An ninh châu Âu trong tay Nga - Mỹ

Nghịch lý là dù cuộc đàm phán ở Geneva sẽ có ảnh hưởng quyết định đến 'ổn định chiến lược' tại châu Âu, dường như các nước châu Âu đang bị bỏ qua.

Sau khi triển khai 100.000 quân dọc biên giới với Ukraine, lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Nga đã thành công trong việc kéo Mỹ ngồi vào bàn đàm phán về các vấn đề liên quan đến an ninh châu Âu ngày 10/1 tại Geneva, Thụy Sĩ.

Kết quả đàm phán sẽ không thể đạt được một sớm một chiều, nhưng ngay từ trung tuần tháng 12/2021, Nga đã chủ động đề xuất các khuôn khổ “ổn định chiến lược” cho châu Âu.

Từ Malta đến đến Geneva

Năm 1989, cuộc gặp Thượng đỉnh Malta giữa Tổng thống Mỹ G.H. Bush và lãnh đạo Liên Xô M. Gorbachev được xem là dấu chấm hết cho Chiến tranh Lạnh hình thành sau Hội nghị Yalta 1945.

Cấu trúc an ninh tại châu Âu, kể từ sau Thượng đỉnh Malta cách đây hơn 30 năm, dựa trên Hiến chương Paris tháng 11/1990 với sự ký kết của 34 quốc gia, trong đó có Liên Xô và các nước thuộc khối Warsava cũ.

Hiến chương này khuyến khích các mối quan hệ mới tại châu Âu dựa trên nền tảng nhà nước pháp quyền, dân chủ và tôn trọng quyền của các dân tộc thiểu số.

Hiến chương Paris là phần bổ sung quan trọng cho Định ước Helsinki 1975 vốn có tham vọng định ra các nguyên tắc cơ bản cho quan hệ giữa hai phần Đông và Tây châu Âu, đang bị chia rẽ bởi bức tường Berlin.

Một trong số đó là nguyên tắc tôn trọng “các đường biên giới và tính toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia” châu Âu. Cấu trúc an ninh châu Âu cũng được đảm bảo bởi các hiệp định về giải trừ vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô (sau này là Nga).

 Binh sĩ Nga trong cuộc tập trận ở vùng Rostov gần biên giới với Ukraine. Ảnh: AP.

Binh sĩ Nga trong cuộc tập trận ở vùng Rostov gần biên giới với Ukraine. Ảnh: AP.

Nếu như các hiệp định SALT I - 1972, ABM - 1972 và SALT II - 1979 chủ yếu liên quan đến hai nước ký kết vì quy mô vượt khỏi các thách thức trực tiếp tại châu Âu, thì Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty 1987- INF) lại được xem là một đảm bảo cho an ninh tại châu Âu bởi toàn bộ các nước Tây Âu thành viên của NATO đều nằm trong phạm vi hoạt động của loại vũ khí này của Liên Xô và sau này là Nga.

Từ sau CTL, Liên Xô rồi sau đó là Nga và Mỹ lần lượt ký các hiệp định START I - 1991, START II - 1993, SORT - 2002 (Strategic Offensive Reduction Treaty), NEW START - 2010 (được gia hạn 5 năm vào năm 2021).

Cùng với các nước thành viên NATO, Mỹ, Nga và các nước thành viên cũ của khối Warsava (mà đa số nay đã trở thành thành viên NATO và EU) ký Hiệp ước Bầu trời mở (Treaty on Open Skies - 1992).

Bên cạnh các hiệp ước kể trên, những khuôn khổ Hội đồng NATO - Nga (Russia - NATO Council) bắt đầu từ năm 2002, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) với 57 thành viên, Hội đồng châu Âu (Council of Europe) với 47 thành viên cũng là những cơ chế đảm bảo cho an ninh châu Âu thông qua ngoại giao, đối thoại, tham vấn.

Thực tế tại châu Âu từ sau Chiến tranh Lạnh, nhất là từ 2008 đến nay, các cơ chế vốn có, những hiệp định đã ký kết liên tục bị thay đổi, vi phạm: xung đột tại Gruzia 2018; khủng hoảng Ukraine 2014; Nga đưa quân và sáp nhập Crimea; Mỹ - 2019 và Nga - 2021 lần lược rút khỏi Hiệp ước bầu trời mở; Mỹ rút khỏi INF năm 2018…

Giới chính trị gia châu Âu và nhiều nhà phân tích cho rằng việc Nga gây xung đột với Gruzia năm 2008, sáp nhập Crimea, can dự vào xung đột ở miền Đông Ukraine năm 2008 và gần đây nhất là việc triển khai 100.000 quân dọc biên giới Ukraine là chiến lược của Moscow nhằm đối phó với phương Tây.

 Binh sĩ Ukraine trong cuộc tập trận vào tháng 12/2021 gần Kiev. Ảnh: New York Times.

Binh sĩ Ukraine trong cuộc tập trận vào tháng 12/2021 gần Kiev. Ảnh: New York Times.

Dẫu vậy, đây chỉ là cách nhìn mang tính ý thức hệ, đối lập một cách sơ đẳng giữa hai mô hình và cách nhìn này làm mờ đi bản chất của những động lực trong hành động của Nga.

Nếu bỏ qua lăng kính này, có thể xâu chuỗi các hành động của Nga bằng việc nhìn vào hai “ám ảnh” của Nga từ sau Chiến tranh Lạnh.

Thứ nhất, từng là một đế chế, từng là một siêu cường, Nga luôn mang trong mình “nỗi lo ngại” bị gây hấn bởi, hoặc thông qua, các láng giềng cận kề.

Thực tế lịch sử cho thấy nhiều lần Nga bị đe dọa. Các thực tiễn tại châu Âu sau Chiến tranh Lạnh càng làm gia tăng áp lực lên “ám ảnh này”: Trái với lời hứa (trong hội đàm giữa Gorbachev và Baker ngày 9/2/1990 tại Kremlin), trong 30 năm qua từ khi Liên Xô tan rã, NATO không ngừng mở rộng về phía đông kết nạp các nước thành viên khối Warsava cũ và cả những nước vốn là thành viên của Liên bang Xô viết; cùng với NATO, Liên minh châu Âu (EU) cũng đông tiến tới sát với biên giới Nga.

Chiến lược truyền thống của Nga trước “ám ảnh” này là đẩy ra xa nhất có thể cả mối đe dọa tiềm tàng.

Thứ hai, “ám ảnh” đúng hơn là “ảo ảnh” về một “vị thế siêu cường” được phương Tây thừa nhận: Nước Nga sau Chiến tranh Lạnh đã phải phụ thuộc vào phương Tây trong các kế hoạch cải cách kinh tế, chính trị theo hướng dân chủ hóa, tự do hóa. Ngoại trừ một vài ngoại lệ (sau vụ 11/9/2001 Nga ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố), vị thế của Nga ở châu Âu và trong quan hệ với Mỹ, như “một miếng da lừa”, ngày càng thu hẹp lại và Nga chưa bao giờ tìm lại được vị thế siêu cường.

Không chỉ ông Putin mà có tới 73% người Nga cũng bị ám ảnh bởi việc tìm lại hào quang quá khứ, theo thăm dò của VTsIOM.

"Ám ảnh Yalta trở lại"

Đối mặt với chiến lược của người Nga, chiến lược đối đầu của Mỹ và các nước phương Tây lựa chọn dường như phản tác dụng.

Những hứa hẹn kết nạp Gruzia, Ukraine vào EU và NATO, trang bị, viện trợ quân sự cho Gruzia và Ukraine… chỉ làm gia tăng “ám ảnh” của người Nga về các láng giềng thù địch.

Việc phớt lờ hay phủ nhận các đề xuất đàm phán của Kremlin (các đề xuất tương tự tháng 12/2021 đã được nêu ra vào các năm 2007-2008), việc Mỹ rút khỏi INF, Hiệp ước Bầu trời mở, đóng băng đối thoại tại Hội đồng Nga - NATO hay việc Mỹ tập trung toàn lực đối phó với đối thủ chính, số một là Trung Quốc thông qua chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, càng làm cho người Nga khó bằng lòng với vị thế “siêu cường quốc hạng hai”.

Các hành động gần đây của Nga, theo George Beebe, cựu cố vấn đặc biệt của Phó tổng thống Mỹ D. Cheney về Nga, là những tín hiệu của Moscow mà dường như phương Tây chậm giải mã: Tập trung quân sự quy mô lớn dọc biên giới với Ukraine, đặt lằn ranh đỏ cho việc kết nạp Gruzia và Ukraine vào NATO, hay một dạng đối tác chiến lược chặt chẽ giữa hai nước này với Mỹ.

Việc Nga triển khai một cách chớp nhoáng “lực lượng gìn giữ hòa bình” trong khuôn khổ CSTO tại Kazakhstan cũng là một tín hiệu khác đòi hỏi Mỹ, châu Âu và các nước có liên quan, cần có phương cách giải mã đúng đắn.

Việc chủ động đưa ra đề xuất về hai thỏa thuận “ổn định chiến lược” tại châu Âu rõ ràng có sự tính toán và nằm trong chiến lược giải tỏa hai “ám ảnh” về mối đe dọa cận kề và vị thế của Nga.

Tháng 3/2021, sau một loạt hoạt động quân sự của Nga gần với biên giới với Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden, cho dù hướng mọi sự quan tâm về châu Á với Trung Quốc trong tầm ngắm, đã phải chấp nhận có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với người đồng cấp Vladimir Putin tại Geneva tháng 6/2021.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc gặp thượng đỉnh ở Geneva, Thụy Sĩ vào tháng 6/2021. Ảnh: New York Times.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc gặp thượng đỉnh ở Geneva, Thụy Sĩ vào tháng 6/2021. Ảnh: New York Times.

Việc triển khai 100.000 quân dọc biên giới với Ukraine, chớp nhoáng triển khai 3.000 binh sĩ theo lời kêu gọi của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, hay trước đó vào tháng 11/2021, việc Nga thử thành công tên lửa diệt vệ tinh, cho thấy Moscow có thể và sẵn sàng sử dụng các phương tiện sẵn có để tự theo đuổi các mục tiêu an ninh cũng như kéo các đối thủ ngồi vào bàn đàm phán.

Đàm phán tại Geneva giữa Mỹ và Nga ngày 10/1 qua các đề xuất của Nga, sẽ không chỉ gói gọn trong vấn đề Ukraine, dù đây là chủ đề quan tâm chính của chính quyền Biden và các đối tác châu Âu.

Nghịch lý là dù đàm phán này sẽ có ảnh hưởng quyết định đến “ổn định chiến lược” tại châu Âu, dường như các nước châu Âu đang bị bỏ qua.

Nhìn lại lịch sử “đối thoại chiến lược” tại châu Âu trong Chiến tranh Lạnh, từ các SALT, ABM rồi START, NEW START hay cả việc mới đây Mỹ rút khỏi INF, châu Âu một mặt là bên được hưởng lợi về an ninh mặt khác lại cũng chính là bên chịu mọi hệ lụy.

 Nga đang triển khai hàng chục nghìn quân lính gần biên giới Ukraine. Ảnh: Maxar Technologies.

Nga đang triển khai hàng chục nghìn quân lính gần biên giới Ukraine. Ảnh: Maxar Technologies.

Trong cuộc chơi này, Mỹ, với tư cách siêu cường, và Nga, với tư cách kế thừa vị thế siêu cường quá khứ mới luôn là các bên chủ động trong khuôn khổ các mặc cả song phương trong khi các cấu trúc đa phương như NATO (vốn bị Tổng thống Pháp Emmanuel Macron coi là “chết lâm sàng”) hay OSCE sẽ chỉ được xem là công cụ để hợp thức hóa các kết quả.

Còn EU, dù với tham vọng “tự chủ chiến lược” nhằm bảo về an ninh cho chính mình, vẫn còn đang ở giai đoạn đi tìm một “định nghĩa chung" cho khái niệm này.

Vì vậy, có thể dễ hiểu khi những ngày qua, “hội chứng Munich” trở thành nỗi “ám ảnh” đối với giới quyết sách châu Âu. Càng ám ảnh hơn khi hội chứng này đến đúng vào thời điểm khó khăn nhất của EU, phải đối mặt với các thách thức địa chiến lược đến từ phía đông (Nga) và phía nam (Thổ Nhĩ Kỳ), trong khi bà Angela Merkel đã rút lui khỏi chính trường còn Tổng thống Pháp Macron, lãnh đạo nước chủ tịch luân phiên EU, đang phải đối mặt với các thách thức của kỳ tái tranh cử đầy khó khăn.

Hiểu được “ám ảnh” đó của người châu Âu thì cũng sẽ hiểu được khi Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian chỉ trích toan tính của người Nga “bỏ qua EU” còn Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, một người châu Âu khác thì tuyên bố sẽ “không có bất cứ thảo luận nào về an ninh ở châu Âu mà không có mặt người châu Âu”.

Tuy nhiên, khác Mỹ và Nga, EU không phải là một “siêu cường”, cũng chưa có “tự chủ chiến lược”.

Với phần còn lại của châu Âu, còn một nỗi ám ảnh khác, nó không thầm kín mà hiện hữu trong toan tính của các chính trị gia châu Âu và trên khắp các mặt báo: “Sẽ chẳng ai lâm chiến vì Ukraine”. Định mệnh của địa lý đôi khi vượt lên trên các toan tính đồng minh!

*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn riêng của tác giả, một nhà nghiên cứu châu Âu ở Hà Nội.

Đoàn Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/an-ninh-chau-au-trong-tay-nga-my-post1288533.html