Ấn Độ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau gần 5 năm
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ hôm 7/2 đã cắt giảm lãi suất cơ bản lần đầu tiên sau gần 5 năm, trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt tạo điều kiện cho cơ quan này kích thích nền kinh tế đang suy yếu.
![Lãi suất tái cấp vốn chuẩn của Ấn Độ đã ổn định ở mức 6,5% trong hai năm qua. Ảnh: AFP](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_72_51421589/a8662fe016aefff0a6bf.jpg)
Lãi suất tái cấp vốn chuẩn của Ấn Độ đã ổn định ở mức 6,5% trong hai năm qua. Ảnh: AFP
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) Sanjay Malhotra cho biết trong bài phát biểu trực tiếp rằng, Ủy ban Chính sách Tiền tệ thuộc RBI đã quyết định cắt giảm lãi suất tái cấp vốn 25 điểm cơ bản xuống còn 6,25%.
Việc cắt giảm lãi suất đã được dự đoán trước và đánh dấu lần cắt giảm đầu tiên của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ kể từ tháng 5/2020 khi đất nước phải vật lộn với suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra.
Quyết định cắt giảm lãi suất khẳng định rằng các ưu tiên của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã "chuyển từ kiềm chế lạm phát sang cung cấp nhiều hỗ trợ hơn cho nền kinh tế", ông Shilan Shah, Phó giám đốc kinh tế thị trường mới nổi tại Capital Economics nhận xét.
"Với nền kinh tế có khả năng vẫn ở trong giai đoạn khó khăn trong một vài quý nữa, việc nới lỏng tiền tệ hơn nữa đang được lên kế hoạch", ông Shah cho biết, đồng thời dự đoán Ấn Độ sẽ cắt giảm 75 điểm cơ bản trong chu kỳ nới lỏng này.
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ dự báo tăng trưởng GDP thực tế cho năm tài chính tiếp theo là 6,7% và lạm phát sẽ ở mức 4,2%. Đối với năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2025, cơ quan tiền tệ Ấn Độ đã hạ mức tăng trưởng GDP thực tế xuống 6,4% (mức thấp nhất trong 4 năm) từ mức dự báo 6,6% vào tháng 12 năm ngoái, trong khi tỷ lệ lạm phát vẫn giữ nguyên ở mức 4,8%.
Chứng khoán Ấn Độ sụt giảm sau động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương, với chỉ số Nifty 50 giảm tới 0,5%. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Ấn Độ đã tăng hơn 4 điểm cơ bản lên 6,7%.
Thống đốc Malhotra cho biết mặc dù tăng trưởng dự kiếnsẽ phục hồi từ mức thấp của quý thứ hai (kết thúc vào tháng 9/2024) trong năm tài chính, nhưng vẫn "thấp hơn nhiều so với năm ngoái".
"Những biến động tăng trưởng-lạm phát này mở ra không gian chính sách cho MPC (Ủy ban Chính sách Tiền tệ thuộc RBI - BTV) để hỗ trợ tăng trưởng, đồng thời vẫn tập trung vào việc điều chỉnh lạm phát theo mục tiêu", Thống đốc Malhotra nói thêm.
Lãi suất tái cấp vốn chuẩn của Ấn Độ đã ổn định ở mức 6,5% trong hai năm qua, với lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu trung hạn 4% của Ngân hàng Trung ương.
Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, đã vật lộn với sự suy thoái mạnh kể từ năm ngoái, với tốc độ tăng trưởng 5,4% trong quý kết thúc vào tháng 9/2024. Kết quả này thấp hơn nhiều so với kỳ vọng và đánh dấu mức tăng trưởng chậm nhất trong gần hai năm.
Với đồng rupee chạm mức thấp kỷ lục so với đồng đô la Mỹ, bất kỳ động thái cắt giảm lãi suất chính sách nào của Ngân hàng Trung ương đều có thể làm gia tăng lạm phát trong nước, gây thêm áp lực lên tiền tệ và có khả năng khiến dòng vốn rời thị trường.
Theo báo cáo, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã phải can thiệp vào thị trường ngoại hối để giúp giảm bớt bất kỳ dòng vốn nước ngoài đột ngột rời thị trường và tránh sự sụt giảm mạnh của đồng rupee.
Theo ông Lincoln Pan, đồng giám đốc vốn tư nhân tại công ty đầu tư PAG, Ấn Độ và Nhật Bản là hai lựa chọn tốt cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm thị trường sinh lời tốt ở châu Á trong 6 - 9 tháng.
"Điều mạnh mẽ nhất hỗ trợ thị trường Ấn Độ tại thời điểm này là sự tăng trưởng của dòng vốn trong nước chảy vào thị trường vốn chủ sở hữu trong nước", ông Pan đánh giá. Nhà phân tích này cho rằng không gian vốn chủ sở hữu tư nhân ở Ấn Độ - nơi tập trung một thế hệ siêu giàu mới và đang phát triển - là "một khu vực tăng trưởng".
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/an-do-cat-giam-lai-suat-lan-dau-tien-sau-gan-5-nam-d244776.html