng cụt…
* Ẩm thực góp phần phát triển du lịch
Không chỉ Đồng Nai, Bình Dương có nhiều món ngon hấp dẫn người dân trên cả nước khi đến những nơi này mà TP.HCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có nhiều món đặc sản như: hạt điều rang muối, bánh tráng phơi sương, các món ăn chế biến từ thủy sản, hải sản và các vật nuôi như: gà, vịt, cút, heo…
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, du lịch các tỉnh ĐNB nằm trên tuyến du lịch xuyên Việt, là cầu nối du lịch Bắc - Nam, điểm đầu của tuyến du lịch xuyên Á… Đây cũng là khu vực có các tiềm năng phát triển nhiều sản phẩm du lịch như: du lịch biển, du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch kết hợp hội nghị, thể thao, mua sắm…
Theo kế hoạch phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành trong vùng ĐNB, thời gian tới, các địa phương sẽ tăng cường truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch vùng ĐNB. Trong đó, tổ chức các sự kiện hội chợ, triển lãm có quy mô lớn về du lịch; xây dựng gian hàng chung của vùng ĐNB khi tham gia các sự kiện du lịch; phối hợp xây dựng và thúc đẩy phát triển các tour du lịch cho toàn vùng.
Với những tiềm năng trên có thể thấy, sự phát triển du lịch vùng ĐNB sẽ góp phần đưa ngành du lịch phía Nam cũng như cả nước có sự đa dạng, phong phú, mang bản sắc văn hóa dân tộc. Cùng với khai thác các tiềm năng du lịch, ẩm thực miền Đông cũng là một trong những điều thú vị thu hút du khách đến tham quan.
Không chỉ là những món đặc sản từng vùng, văn hóa ẩm thực từ đồng bào dân tộc thiểu số cũng mang đến rất nhiều điều thú vị cho du khách tham quan.
Ông Trần Thế Hưng, Giám đốc một công ty du lịch lữ hành tại TP.HCM cho biết, mỗi khi có dịp đưa du khách tham quan các tỉnh miền Đông, những món ăn của đồng bào dân tộc tại các bản làng luôn được khách du lịch chọn lựa như: đặc sản cơm lam, thịt nướng tại các khu du lịch cộng đồng nổi tiếng là Sóc Bom Bo của Bình Phước; khu Nhà dài Tà Lài của Đồng Nai…
Ông Hưng kỳ vọng, trong tương lai, những món đặc sản của miền Đông sẽ là nhịp cầu nối khách du lịch từ các vùng, miền, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng. Miền Đông có phong cách ẩm thực rất đa dạng và phong phú. Mỗi món ăn có hương vị riêng, câu chuyện riêng rất hấp dẫn du khách. Đây sẽ là điểm nhấn để ngành du lịch miền Đông khai thác phát triển các sản phẩm du lịch kết hợp với quảng bá văn hóa ẩm thực trong vùng.
Ông Nguyễn Văn Thinh, đầu bếp tại Hội quán Trấn Biên cho biết, do có nhiều các loại rau củ, trái cây, thủy hải sản, vật nuôi nên ẩm thực miền Đông rất phong phú, đa dạng được chế biến từ những đặc sản của từng địa phương.
Ông Thinh chia sẻ: “Sự phong phú của ẩm thực miền Đông còn được thể hiện qua tài năng biến tấu của rất nhiều đầu bếp. Đơn cử như với trái bưởi qua bàn tay của đầu bếp tạo lên rất nhiều món ngon như: gỏi bưởi, nem bưởi, gà hấp bưởi, cùi bưởi chiên giòn, chè bưởi… Hiện nay, công nghệ phát triển, chỉ bằng vài thao tác du khách có thể tìm ra hàng chục món ngon đặc sản của vùng ĐNB”.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dongnambo/202302/am-thuc-mien-dong-la-ma-quen-3156491/