An Giang phát triển hạ tầng để thu hút đầu tư

Những năm qua, công tác phát triển hạ tầng trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhờ đó, đã cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; nhiều dự án, công trình quan trọng được đầu tư đã hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng đô thị phát triển nhanh, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn từng bước thu hẹp, đời sống nhân dân được cải thiện.

Tạo động lực phát triển

Trong giai đoạn 2015-2020, tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước khoảng 22.437 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 6.436 tỷ đồng và ngân sách tỉnh trên 16.000 tỷ đồng. Các nguồn vốn trên được triển khai đầu tư ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội (KTXH), trong đó một số lĩnh vực được tập trung ưu tiên nguồn vốn đầu tư, như: Giao thông, thủy lợi, lưới điện, cấp nước, khoa học - công nghệ, giáo dục, y tế, văn hóa - thể thao, quốc phòng - an ninh… góp phần tạo động lực phát triển KTXH tỉnh nhà.

Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh những năm qua đã được quan tâm đầu tư đáng kể. Một số dự án, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã tạo sự đột phá trong việc cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh, góp phần tăng cường giao thương, lưu thông hàng hóa và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Các công trình thủy lợi, đê điều được đầu tư cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp. Hạ tầng lưới điện được đầu tư, đặc biệt hệ thống lưới điện nông thôn phát triển nhanh. Kết cấu hạ tầng văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư nhiều công trình, như: Đã đưa vào sử dụng Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, đang đầu tư xây dựng Bệnh viện Sản Nhi An Giang; nhiều trường học các cấp được xây dựng mới… Kết cấu hạ tầng phát triển du lịch (DL) được tập trung đầu tư nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh và thu hút du khách.

Phát huy những kết quả đạt được thời gian qua và để cụ thể hóa, triển khai các nội dung Chương trình hành động 09-CTr/TU, ngày 29/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện phát triển hạ tầng, tạo quỹ đất để thu hút đầu tư các dự án, công trình trọng điểm tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, các công trình trọng điểm, dự án đầu tư công lớn thuộc danh mục đầu tư công phải được sẵn sàng về quỹ đất để triển khai đầu tư. Đồng thời, phát triển đồng bộ hạ tầng khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố để phục vụ phát triển các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, nâng cao chuỗi giá trị cho các sản phẩm từ nông nghiệp và phục vụ phát triển thương mại biên giới. Đầu tư từng bước để hoàn thiện hệ thống thoát nước, xử lý nước thải và đấu nối hạ tầng tại các đô thị loại III và IV trên địa bàn tỉnh. Đầu tư, nâng cấp đảm bảo giao thông các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng, các tuyến giao thông nối liền các khu, điểm DL; hoàn thành việc xây dựng cầu Châu Đốc và kêu gọi đầu tư xây dựng cầu Năng Gù, cầu qua xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên).

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tạo được ít nhất 5 khu đất sạch trên địa bàn TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc để khai thác; đảm bảo quỹ đất thực hiện các công trình, dự án trọng điểm theo kế hoạch đầu tư công trung hạn và cơ bản có quỹ đất sạch dự trữ sẵn để mời gọi đầu tư; hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo quỹ đất đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng, kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả

Về phát triển hạ tầng giao thông và phát triển đô thị, tỉnh sẽ triển khai xây dựng hệ thống quản lý quy hoạch và phát triển đô thị tỉnh An Giang, giai đoạn 2020-2025 để từng bước tiến tới phát triển TP. Long Xuyên thành đô thị thông minh và triển khai hiệu quả Đề án số tỉnh An Giang. Đầu tư xây dựng cầu Năng Gù, cầu Thuận Giang để kết nối giao thông, tạo điều kiện phát triển KTXH huyện Phú Tân, Chợ Mới và đầu tư xây dựng cầu bắc qua xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) để phát triển DL thúc đẩy KTXH phát triển; đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Lộc (huyện An Phú) để kết nối lưu thông, hoàn thiện hạ tầng giao thông thúc đẩy phát triển KTXH khu vực biên giới…

Việc phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh kết nối với hạ tầng khu vực đảm bảo tính đồng bộ, liên thông; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại, chú trọng áp dụng các công nghệ, giải pháp tiên tiến trong tổ chức khai thác, sử dụng và phát triển các dịch vụ hạ tầng nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Đồng thời, đổi mới tư duy đầu tư phát triển hạ tầng theo hướng tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp, DL, nông nghiệp. Huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng trong tỉnh và kết nối với mạng lưới hạ tầng trong khu vực. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, ban hành các chính sách hỗ trợ để tăng tính thương mại của các dự án kết cấu hạ tầng. Dành nguồn vốn đầu tư vào các công trình thiết yếu, quan trọng khó huy động các nguồn lực xã hội; thay đổi phương thức đầu tư, hợp tác kinh doanh để huy động tổng thể các nguồn lực từ khu vực ngoài nhà nước vào đầu tư phát triển hạ tầng.

Cùng với đó, đa dạng nguồn vốn tạo quỹ đất, phát huy vốn doanh nghiệp, tăng thu tiền sử dụng đất từ khai thác địa tô chênh lệch tại các khu đô thị lớn và giảm dần vốn ngân sách. Tập trung ưu tiên tạo quỹ đất cho các khu, cụm công nghiệp, đảm bảo nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng huyện nông thôn mới; đáp ứng quỹ đất kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực giao thông, DL, nông nghiệp, đô thị. Tạo quỹ đất dự trữ xung quanh các công trình đầu tư công, tại các vị trí có lợi thế nhưng hạ tầng kém, thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và đầu tư hạ tầng để làm tăng giá trị đất.

“Việc phát triển hạ tầng, tạo quỹ đất mời gọi đầu tư các dự án, công trình trọng điểm tỉnh An Giang gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết.

THU THẢO

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-phat-trien-ha-tang-de-thu-hut-dau-tu-a339672.html