Ẩn số gạo và tôm
Trong khi dư âm của thành tích xuất khẩu trong năm 2024 ngoài mong đợi của ngành tôm và lúa gạo vẫn còn lắng đọng đâu đó trên các báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh thì những khó khăn, thách thức cho một năm mới cũng bắt đầu ve vãn 2 ngành hàng tỷ đô này. Đó cũng là lý do vì sao khi được hỏi về triển vọng xuất khẩu trong năm 2025, hầu hết các doanh nghiệp của 2 ngành hàng trên đều cho rằng, sớm nhất phải đến sau tết Nguyên đán mới có thể nhận định một cách chính xác hơn về cung - cầu của 2 ngành hàng này.
Năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt kỷ lục 5,75 tỷ USD, tăng 12% về lượng và 23% giá trị so với năm 2023, với mức giá xuất khẩu bình quân là 627 USD/tấn. Giá xuất khẩu gạo cao kéo theo giá lúa trong nước tăng mạnh trong gần suốt cả năm, giúp cả nông dân trồng lúa lẫn doanh nghiệp xuất khẩu gạo có năm thứ 3 liên tiếp có được lợi nhuận cao. Tuy nhiên, khi các con số thành tích sản xuất và xuất khẩu năm 2024 còn chưa khép lại thì những khó khăn, thách thức cho ngành hàng lúa gạo đã bắt đầu mở ra bằng chuỗi ngày giảm giá lúa trong nước từ 12/12/2024 và giá gạo trên thị trường xuất khẩu.
Sau khi tăng mạnh gần suốt cả năm, từ hơn 1 tháng nay, giá gạo xuất khẩu bắt đầu chu kỳ giảm giá mới. Từ mức trên 600 USD/tấn, gạo trắng 5% tấm của Việt Nam hiện chỉ còn giao dịch quanh mức 434 USD/tấn nhưng cũng rất khó tìm được đơn hàng. Việc giá gạo quay đầu giảm được các doanh nghiệp nhìn nhận là không có gì bất thường bởi theo quy luật cung - cầu, khi sản lượng gạo thế giới dồi dào và nhu cầu nhập khẩu gạo không còn cao, tất yếu giá sẽ giảm. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, các hoạt động giao dịch gạo thế giới gần đây khá ảm đạm do nhu cầu nhập khẩu yếu, trong khi nguồn cung lại khá dồi dào, nhất là từ Ấn Độ. Việc thiếu đơn hàng, cộng thêm giá xuất khẩu giảm mạnh khiến doanh nghiệp chùn tay, không dám mua vào, mà đa số đều chọn giải pháp tạm ngưng giao dịch, chờ tín hiệu thị trường sau Tết mới đưa ra quyết định chính thức.
Việc giá lúa gạo giảm mạnh trong thời gian gần đây hầu như ai cũng biết, nhưng liệu giá lúa gạo có phục hồi dịp sau tết Nguyên đán và xuất khẩu gạo trong năm 2025 có được thuận lợi như năm 2024 hay không mới là điều người trồng lúa và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Theo nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo năm 2025 sẽ khó khăn hơn, giá gạo xuất khẩu cũng như giá lúa trong nước cũng khó có thể giữ được mặt bằng giá bình quân như ở năm 2024, do gạo Ấn Độ đã chính thức quay lại thị trường xuất khẩu với mùa vụ thu hoạch được dự báo là bội thu. Trong khi đó, nhu cầu từ các quốc gia nhập khẩu gạo số lượng lớn của Việt Nam như: Philippines, Indonesia, Trung Quốc… đều chưa có tín hiệu rõ ràng gì trong niên vụ mới này.
Đối với ngành hàng tôm, tuy đến thời điểm này, giá tôm trong nước vẫn còn giữ được ở mức khá cao, nhất là tôm cỡ lớn, nhưng theo các doanh nghiệp, tình hình xuất khẩu trong năm 2025 vẫn chưa có gì là sáng sủa, giá tôm ở một số thị trường lớn vẫn chỉ quanh quẩn mức trung bình khá. Trong khi đó, sau thời gian thiếu hụt tôm nguyên liệu, đẩy giá tăng cao, nhiều vùng nuôi đã tiến hành thả giống sớm để đón đầu nhu cầu tôm nguyên liệu của các nhà máy trong quý I/2025. Tuy nhiên, diễn biến thời tiết, tình hình thả nuôi gần đây cho thấy, để có vụ nuôi thành công đầu tiên trong năm 2025 này là điều không dễ dàng chút nào. Theo tìm hiểu của người viết, tuy dịch bệnh EHP xuất hiện không nhiều như ở cùng kỳ, nhưng người nuôi vẫn phải đối diện với những rủi ro đến từ độ mặn thấp, mưa trái mùa, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn… đặc biệt là bệnh đốm trắng đã bắt đầu xuất hiện tại không ít vùng nuôi.
Bên cạnh diễn biến vụ nuôi chưa mấy thuận lợi, theo các doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu vẫn chưa cho thấy dấu hiệu lạc quan đáng kể nào, nên có thể nói, cơ hội để ngành tôm bứt phá trong năm 2025 đến giờ này vẫn chưa rõ ràng. Hiện, các đơn hàng giao trong quý I/2025 phần lớn là hợp đồng đều được doanh nghiệp ký kết từ cuối quý III, đến đầu quý IV/2024, với mức giá được cho là không cao như kỳ vọng. Do đó, chỉ cần vụ nuôi đầu tiên gặp bất lợi là sẽ có nhiều doanh nghiệp gặp khó về nguồn cung cũng như giá tôm nguyên liệu, bởi đến giờ phút này, nguồn tôm nguyên liệu dự trữ của hầu hết doanh nghiệp gần như không còn, hoặc chỉ còn số lượng rất thấp. Tuy nhiên, các hợp đồng giao quý I thường có số lượng không lớn, nên việc cân đối nguồn tôm nguyên liệu đối với doanh nghiệp cũng không quá áp lực như lúc cao điểm. Thông thường, phải từ gần cuối tháng 3 trở đi, doanh nghiệp mới chính thức ký kết các hợp đồng chủ lực mang tính quyết định cho cả năm.
Vẫn chưa thể nói trước được điều gì về xuất khẩu gạo và tôm năm 2025, nhưng theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, mặc dù Ấn Độ đã quay trở lại với thị trường xuất khẩu gạo và phần nào tác động đến giá gạo thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng nhưng thị trường xuất khẩu gạo vẫn còn rộng mở, nên xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn sẽ tìm được thị trường có lợi nhất cho riêng mình. Tương tự, con tôm cũng vậy, tuy vẫn phải cạnh tranh gay gắt với các nước, nhưng với lợi thế sản phẩm chế biến sâu đã khẳng định được uy tín tại các thị trường lớn, cùng với bản lĩnh, kinh nghiệm dày dặn của doanh nghiệp chắc chắn sẽ giữ được vị thế và kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024.
Ẩn số gạo và tôm rồi cũng sẽ có lời giải để tiếp thêm sức mạnh và niềm tin của tất cả các bên liên quan trong chuỗi 2 ngành hàng trên, về một niên vụ mới thành công như kỳ vọng.
Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/202501/an-so-gao-va-tom-70541da/