An cư và ý nghĩa nương tựa tinh thần cho Phật tử

Hầu hết các bộ Luật đều giống nhau về duyên khởi an cư, đó là xuất phát từ việc than phiền của các cư sĩ tại gia đối với nhóm sáu Tỷ-kheo1.

Nhóm này thường xuyên du hành không ngừng nghỉ trong dân gian bất cứ mùa nào, kể cả mùa mưa, khiến dẫm đạp làm tổn thương vô số côn trùng và cây cỏ, từ đó Đức Phật chế định ba tháng an cư. Tuy duyên khởi an cư được hiểu đơn giản là sự tùy thuận của Thế Tôn theo ước muốn của cư sĩ tại gia nhưng sâu xa có nhiều tầng ý nghĩa khác nữa.

Theo Yết-ma yếu chỉ2, an cư của chư Tăng có nhiều ý nghĩa, trong đó có ý nghĩa là “Nơi nương tựa tinh thần vững chắc và là niềm tin chân chính cho người Phật tử tại gia”. Như vậy, bên cạnh việc phát triển tâm linh của tự thân, vấn đề tương quan trong xã hội, trách nhiệm duy trì sinh mệnh Tăng-già của mỗi vị Tỷ-kheo, an cư còn có ý nghĩa kết nối giữa hàng đệ tử xuất gia và đệ tử tại gia của Thế Tôn, để người tại gia có điều kiện tu học và thuận tiện tham gia vào sự nghiệp củng cố, phát triển Tăng đoàn.

Có bốn cửa ngõ để một người đệ tử Như Lai có thể bước vào đạo, đó là: Thân cận thiện sĩ; Thính văn Chánh pháp (lắng nghe học hỏi Chánh pháp); Như lý tác ý (chiêm nghiệm sâu sắc những điều học hỏi); Pháp tùy pháp hành (hành trì những điều chiêm nghiệm)3.

Thiện sĩ là Phật và đệ tử Phật, đầy đủ giới đức, trí đức và giải thoát đức, lại còn khiến cho chúng hữu tình cũng đầy đủ tín, giới, văn, xả, tuệ. Thân cận thiện sĩ là gần gũi phục vụ, cung kính cúng dường, học hỏi Chánh pháp để từ đó chiêm nghiệm tư duy quán sát4. Như vậy, đệ tử tại gia nương tựa nơi Tăng-già nhằm vun bồi phước và trí làm tư lương cho hành trình tìm niềm an lạc tuyệt đối giữa thế gian đầy rẫy khổ lụy thương đau này.

Luận Thành duy thức chia quá trình tu tập từ khởi sự cho đến viên mãn đạo quả gồm có năm giai đoạn5: (1) Tư lương vị, chuẩn bị hành trang phước và trí; (2) Gia hành vị, chính thức tu tập; (3) Thông đạt vị, giai đoạn kiến đạo bằng hiện quán Thánh đế; (4) Tu tập vị, lần lượt chứng đắc Thánh quả, tu đạo mà Bồ-tát an trụ; (5) Cứu cánh vị, viên mãn đạo quả, an trú nơi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Lại nữa, có ba loại thiện căn: Thuận phước phần, các loại thiện dẫn đến tái sinh chư thiên và loài người; Thuận giải thoát phần, thiện căn quyết định dẫn đến giải thoát, chứng Niết-bàn; Thuận quyết trạch phần, bốn thiện căn dẫn đến hiện quán Thánh đế là noãn, đảnh, nhẫn, thế đệ nhất6. Trong đó, thuận phước phần và thuận giải thoát phần thuộc Tư lương vị, giai đoạn chuẩn bị phước và trí; thuận quyết trạch phần thuộc Gia hành vị.

Tích lũy phước là hành vi được Thế Tôn khuyến khích đệ tử tại gia nên làm. Có ba cơ sở cho hành vi phước thiện: thí loại phước nghiệp sự (tạo phước bằng bố thí), giới loại phước nghiệp sự (tạo phước bằng giữ giới), và tu loại phước nghiệp sự (tạo phước bằng tu tập)7. Luận Câu-xá phân tích ba cơ sở phước thiện này rất rõ ràng và chi tiết8.

Bố thí để lợi mình, lợi người, vì cúng dường, giúp ích9. Dù cho đối tượng thí, vật thí, đối tượng nhận thí sai biệt nhưng hành vi bố thí nhất định sẽ cho quả tốt. Như kinh Cù-đàm-di nói: Bố thí cho súc sinh có kết quả gấp trăm, bố thí cho người ác giới quả gấp nghìn, bố thí cho người có giới quả dị thục gấp trăm nghìn lần. Thế nhưng, trong tất cả bố thí, tối thượng hơn hết là vị ly nhiễm bố thí cho vị ly nhiễm10. Vậy thì làm sao biết trong cộng đồng Tăng lữ ai là người đã ly nhiễm, ai chưa ly nhiễm, để cho sự bố thí của cư sĩ được tối thắng? Luận Câu-xá cũng phân tích sự bố thí vì nguyên nhân lợi lạc của hết thảy hữu tình, tuy là sự bố thí của vị chưa giải thoát cho những kẻ chưa giải thoát nhưng cũng là đệ nhất tối thắng11.

Tăng đệ tử Phật là cộng đồng đầy đủ công đức giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, là vị ứng thỉnh, ứng khuất, ứng cung kính, là ruộng phước vô thượng, thế gian ứng cúng. Đầy đủ nhân tu hành: diệu hành, chất trực hành, như lý hành, pháp tùy pháp hành, hòa kính hành, tùy pháp hành. Gồm có bốn đôi tám vị, là sự an lập của tám Bổ-đặc-già-la từ Dự lưu hướng đến A-la-hán quả12. Như vậy thì cộng đồng Tăng lữ sẽ có cả Thánh và phàm cùng cộng trú, do đó mà sự bố thí cúng dường cho Tăng đệ tử Phật chắc chắn sẽ có phước, vì ngay cả thí cho súc sinh một viên thực phẩm còn có phước huống gì bố thí cho con người, mà trong đó còn có người đã chứng Thánh.

Nhưng, dù phước nghiệp nhiều cỡ nào thì khi trổ quả xong cũng hết, chúng sinh nếu không tạo thêm phước mới vẫn sẽ phải đọa lạc, có khi còn đọa địa ngục. Do vậy, ngoài tích lũy phước, cần phải tích lũy trí, thiện căn dẫn đến Niết-bàn. Câu-xá nói: “Người nào khi nghe về sự nguy hại của sinh tử, vô ngã và phẩm đức Niết-bàn, tức thì lông tóc dựng đứng, nước mắt chảy, quả quyết người này có thiện căn thuận giải thoát phần”13.

Tích lũy trí như vậy là bằng việc tu tập tuệ từ Văn-Tư-Tu. Tuệ được tác thành do văn là quyết định trí phát sinh từ Thánh ngôn lượng, tức là nhận thức phát sinh do nghe và học về những điều được Phật nói trong các kinh và những lý giải của các đệ tử về những giáo nghĩa này. Tuệ được tác thành do tư là trí phát sinh từ quyết trạch chánh lý, nhận thức do tư duy và chiêm nghiệm về những giáo nghĩa Phật thuyết. Tuệ được tác thành bởi tu là trí phát sinh từ chánh định. Cơ sở của ba loại tuệ này là Bốn Thánh đế, trực tiếp được kinh nghiệm từ chính đời sống của con người trong thế giới đầy biến động này. Do đó, Phật tử tại gia thường xuyên “thân cận thiện sĩ” để thuận tiện cho việc nghe và thực hành Phật pháp vậy.

An cư là dịp Tăng đoàn tập trung thành cộng đồng theo từng trú xứ nhất định, sinh hoạt trong tinh thần thanh tịnh và hòa hợp, là cơ hội để hàng Phật tử tại gia gieo hạt giống phước và trí cho bản thân. Họ là những đàn-việt thí chủ cung cấp cho chúng Tăng thực phẩm, đồ mặc, chỗ ở, thuốc men. Chúng Tăng thọ nhận ân đức này cũng cần phải hoàn thiện giới, hoàn thiện các pháp lành, tự thân tu tập lại còn khéo giảng nói, khuyến khích người khác tu tập thì mới xứng đáng thọ nhận sự hiến cúng, mới xứng đáng là Tăng bảo cho thế gian nương tựa. Thế Tôn dạy: “Này các Tỷ-kheo, hãy có tâm từ với đàn-việt. Ân nhỏ còn không quên, huống gì ân lớn. Hãy đem tâm từ mà nói cho đàn-việt kia về hành vi thanh tịnh của thân, khẩu, ý, không thể tính đếm, không thể hạn lượng. Hãy với thân hành từ, khẩu hành từ, ý hành từ, khiến cho vật sở thí của đàn-việt kia trọn không bị phế bỏ, được quả lớn, thành tựu phước lớn, có danh xưng lớn, truyền khắp thế gian, pháp vị cam lộ”14.

--------------------------------------------------------

1 Lục quần Tỷ-kheo, nhóm sáu Tỷ-kheo thường xuyên làm việc phi pháp, phi luật.

2 Thích Trí Thủ (2011) Yết-ma yếu chỉ, Thích Đỗng Minh & Thích Nguyên Chứng (biên tập), Nxb Phương Đông, tr.257-263.

3 Đại 26, No. 1537, p. 458b25. Tham khảo: Tuệ Sỹ & Nguyên An (dịch) (2018), A-tỳ-đạt-ma Pháp uẩn túc luận, Nxb Hồng Đức, tr.86.

4 Sđd, tr.88.

5 Đại 31, No.1585. Tham khảo: Tuệ Sỹ (2019), Luận Thành duy thức, Nxb Hồng Đức.

6 Tỳ-bà-sa 7, tr.34c27. Kosá iv. k. 125cd. Dẫn bởi: Tuệ Sỹ (2019), Luận Thành duy thức, Nxb Hồng Đức.

7 Trường A-hàm, kinh Chúng tập.

8 Tuệ Sỹ (dịch) (2015), A-tỳ-đạt-ma Câu-xá (iii), Nxb Hồng Đức, tr.608.

9 Sđd, tr.611.

10 Trung A-hàm, kinh số 180. Dẫn bởi: Luận Câu-xá.

11 Sđd, tr.617.

12 Trường A-hàm, kinh Du hành.

13 Sđd, tr.632.

14 Tăng nhất A-hàm, phẩm Hộ tâm, kinh số 3.

Chơn Trí/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/an-cu-va-y-nghia-nuong-tua-tinh-than-cho-phat-tu-post71877.html