Trung Quốc dựng 10.000 tháp điện giữa 'biển chết' Tân Cương
Trung Quốc hoàn tất siêu dự án năng lượng dài hơn 4.000 km ở Tân Cương, với 10.000 tháp điện vắt qua sa mạc, đồi núi, đầm lầy và cả 'biển chết'.

Sau 15 năm thi công, Trung Quốc đã hoàn thành lưới điện siêu cao thế dài hơn 4.197 km bao quanh bồn địa Tarim ở Tân Cương.

Công trình đi xuyên qua vùng “biển chết” Taklamakan - một trong những sa mạc khắc nghiệt và khó tiếp cận nhất thế giới.

Tuyến truyền tải mới có gần 10.000 tháp điện và 9 trạm biến áp, kết nối các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời, gió và thủy điện.

Để thi công, đội ngũ xây dựng phải dùng vải thấm nước cố định cát và kéo vật liệu bằng cáp treo qua núi non, đầm lầy và rừng sa mạc.

Hệ thống mới nâng khoảng cách truyền tải từ 300 km lên 600 km, và công suất từ 300.000 kW lên đến 3 triệu kW.

Ngoài cung cấp điện cho khu vực phía nam Tân Cương, tuyến điện còn kết nối với các tỉnh xa như Tứ Xuyên và Thanh Hải.

Nhóm thi công còn phủ lưới cỏ chống cát bay dọc tuyến, hỗ trợ kiểm soát sa mạc hóa bền vững theo mô hình xanh hóa.

Dự kiến đi vào hoạt động tháng 11 tới, đây là bước tiến quan trọng trong chiến lược năng lượng sạch và phát triển hạ tầng bền vững của Trung Quốc.
Mời quý độc giả xem thêm video: Top 10 Thiết Bị Công Nghệ 'Đáng Sợ' Của Tương Lai.