Luật mới phải tháo gỡ được những 'nút thắt' trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp
Về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc yêu cầu luật mới phải tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc, những nút thắt trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp. Luật phải bao quát tối đa, không để khoảng trống pháp lý, tránh tình trạng có những tình huống xảy ra trong thực tiễn nhưng luật không quy định.
Chiều 7/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã họp với các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Mở đầu cuộc họp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo rõ những vấn đề còn ý kiến khác nhau, những vấn đề mới… để đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp thảo luận, góp ý hoàn chỉnh dự thảo luật. Đồng thời, yêu cầu các đại biểu phải bàn vào những vấn đề quan trọng nhất, cốt lõi nhất để doanh nghiệp phát triển hiệu quả.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty đã thảo luận góp ý về thẩm quyền về việc quyết định chiến lược sản xuất kinh doanh; kế hoạch sản xuất kinh doanh; quy định liên quan đến chủ sở hữu vốn nhà nước; cơ chế quản lý nhân sự, tiền lương, tiền thưởng; phân phối lợi nhuận; làm rõ các khái niệm, thuật ngữ; cơ chế quản lý đối với hoạt động đầu tư đổi mới sáng tạo; chuẩn hóa quy trình kiểm tra, giám sát…
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xây dựng trên cơ sở rà soát, đánh giá các hạn chế trong Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thay thế Luật số 69/2024/QH13.
Nhấn mạnh yêu cầu Luật mới phải kế thừa những nội dung tốt trong Luật số 69/2024/QH13, đồng thời phải tháo gỡ được những điểm nghẽn trong thực tiễn, trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung liên quan đến thẩm quyền quản lý vốn nhà nước của các chủ thể, nhất là việc phân cấp, phân quyền trong việc quyết định chiến lược, kế hoạch đầu tư sản xuất, kinh doanh; quyết định nhân sự; cơ chế tiền lương, tiền thưởng; quỹ đầu tư phát triển…
Về mặt quản lý tiền vốn của nhà nước, phải tuân thủ nguyên tắc: "Chỗ nào có vốn của nhà nước thì chỗ đó phải có quản lý. Vấn đề là phải thiết kế cơ chế quản lý phù hợp, hiệu quả", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, luật mới phải tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc, những nút thắt trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp. Luật phải bao quát tối đa, không để khoảng trống pháp lý, tránh tình trạng có những tình huống xảy ra trong thực tiễn nhưng luật không quy định.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị ban soạn thảo tiếp thu tối đa các ý kiến của các cơ quan, doanh nghiệp, hoàn thiện dự thảo Luật để gửi Chính phủ trước ngày 13/2 tới.