Ăn 2 tép tỏi sống mỗi ngày có tác dụng gì?
Tỏi không chỉ là một loại gia vị giúp tăng thêm hương vị cho bữa ăn mà còn là một siêu thực phẩm tự nhiên có lợi ích sức khỏe. Vậy ăn tỏi sống có tác dụng gì?
Mặc dù tỏi nấu chín có những lợi ích riêng, nhưng ăn tỏi sống sẽ giúp giải phóng nhiều chất dinh dưỡng hơn, giúp tăng cường khả năng miễn dịch, cải thiện sức khỏe tim mạch… Dưới đây là những lý do bạn nên đưa tỏi sống vào thói quen ăn uống hàng ngày.
1. Lợi ích của ăn tỏi sống
Ăn tỏi sống giúp tăng cường hệ thống miễn dịch
Đối với những người hay bị ốm như cảm lạnh, cảm cúm… rất có thể sức đề kháng đang bị suy giảm, nên cơ thể dễ bị nhiễm trùng. Tỏi sống có đặc tính kháng khuẩn và kháng virus mạnh, giúp cơ thể chống lại bệnh tật.
Tỏi sống chứa allicin, một hợp chất giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và ngăn chặn vi khuẩn có hại. Sử dụng thường xuyên có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng và tần suất của cảm lạnh, cúm và nhiễm trùng...
![Tỏi sống chứa allicin, một hợp chất giúp tăng cường hệ thống miễn dịch…](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_94_51464848/27e28cb3bcfd55a30cec.jpg)
Tỏi sống chứa allicin, một hợp chất giúp tăng cường hệ thống miễn dịch…
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch và hạ huyết áp
Tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng. Tỏi sống có thể giúp kiểm soát huyết áp. Các nghiên cứu cho thấy tỏi giúp thư giãn mạch máu và cải thiện lưu thông máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Một nghiên cứu đăng trên PMC năm 2020 cho thấy, tỏi có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến tim; làm giảm cholesterol xấu (LDL) trong khi vẫn giữ cho cholesterol tốt (HDL) ổn định, thúc đẩy sức khỏe tim mạch nói chung.
Giải độc cơ thể một cách tự nhiên
Cơ thể liên tục tiếp xúc với độc tố từ thực phẩm, ô nhiễm và các nguồn khác. Tỏi sống giúp làm sạch gan bằng cách loại bỏ các chất có hại. Tỏi sống cũng chứa các hợp chất lưu huỳnh bảo vệ chống lại độc tính của kim loại nặng, giảm tổn thương cho các cơ quan như gan và thận.
![Tỏi sống cũng chứa các hợp chất lưu huỳnh bảo vệ chống lại độc tính của kim loại nặng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_94_51464848/6bbcdbedeba302fd5bb2.jpg)
Tỏi sống cũng chứa các hợp chất lưu huỳnh bảo vệ chống lại độc tính của kim loại nặng.
Hỗ trợ tiêu hóa và sức khỏe đường ruột
Đường ruột khỏe mạnh là chìa khóa cho sức khỏe tổng thể và tỏi sống đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tiêu hóa.
Ăn tỏi sống giúp kích thích sản xuất các enzyme tiêu hóa, giúp cơ thể phân hủy thức ăn hiệu quả hơn. Thêm vào đó, đặc tính kháng khuẩn của tỏi sống giúp kiểm soát vi khuẩn đường ruột có hại và thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi.
Có thể giúp giảm nguy cơ ung thư
Tỏi chứa chất chống oxy hóa giúp chống lại các gốc tự do - nguyên nhân gây tổn thương tế bào và lão hóa. Nghiên cứu trên PMC cho thấy, việc tiêu thụ tỏi sống thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, bằng cách ngăn ngừa đột biến tế bào và làm chậm sự phát triển của khối u.
2. Cách ăn tỏi sống tốt nhất
Tỏi sống thường có mùi quá nồng, do đó để giảm tình trạng này có thể:
- Cắt nhỏ hoặc nghiền nát tép tỏi, để yên trong 10 phút trước khi ăn. Việc này sẽ kích hoạt hàm lượng allicin tăng lên, có lợi hơn cho sức khỏe.
- Trộn với mật ong để cân bằng hương vị nồng.
- Thêm vào sinh tố hoặc salad để giảm bớt độ nồng của tỏi sống…
Các tác dụng phụ thường gặp (đặc biệt khi ăn tỏi sống) có thể bao gồm:
Hơi thở hoặc cơ thể có mùi khó chịu;
Ợ nóng, nóng rát ở miệng hoặc cổ họng;
Buồn nôn, nôn mửa, đầy hơi;
Tiêu chảy…
Một số trường hợp nhất định không nên hoặc hạn chế ăn tỏi sống. Do đó, để an toàn bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ, đặc biệt khi mắc bệnh mạn tính hoặc đang dùng thuốc điều trị khi đưa tỏi sống vào chế độ ăn uống hàng ngày. Hãy nhớ rằng, ngay cả những thực phẩm lành mạnh nhất cũng có thể gây hại nếu tiêu thụ không đúng cách.