Ấn phẩm đặc biệt của sân khấu cải lương
Buổi giao lưu ra mắt sách chuyên khảo 'Sân khấu Cải lương Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1975 - 2025' do Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vừa diễn ra tại Đường sách Nguyễn Văn Bình vào sáng ngày 8/7/2025, mang đến cho giới văn nghệ sĩ, các nhà báo và quý độc giả gần xa nhiều cảm xúc thú vị.
Tựa như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác như: Dân ca Quan họ, Chèo, Hát Bội, Bài Chòi, Dân ca Ví dặm Nghệ Tĩnh, Đờn ca tài tử Nam Bộ…; sân khấu Cải lương là loại hình nghệ thuật rất được cư dân miền Nam “ưa chuộng” và lan tỏa, phổ biến trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân cả nước hơn 1 thế kỷ qua.

Ban biên tập sách nhận hoa chúc mừng của đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Quốc Thanh).
Sân khấu Cải lương không chỉ phản ánh hiện thực cuộc sống ở xóm ấp, làng xã mà rộng hơn là phản ánh cả tình hình chính trị - xã hội của đất nước. Lịch sử của loại hình nghệ thuật này, từ khởi nguồn cho tới nay chưa bao giờ đứng ngoài vận mệnh của dân tộc. Ở mỗi thời kỳ, sân khấu Cải lương luôn đồng hành, trở thành vũ khí sắc bén để vun đắp và duy trì sự phát triển cả về đời sống văn hóa vật chất lẫn tinh thần của người dân Việt Nam.
Đạt được thành quả tốt đẹp này có phần công lao đóng góp của nhiều thế hệ nghệ sĩ, soạn giả, nhạc sĩ, đạo diễn, họa sĩ tài năng của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1975 - 2025. Họ đã sáng tạo ra những vở tuồng Cải lương “bất hủ”, những vai diễn mẫu mực “để đời”, được giới mộ điệu Cải lương tôn tặng những danh xưng, mỹ hiệu đáng quý.
Một công trình ý nghĩa
Sách chuyên khảo “Sân khấu Cải lương Thành phố Hồ Chí Minh 1975 - 2025” là công trình trọng điểm của Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh thiết thực chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt là Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và Kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025).
Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: “Đây là một công trình tập thể, là tâm huyết của cả một đời nghệ sĩ, của những người làm nghề và yêu nghề. Quyển sách tập hợp các bài viết ghi nhận theo giai đoạn: từ giai đoạn phát triển phồn thịnh (1975 - 1990) sang giai đoạn khó khăn (1990 - 2010), sau đó dần thích ứng và tìm hướng đi mới. Người đọc có thể nắm được từ những vấn đề khái quát đến các thành phần đóng góp quan trọng vào sự phát triển của sân khấu Cải lương giai đoạn này. Chúng tôi mong muốn ghi lại một cách kịp thời những dấu mốc, những đóng góp thầm lặng lẫn vang dội của các thế hệ nghệ sĩ sân khấu Cải lương ở Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh, để thế hệ mai sau có thể kế thừa và phát triển”.

Các thành viên Ban biên tập sách tại buổi giao lưu ra mắt ấn phẩm.
Phát biểu tại sự kiện, NSND Trần Minh Ngọc - đồng Chủ biên ấn phẩm bày tỏ: “Không chỉ là tư liệu quý giá, quyển sách còn là đời sống của nghệ thuật Cải lương, được kể bằng cảm xúc, sự gắn bó của rất nhiều thế hệ nghệ sĩ Cải lương ở Việt Nam và ở các quốc gia khác trên thế giới”.
Theo tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, cuốn sách mở ra một giai đoạn mới để nhìn nhận và nghiên cứu sân khấu Cải lương trong bối cảnh công nghiệp văn hóa và sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Bà bày tỏ: “Chúng ta cần đào tạo đội ngũ có tư duy sáng tạo mới, biết ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại nhằm nâng tầm Cải lương, để loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống này có thể vươn ra thế giới”.
Trong khuôn khổ quyển sách, Ban biên tập sách giới thiệu 81 bài viết được chia thành 4 phần nội dung nổi bật: Đầu tiên là Sân khấu Cải lương Thành phố Hồ Chí Minh - nhìn lại một chặng đường; Phần nội dung thứ hai là Nghệ thuật dàn dựng và biểu diễn; Điểm nhấn thứ ba là Thành phần sáng tạo trong sân khấu Cải lương; Phần cuối là Nghệ sĩ và bài học quý trong diễn xuất của 17 tác giả là những đạo diễn, nghệ sĩ, nhà báo và chuyên gia nghiên cứu về sân khấu Cải lương - những người luôn đồng hành và tâm huyết cùng sân khấu Cải lương ở Thành phố Hồ Chí Minh qua nhiều giai đoạn.
Độc giả cảm nhận
Với quyển sách, không chỉ tạo cho người đọc những cảm xúc thú vị khi đề cập đến những vai diễn mẫu mực của các nghệ sĩ tài danh sân khấu Cải lương, nhắc nhớ khoảnh khắc thăng hoa khi họ hóa thân trên sân khấu…; mà còn gợi ý cho độc giả hiểu sâu hơn về cuộc sống, về niềm đam mê và quá trình lao động nghệ thuật để có được những giây phút ngẫu hứng “xuất thần” của các nghệ sĩ sân khấu Cải lương.
Thạc sĩ Hoàng Sơn Giang (Nghiên cứu sinh Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh) - người thực hiện nhiều bài viết, đề tài nghiên cứu về sân khấu Cải lương cảm nhận: “Ban biên tập chỉn chu trong việc chọn lựa nội dung cần khai thác, các nhân vật điển hình và cách sắp xếp cấu trúc nội dung theo từng phần, mục rõ ràng, mạch lạc… giúp người đọc dễ dàng tiếp nhận và hình dung được hoạt động sân khấu Cải lương Thành phố Hồ Chí Minh suốt 50 năm qua”.

Bìa quyển sách chuyên khảo “Sân khấu Cải lương Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1975 - 2025”.
Bạn Nguyễn Trọng Quốc (Sinh viên Trường Đại học Khoa học và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh) thổ lộ: “Công trình hết sức ý nghĩa và rất cần thiết trong thời điểm này. Quyển sách đã góp phần giúp thế hệ “gen Z” chúng em có thể nghiên cứu và hiểu thấu đáo hơn về loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống đặc sắc của Việt Nam nói chung và miền Nam nói riêng - sân khấu Cải lương”.
Bạn Lê Anh Khôi (Học viên Cao học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh) bộc bạch: “Từ xưa đến nay chưa có công trình nào tổ chức giới thiệu, tôn vinh những gương mặt tiêu biểu của nghệ thuật sân khấu Cải lương qua nhiều thế hệ như công trình này. Do đó, quyển sách chuyên khảo của Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh xứng đáng được các thành phần xã hội, giới hoạt động sân khấu và khán giả, trong đó có em trân trọng và tôn vinh”.
Dẫu cho quyển sách “Sân khấu Cải lương Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1975 - 2025” không thể phản ánh hết mọi vấn đề của sân khấu Cải lương; chưa giới thiệu hoàn toàn cuộc đời, sự nghiệp cùng với những chí hướng lớn lao của các bậc tiền bối đã tiên phong sáng tạo, truyền dạy và phổ biến loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống độc đáo của vùng đất phương Nam; Thế nhưng, bằng tất cả tình yêu dành cho sân khấu Cải lương và tâm huyết của Ban biên tập, quyển sách đã giúp độc giả gần xa hiểu hơn, yêu quý và trân trọng hơn loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống giàu bản sắc của vùng đồng bằng Nam Bộ.
Buổi giao lưu ra mắt ấn phẩm sách chuyên khảo về Cải lương của Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh đã để lại ấn tượng khó quên với người tham dự. Ấn phẩm trên chẳng những tri ân, lưu giữ ký ức, định hình phương hướng phát triển, lan tỏa giá trị nghề nghiệp, truyền cảm hứng nhập cuộc cho thế hệ hôm nay; mà còn làm cho những nghệ sĩ tiền bối của nghệ thuật sân khấu Cải lương yên tâm, mỉm cười hạnh phúc và tự hào vì sự trưởng thành của thế hệ tiếp nối biết trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị của sân khấu Cải lương.