An Giang kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm

Tỉnh An Giang đã chọn hơn 60 dự án trọng điểm, ưu tiên đầu tư trên tất cả 6 lĩnh vực, mời gọi nhà đầu tư chiến lược, có tầm nhìn, có năng lực tài chính và công nghệ để đồng hành, khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của tỉnh trong thời gian tới.

Lễ công bố quy hoạch tỉnh An Giang nhằm định hướng đưa tỉnh phát triển khá ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Lễ công bố quy hoạch tỉnh An Giang nhằm định hướng đưa tỉnh phát triển khá ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Tỉnh An Giang tập trung thu hút đầu tư vào 6 lĩnh vực chính, gồm: Hạ tầng giao thông; cơ sở hạ tầng khu đô thị, khu nhà ở; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp, hạ tầng khu, cụm công nghiệp; thương mại, dịch vụ, du lịch; văn hóa - xã hội và môi trường...

Các dự án tiêu biểu

Tỉnh An Giang cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khi đến đăng ký, triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.

Trong lời ngỏ gửi các doanh nghiệp, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang khẳng định, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú, An Giang có lợi thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, thương mại biên giới.

Nhằm tăng cường thu hút đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tỉnh An Giang đang hoàn thiện quy hoạch phát triển, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; phát triển mạnh khoa học công nghệ…

Các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương...sẽ được ưu tiên.

Trong các dự án kêu gọi, về cơ sở hạ tầng- khu đô thị, khu nhà ở có các dự án diện tích lớn như: Khu đô thị mới phía nam thành phố Long Xuyên, phường Mỹ Thới, thành phố Long Xuyên 58 ha; khu đô thị - du lịch sinh thái bãi bồi Vĩnh Mỹ, phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc 31ha, tổng vốn đầu tư 850 tỷ đồng...

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch có các dự án tiêu biểu như: Khu du lịch búng Bình Thiên, huyện An Phú hơn 350ha ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 600 tỷ đồng; khu thương mại, dịch vụ và vui chơi giải trí Tịnh Biên, phường Tịnh Biên, thị xã Tịnh Biên 106 ha, tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng; khu thương mại và vui chơi giải trí Vĩnh Xương, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu 62 ha, tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng; khu du lịch hồ Soài So, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn 40 ha, tổng vốn đầu 500 tỷ đồng...

An Giang kêu gọi đầu tư khu du lịch búng Bình Thiên ở huyện An Phú.

An Giang kêu gọi đầu tư khu du lịch búng Bình Thiên ở huyện An Phú.

Các dự án liên quan tới lĩnh vực công nghiệp tiêu biểu gồm khu công nghiệp Định Thành, xã Định Thành, huyện Thoại Sơn 155ha (giai đoạn 1) tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng; khu công nghiệp Hội An, xã Hội An, huyện Chợ Mới 100 ha tổng vốn đầu tư 950 tỷ đồng; khu công nghiệp Xuân Tô (mở rộng), phường Tịnh Biên, thị xã Tịnh Biên 82 ha, tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng; cụm công nghiệp Hòa Bình, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới 75 ha, tổng đầu tư 1.300 tỷ đồng…

Các dự án liên quan lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiêu biểu có khu nông nghiệp công nghệ cao Châu Phú, xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú 1.000 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 22.000 tỷ đồng…

Đưa An Giang là tỉnh phát triển khá

Để thu hút đầu tư nhằm đưa An Giang trở thành điểm đến hấp dẫn, lãnh đạo tỉnh An Giang đã thông tin, giới thiệu các doanh nghiệp, nhà đầu tư về quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt theo Quyết định 1369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đây là quy hoạch định hướng chiến lược cho sự phát triển toàn diện của tỉnh, An Giang quyết tâm thực hiện thắng lợi quy hoạch, hướng đến phát triển bền vững. Trong đó, đề ra 2 phương hướng, 4 phương án và danh mục các dự án ưu tiên đầu tư.

Đồng thời, đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực thực hiện, gồm: Giải pháp về huy động, sử dụng vốn đầu tư; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển; giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Khi thực hiện tốt các giải pháp nêu trên sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo đà cho An Giang vươn lên phát triển. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Để đạt mục tiêu này, có 3 nhóm mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường được đề ra với 13 mục tiêu cụ thể. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 7%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt hơn 157 triệu đồng; kinh tế số đạt hơn 20% GRDP...

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững; là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN.

Giai đoạn này nhấn mạnh đến 3 đột phá về xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách nhằm thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực đột phá phát triển, như: Nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, dịch vụ, du lịch, logistics và chuyển đổi số.

Tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số.

Gìn giữ bản sắc văn hóa thống nhất trong đa dạng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh và mang đậm văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long. Quốc phòng - an ninh vững mạnh, trật tự, an toàn xã hội ổn định, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc...

THANH DŨNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/an-giang-keu-goi-dau-tu-cac-du-an-trong-diem-post851094.html