Ăn chay có giúp giảm nguy cơ ung thư không?
Chế độ ăn chay bao gồm nhiều đặc điểm lành mạnh được chứng minh có lợi ích cho sức khỏe. Nhưng liệu chế độ ăn chay có khả năng đặc biệt như giúp ngăn ngừa ung thư so với chế độ ăn nhiều thịt không?
Nội dung
1. Sự liên quan giữa chế độ ăn uống và bệnh ung thư
2. Ăn chay có phải là chế độ ăn lành mạnh không?
3. Người ăn chay có nguy cơ mắc ung thư thấp hơn
1. Sự liên quan giữa chế độ ăn uống và bệnh ung thư
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, trong đó ung thư vú, ung thư đại trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt là những loại được chẩn đoán phổ biến nhất. Tuy nhiên, ước tính khoảng 40% các trường hợp ung thư có thể do các yếu tố có thể thay đổi gây ra. Do đó về mặt lý thuyết có thể phòng ngừa được.
Các nghiên cứu cũng nhấn mạnh chế độ ăn quá nhiều thịt, đặc biệt là thịt chế biến có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư. Thịt chế biến như thịt nguội, thịt xông khói và xúc xích chứa chất bảo quản hóa học. Ăn nhiều thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu cũng làm tăng nguy cơ ung thư.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra một báo cáo về các loại thịt chế biến sẵn có thể gây ung thư đại trực tràng. Cơ quan này cũng tuyên bố rằng, thịt đỏ nói chung có thể làm tăng các nguy cơ gây ra các bệnh ung thư như ung thư ruột kết, ung thư tuyến tụy và tuyến tiền liệt.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai tại Hoa Kỳ, chỉ sau bệnh tim. Ít nhất 18% trong số tất cả các loại ung thư được chẩn đoán ở Hoa Kỳ có liên quan đến cân nặng dư thừa, ít vận động, uống quá nhiều rượu và/hoặc dinh dưỡng kém, do đó có thể phòng ngừa được.
Cùng với việc tránh các sản phẩm thuốc lá, duy trì cân nặng khỏe mạnh, hoạt động tích cực suốt đời và ăn chế độ ăn lành mạnh có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc hoặc tử vong do ung thư trong suốt cuộc đời của một người. Những hành vi tương tự này cũng liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đái tháo đường.
2. Ăn chay có phải là chế độ ăn lành mạnh không?
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, chế độ ăn chay có nhiều đặc điểm lành mạnh có thể hữu ích trong việc giảm nguy cơ ung thư bao gồm:
Chúng có xu hướng ít chất béo bão hòa.
Chứa nhiều chất xơ, vitamin và các thành phần thực phẩm có hoạt tính sinh học khác.
Chúng không bao gồm thịt đỏ và thịt chế biến.
Các bằng chứng hiện có ủng hộ khuyến nghị về chế độ ăn chủ yếu là thực phẩm có nguồn gốc thực vật, hạn chế hoặc không ăn thịt đỏ và thịt chế biến. Ngoài việc giảm thiểu nguy cơ mắc một số dạng ung thư, chế độ ăn chay còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đái tháo đường type 2.
Tuy nhiên, những người ăn chay nghiêm ngặt không ăn bất kỳ sản phẩm động vật nào (bao gồm sữa và trứng), được gọi là chế độ ăn thuần chay, thường cần bổ sung vitamin B12, kẽm và sắt (hoặc thực phẩm tăng cường các chất dinh dưỡng này theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng), đặc biệt là đối với trẻ em và phụ nữ tiền mãn kinh. Họ cũng cần bổ sung đủ canxi, vì những người ăn chay với hàm lượng canxi tương đối thấp đã được chứng minh là có nguy cơ gãy xương cao hơn so với những người ăn không thuần chay hoặc ăn thịt.
3. Người ăn chay có nguy cơ mắc ung thư thấp hơn
Nhiều nghiên cứu về người ăn chay chỉ ra nguy cơ ung thư nói chung thấp hơn so với những người ăn thịt. Nhưng liệu chế độ ăn chay có mang lại lợi ích sức khỏe đặc biệt nào so với chế độ ăn nhiều thịt động vật không?
Bằng chứng từ các nghiên cứu nhóm lớn trước đây chỉ ra rằng những người ăn chay có thể có nguy cơ mắc tất cả các loại ung thư thấp hơn so với những người ăn thịt thường xuyên. Tuy nhiên vẫn chưa rõ liệu điều này có tùy theo các vị trí ung thư khác nhau hay không. Người ta cũng không biết liệu nguy cơ ung thư có khác nhau đối với những người ăn ít thịt hay không ăn thịt nhưng ăn cá (người ăn cá hoặc người ăn chay trường).
Kết quả từ một phân tích quy mô lớn cho thấy việc áp dụng chế độ ăn chay hoặc ăn cá có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư, thậm chí việc hạn chế thịt đỏ và thịt chế biến xuống còn 5 bữa một tuần hoặc ít hơn cũng có thể mang lại lợi ích.
Các nhà nghiên cứu từ Đơn vị dịch tễ học ung thư của Oxford Population Health đã phân tích dữ liệu từ hơn 472.000 người tham gia tại tại UK Biobank để điều tra mối liên hệ giữa chế độ ăn uống và nguy cơ ung thư.
Những người tham gia người Anh (tuổi từ 40-69) đã được tuyển dụng vào Nghiên cứu Ngân hàng sinh học Vương quốc Anh từ năm 2006 đến năm 2010 và hoàn thành bảng câu hỏi về tần suất họ ăn thịt và cá. Sau đó, những người tham gia được phân loại thành bốn nhóm chế độ ăn uống: những người ăn thịt thường xuyên (ăn thịt hơn 5 lần một tuần); những người ăn ít thịt (ăn thịt 5 lần một tuần hoặc ít hơn); những người ăn cá (không ăn thịt nhưng ăn cá); và những người ăn chay (không ăn thịt hoặc cá). Những người tham gia được theo dõi trung bình trong mười một năm thông qua liên kết với hồ sơ sức khỏe cộng đồng.
Kết quả: Trong thời gian theo dõi, có 54.961 ca chẩn đoán ung thư mới, bao gồm 5.882 ca ung thư đại trực tràng, 7.537 ca ung thư vú sau mãn kinh và 9.501 ca ung thư tuyến tiền liệt.
Nguy cơ mắc bất kỳ loại ung thư nào đều thấp hơn ở những người ăn ít thịt (ít hơn 2%); những người ăn cá (ít hơn 10%) và những người ăn chay (ít hơn 14%). Điều này có nghĩa là tỷ lệ giảm tuyệt đối trong chẩn đoán ung thư ở những người ăn chay là ít hơn 13 trên 1.000 người trong mười năm, so với những người ăn thịt thường xuyên.
Các nhà nghiên cứu lưu ý: "Nghiên cứu của chúng tôi phát hiện ra rằng việc ăn ít thịt, tăng ăn cá hoặc ăn chay có liên quan đến nguy cơ mắc tất cả các loại ung thư thấp hơn đáng kể. Nhưng vẫn chưa rõ liệu những khác biệt này là do các yếu tố chế độ ăn uống hay các tác động không liên quan đến chế độ ăn uống, vì sự khác biệt trong việc sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả sàng lọc ung thư, cũng có thể ảnh hưởng đến các phát hiện này. Do đó cần có các nghiên cứu trong tương lai đánh giá nguy cơ ung thư ở các nhóm có nhiều người ăn chay hơn để xác định cụ thể hơn".