Ấn Độ: Vì sao chất lượng không khí tại thủ đô Delhi cải thiện đáng kinh ngạc?
Để có được khoảng thời gian trong lành đáng ngạc nhiên này, chính phủ Ấn Độ áp dụng nhiều sáng kiến chống ô nhiễm không khí khác nhau như triển khai ôtô điện công cộng, cấm đốt rơm rạ...

Phun nước trên đường phố để làm giảm tình trạng ô nhiễm không khí tại New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: ANI/TTXVN)
Trong vòng 6 tháng gần đây, thủ đô New Delhi của Ấn Độ, khu vực thường xuyên dẫn đầu danh sách các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới theo bảng xếp hạng của IQ Air, đã trải qua 63 ngày chất lượng không khí ở mức “trung bình.” Ngoài ra, còn có 52 ngày chất lượng không khí ở mức “chấp nhận được.”
Đặc biệt, thành phố này đã trải qua chuỗi gần 20 ngày liên tiếp chất lượng không khí ghi nhận ở mức dưới 100, mức “trung bình,” khiến bầu không khí trở nên dễ chịu hơn nhiều, đặc biệt nếu so sánh với những ngày chất lượng không khí ở mức “kém” trước đó.
Trong điều kiện không khí trong lành hiếm có này, nhiều người dân Ấn Độ, đặc biệt là người già và trẻ em, đã có thể hoạt động, vui chơi ngoài trời, đến các công viên mà không phải lo ngại về ô nhiễm.
Đây là kết quả của hàng loạt sáng kiến chống ô nhiễm không khí của chính quyền thành phố.
Mới chỉ khoảng nửa tháng trước, người dân nơi đây còn phải sống trong bầu không khí nóng bức, ô nhiễm và luôn bị bao trùm bởi làn khói mù mịt của bụi mịn cộng với chỉ số AQI trên 400.
Để có được khoảng thời gian trong lành đáng ngạc nhiên này, Chính phủ Ấn Độ áp dụng nhiều sáng kiến chống ô nhiễm không khí khác nhau như triển khai ôtô điện công cộng, súng chống khói bụi.
Chính quyền cũng khuyến khích người dân sử dụng nhiên liệu sạch, hạn chế triệt để tình trạng đốt rơm rạ tại các bang lân cận của thủ đô.
Mặc dù giai đoạn không khí sạch kéo dài này là một sự thay đổi đáng hoan nghênh, nhưng chính quyền thủ đô New Delhi vẫn cần có những nỗ lực bền bỉ để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của ô nhiễm.
Bởi theo đánh giá giữa năm của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch Ấn Độ (CREA) công bố ngày 11/6, Delhi vẫn là thành phố ô nhiễm thứ hai ở Ấn Độ trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2025, với kết quả ghi nhận 29 ngày có chất lượng không khí "rất kém" và chỉ có ba ngày ở mức "tốt."
Báo cáo nêu rõ: "Delhi được xếp hạng là thành phố ô nhiễm thứ 2 của Ấn Độ, với mức ô nhiễm PM2.5 đạt gấp đôi NAAQS ở mức 87 µg/m³."
Báo cáo cũng nhấn mạnh thêm sự cần thiết của một chiến lược toàn diện để giải quyết ô nhiễm không khí ở Delhi, cho rằng các nỗ lực phải vượt ra ngoài lĩnh vực giao thông vận tải và nông nghiệp.
Theo nội dung báo cáo, để xử lý vấn đề ô nhiễm không khí của Delhi, chính quyền cần một cách tiếp cận đa ngành, cần một sự quản lý chặt chẽ và sâu sát không chỉ trong lĩnh vực giao thông vận tải và nông nghiệp, mà còn đối với lĩnh vực điện và công nghiệp.
Điều này có nghĩa là ngay cả khi mức độ ô nhiễm vẫn ở mức thấp trong suốt thời gian còn lại của năm, thành phố này vẫn sẽ không đạt được bất kỳ tiêu chuẩn nào về giảm ô nhiễm.
Cuộc chiến chống ô nhiễm của Delhi cần một "cách tiếp cận đa ngành"
Mặc dù việc cấm xe hết hạn sử dụng của Delhi đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý chất lượng không khí, nhưng việc chỉ tập trung vào khí thải từ các phương tiện giao thông lại khiến thành phố này bỏ qua các nguồn ô nhiễm lớn khác.

Ô nhiễm không khí nghiệm trọng tại New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: ANI/TTXVN)
Theo báo cáo của CREA, dù đã có những chỉ đạo cụ thể, hầu hết các nhà máy nhiệt điện gần Delhi vẫn thiếu các hệ thống kiểm soát ô nhiễm thiết yếu như các thiết bị khử lưu huỳnh khí thải (FGD).
Đến giữa năm 2025, chỉ có hai trong số 11 nhà máy nhiệt điện than trong phạm vi 300km tính từ thủ đô - NTPC Dadri và nhà máy điện Mahatma Gandhi - có sử dụng các thiết bị này.
Sự mất cân bằng trong việc xử lý các vấn đề ô nhiễm này có thể sẽ làm suy yếu những tiến bộ đạt được trước đó. Trong khi lĩnh vực giao thông vận tải và nông nghiệp được giám sát chặt chẽ, các ngành khác vẫn đang tiếp tục góp phần gây nên tình trạng ô nhiễm mà chưa phải chịu trách nhiệm cụ thể.
Khoảng cách thực thi này làm suy yếu những tiến bộ đạt được thông qua các quy định chặt chẽ hơn liên quan đến phương tiện giao thông và tạo ra sự mất cân bằng trong cách xử lý các nguồn ô nhiễm.
Trong khi giao thông vận tải và nông nghiệp được giám sát chặt chẽ, các ngành khác vẫn tiếp tục đóng góp đáng kể vào ô nhiễm mà không có trách nhiệm giải trình.
Theo CREA, nếu không có một kế hoạch hành động nhanh chóng và toàn diện từ tất cả các lĩnh vực gây ô nhiễm, thì những biện pháp hạn chế đối với giao thông vận tải và nông nghiệp sẽ chỉ như "muối bỏ biển" khi các nguồn phát thải khác vẫn đang liên tục đầu độc bầu không khí./.