An Giang: Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Tỉnh An Giang đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên, quyết tâm tăng trưởng hai con số; trong đó, nỗ lực bứt phá mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm, nhằm đạt được kết quả cao nhất, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, hướng tới sự phát triển bền vững, mạnh mẽ.

Khu du lịch Núi Cấm, thuộc xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên - nơi được ví là “Đà Lạt” của miền Tây. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Khu du lịch Núi Cấm, thuộc xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên - nơi được ví là “Đà Lạt” của miền Tây. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Theo đó, tỉnh xây dựng hai kịch bản tăng trưởng cụ thể là đạt mục tiêu tăng trưởng 8,5% và phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 10% năm 2025; đồng thời, xác định các khu vực kinh tế trọng điểm là đầu tàu cho tăng trưởng trong nửa cuối năm 2025.

Với lĩnh vực chủ lực là kinh tế nông nghiệp, tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt chú trọng Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”; đồng thời, đẩy mạnh phát triển giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng thương hiệu nông sản đặc sản và thực hiện hiệu quả đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Kiên Giang Lê Hữu Toàn chia sẻ, kinh tế nông nghiệp chủ lực của tỉnh là lúa gạo,vì vậy, tỉnh tập trung phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao, gắn với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Tiếp đến, đẩy mạnh chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm, cá tra, nuôi cá lồng bè trên biển. Đối với rau màu và cây ăn trái, mở rộng vùng chuyên canh, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, hướng đến nông nghiệp xanh. Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện đề án phát triển chăn nuôi bền vững.

Tỉnh quyết tâm đạt giá trị GRDP khu vực nông - lâm - thủy sản nửa cuối năm 2025 hơn 27.416 tỷ đồng, cả năm đạt trên 52.591tỷ đồng; sản lượng lúa hơn 3,74 triệu tấn, cả năm đạt trên 8,73 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng thủy sản 554.246 tấn, cả năm đạt trên 1,12 triệu tấn; sản lượng khai thác thủy sản 213.432 tấn, cả năm đạt 422.300 tấn.

Theo đó, tỉnh tổ chức sản xuất vụ Hè Thu và Thu Đông theo hướng gia tăng giá trị và hiệu quả kinh tế, hỗ trợ và khuyến khích các hộ canh tác thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống thông thường sang nhóm chất lượng cao, đồng thời chuyển đổi canh tác lúa sang cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn như cây ăn trái, hoa màu, nuôi trồng thủy sản… tại những nơi có điều kiện.

Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất phát triển vùng nuôi cá tra, nuôi tôm và thủy sản thế mạnh, tạo điều kiện để các dự án nuôi biển trên địa bàn tỉnh sớm triển khai; tăng cường công tác quản lý nhà nước về thủy sản nhằm bảo đảm chất lượng các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất cũng như chất lượng đầu ra; hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, nâng cao sức canh tranh của sản phẩm...

Đối với du lịch được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh để duy trì đà ổn định, bù đắp cho các khu vực khác. Đặc biệt, thời điểm cuối năm, dự kiến sẽ tăng đáng kể lượng khách du lịch, cả nội địa và quốc tế nhất là đến các điểm, khu du lịch như: Phú Quốc, Nam Du, Hòn Sơn, Hà Tiên, Rạch Giá, Núi Sam, Núi Cấm… Tỉnh đặt mục tiêu 6 tháng cuối năm thu hút 8,7 triệu lượt khách; trong đó, khách quốc tế 720.000 lượt khách, doanh thu 26.886 tỷ đồng để cả năm thu hút 22,7 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch và khách quốc tế 1,62 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 62.800 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Du lịch An Giang Bùi Quốc Thái cho hay, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng bền vững, tăng cường quảng bá du lịch và con người An Giang; xây dựng hình ảnh du lịch An Giang là một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; triển khai đồng bộ các giải pháp, chương trình kích cầu du lịch, góp phần thu hút khách du lịch đến với tỉnh; đồng thời, đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong và ngoài nước; nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá và xây dựng phát triển thương hiệu, sản phẩm, điểm đến du lịch của tỉnh An Giang…

Đối với lĩnh vực công nghiệp và xây dựng: Các công trình phục vụ Hội nghị APEC 2027 đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, các dự án bất động sản có thể được tháo gỡ vướng mắc pháp lý để khởi động lại và việc đầu tư xây dựng trong dân cư sẽ phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất có xu hướng tăng cường hoạt động vào các tháng cuối năm để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và phục vụ dịp lễ, Tết Nguyên đán, đóng góp đáng kể vào GRDP của tỉnh. Tỉnh đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 2,43 tỷ USD.

Cùng với đó, tỉnh quyết liệt thực hiện các giải pháp giải ngân đầu tư công, phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2025 hơn 26.116 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách trung ương trên 10.873 tỷ đồng và tỉnh 15.243 tỷ đồng.

Theo đó, đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án, nhất là các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình Trung ương quản lý đi qua địa bàn tỉnh và các công trình, dự án phục vụ cho Hội nghị APEC 2027 tại Phú Quốc. Thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội”, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhà ở xã hội theo chương trình phát triển nhà ở tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025.

Lãnh đạo tỉnh An Giang nhấn mạnh, tỉnh đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Lập danh mục dự án đủ điều kiện pháp lý để kêu gọi đầu tư, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai dự án, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản, quy hoạch phát triển đô thị; tổ chức lập và tập trung mời gọi đầu tư các dự án ưu tiên trọng điểm của ngành công nghiệp như dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp và dự án nhà máy chế biến thực phẩm giá trị gia tăng gắn với vùng nguyên liệu lúa gạo và thủy sản.

Cùng với đó, các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương theo nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, chương trình công tác chi tiết; trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm để phân công, chỉ đạo, điều hành kiên quyết, đạt hiệu quả cao với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm và rõ kết quả”.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, kinh tế của tỉnh tăng trưởng tích cực 8,12%. Khu vực nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, giữ vững vai trò bệ đỡ cho tăng trưởng chung toàn tỉnh. Sản lượng lúa đạt 4,3 triệu tấn; sản lượng thủy sản gần 780.000 nghìn tấn. Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng khá, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực, thế mạnh của tỉnh sản xuất ổn định và tăng so với cùng kỳ như: giày da, cá hộp, khai thác đá, xi măng, thủy sản đông lạnh, gạo xay xát, điện năng lượng mặt trời… Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD. Du lịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thu hút trên trên 14,2 triệu lượt khách; trong đó, khách quốc tế hơn 908.000 lượt, tổng doanh thu đạt 37.207 tỷ đồng.

Lê Huy Hải (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/an-giang-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-quoc-gia-20250715174225870.htm