Ẩm thực ngày Tết Đoan ngọ

Tết Đoan ngọ của người Tày, Nùng được tổ chức vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch. Đây là một lễ tết gắn với tín ngưỡng nông nghiệp. Tết được tổ chức với mục đích là tiêu diệt sâu bọ, côn trùng có hại nhằm bảo vệ mùa màng, đồng thời phòng trừ những con vật sống ký sinh trên cơ thể con người và vật nuôi. Vào ngày lễ, cùng với hoa quả, bánh kẹo, các món ăn truyền thống được nhiều gia đình lựa chọn bày trên mâm cỗ cúng gia tiên. Đối với người Tày, Nùng tại Cao Bằng, bánh gio và rượu nếp là hai món không thể thiếu trong dịp này.

Bánh gio

Theo dân gian, khi ăn bánh gio (bánh tro) và một ít hoa quả trong ngày Tết Đoan ngọ thì bệnh tật trong người sẽ tiêu tan. Do vậy, từ lâu, món bánh gio là thứ không thể thiếu trong ngày Tết Đoan ngọ của người dân Việt Nam nói chung và người dân Cao Bằng nói riêng.

Bánh gio của người dân Cao Bằng.

Bánh gio của người dân Cao Bằng.

Bánh gio được làm từ gạo nếp, lá chít, lá dong. Tuy nhiên để có được một mẻ bánh gio thơm, ngon thì khâu lựa chọn nguyên liệu là quan trọng nhất, bởi đó chính là yếu tố quyết định đến chất lượng của chiếc bánh.

Đầu tiên, chọn gạo nếp chuẩn, hạt mẩy, tròn không lẫn gạo tẻ, đãi sạch. Gio phải lựa được gio đun bằng củi cây sâu sâu, cây lúa mạch… (hoặc các loại cây có hương thơm đặc trưng, sạch sẽ) có như vậy nước gio mới trong và có màu vàng hổ phách. Sau đó cho gạo vào nước gio ngâm một đêm. Ngâm khi nào lấy 2 đầu ngón tay miết hạt gạo thấy vỡ vụn là được. Nếu ngâm gạo quá lâu, bánh sẽ bị nồng vì vậy cần lưu ý căn chỉnh thời gian hợp lý.

Khi vớt gạo phải xả với nước thật sạch, để ráo. Đây là công đoạn cốt yếu để tạo nên hương vị thanh mát của bánh. Khi gói bánh cần khéo léo cho gạo vào chiếc lá sao cho gọn, đều rồi quấn lá và bẻ mép cho thật khít, thật đều, cân đối sao cho chiếc bánh đẹp và có hình dáng đặc trưng. Có nhiều cách gói bánh gio, có thể gói bánh dài hoặc hình khối tam giác, tuy nhiên cần chú ý khi buộc bánh không được quấn chặt tay quá để khi luộc hạt gạo có thể nở và chín đều.

Nước luộc bánh cũng cho một ít nước gio, đổ nước ngập hơn bánh ít nhất khoảng 10 - 20 cm. Bánh được luộc từ 3 - 5 giờ và vớt ra ngoài để nguội. Một chiếc bánh đạt yêu cầu phải tạo được cảm giác ngon ngay từ khi mới bóc ra, cắt từng miếng nhỏ, chấm với đường mật mía. Khi ăn bánh gio bao giờ cũng cảm nhận cái hương vị mát đầu tiên của bánh rồi đến vị ngọt của mật mía quyện cùng vị dẻo của gạo nếp.

Rượu nếp

Rượu nếp được người Tày, Nùng Cao Bằng dùng trong Tết Đoan ngọ.

Rượu nếp được người Tày, Nùng Cao Bằng dùng trong Tết Đoan ngọ.

Rượu nếp là một trong những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan ngọ của người Tày, Nùng tại Cao Bằng. Cùng với bánh gio, rượu nếp cái, ngày nay còn có thêm rượu nếp cẩm là thức ăn đồng thời cũng là đồ uống, dùng nguyên cả nước lẫn cái như là một món ăn thờ cúng ông bà tổ tiên trong ngày Tết Đoan ngọ.

Người Tày, Nùng quan niệm, Tết Đoan ngọ là “Tết diệt sâu bọ” vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Vào ngày này, dân gian có nhiều tục phòng trừ bệnh, một trong số đó là ăn rượu nếp. Rượu nếp là món ăn lên men từ xôi nếp nên có chứa nồng độ, khi ăn sẽ khiến cơ thể tăng nhiệt độ, kích thích hệ tiêu hóa.

Cách làm cũng đơn giản, không quá khó. Mang gạo nếp trắng ngâm và cẩm đồ thành xôi; để nguội rồi rắc men, ủ trong ba ngày. Đây là khoảng thời gian cơm sẽ tiết ra nhiều nước và có mùi thơm của men rượu đặc trưng. Cơm rượu nếp đạt là khi thấy cơm có nước chảy ra, khi ăn có vị ngọt và có mùi thơm đặc trưng của rượu.

Đối với người Tày, Nùng tại Cao Bằng, Tết Đoan ngọ còn có ý nghĩa là “ngày diệt sâu bọ”, là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loại gây hại cho cây trồng. Nhiều người tin rằng buổi sáng khi ăn bánh tro, hoa quả thì sâu bọ, một số loại bệnh trong người cũng sẽ khỏi được phần nào. Chính vì vậy, phong tục thờ cúng, làm và thưởng thức các món ăn truyền thống trong ngày tết vẫn được đông đảo người dân gìn giữ, phát huy cho đến ngày nay.

Hải Đăng

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/doc-dao-am-thuc-ngay-tet-doan-ngo-3169766.html