Để tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do

Lâm Đồng, với mục tiêu tăng cường xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, đang nỗ lực tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA ) đã được Chính phủ Việt Nam ký kết với các đối tác. Thành công bước đầu đã có nhưng vẫn cần những sự cố gắng hết sức của chính quyền và doanh nghiệp.

Sợi len lông cừu phục vụ xuất khẩu sang thị trường châu Âu

Sợi len lông cừu phục vụ xuất khẩu sang thị trường châu Âu

FTA HỖ TRỢ XUẤT KHẨU

Việt Nam hiện đang có các Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện RCEP… Ngày 28/10, Việt Nam và UAE đã ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA), thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa hai nước. Đây là hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam với một nước Arab.

Năm 2024, Lâm Đồng xuất khẩu đạt 985 triệu USD, nhập khẩu 247 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu sang các nước CPTPP là 228 triệu USD, nhập khẩu 32 triệu USD. Với các nước trong Hiệp định EVFTA, Lâm Đồng xuất khẩu 57 triệu USD, nhập khẩu 66 triệu USD… Các nước có quan hệ xuất - nhập khẩu của Lâm Đồng hầu hết nằm trong khu vực Việt Nam đã ký các FTA, tạo điều kiện cho hàng hóa Lâm Đồng mở cửa ra các thị trường.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, Lâm Đồng đã cập nhật và dịch 342 tin cảnh báo hàng rào kĩ thuật trong thương mại của các quốc gia; chủ yếu về các hàng rào kỹ thuật trong thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, thiết bị y tế… Phân tích, đánh giá, định hướng chuyên sâu về thị trường các nước Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký, chủ yếu là sáu mặt hàng chủ lực của Lâm Đồng gồm: cà phê, trà, rau, củ, quả, dệt may, sầu riêng, tơ lụa.

Lâm Đồng hỗ trợ kinh phí cho 21 doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng các hệ thống quản lý như: ISO 22000, HACCP… và 11 doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn, hợp quy với số tiền xấp xỉ 2 tỷ đồng.

Theo đánh giá, các chương trình, kế hoạch, hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua được triển khai đa dạng về nội dung, hình thức, kịp thời cung cấp, định hướng thông tin để doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi trong cam kết quốc tế và có biện pháp tích cực, chủ động phòng tránh các hàng rào trong thương mại, quảng bá, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục duy trì và không ngừng mở rộng các mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với các địa phương, đối tác nước ngoài, tiếp tục tìm kiếm các đối tác mới. Sở Công thương đã triển khai cung cấp thông tin, hướng dẫn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về các nội dung cam kết, các vấn đề có liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia. Các sở, ngành chủ động phối hợp với bộ, ngành quản lý các thương vụ, tham tán thương mại Việt Nam tại các nước để tiếp nhận thông tin về tình hình thị trường, việc áp dụng các rào cản kỹ thuật trong thương mại phổ biến kịp thời đến các doanh nghiệp để ứng phó và hạn chế rủi ro, tổn thất.

CẦN TẬN DỤNG LỢI THẾ TỪ CÁC FTA

Ông Nguyễn Văn Bảo - Phó Tổng Giám đốc Công ty Dalat Hasfarm, doanh nghiệp xuất khẩu hoa lớn nhất Việt Nam cho biết, việc ký kết các FTA tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam chịu sức ép rất lớn từ các thị trường các nước, chủ yếu là các rào cản về kỹ thuật. Theo ông Bảo, các quốc gia thay đổi rào cản kỹ thuật theo chiều hướng ngày càng khó khăn, khiến doanh nghiệp Việt phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khác biệt. Ông Nguyễn Văn Bảo hy vọng, các thông tin về rào cản kỹ thuật có thể nhanh chóng được đưa tới các doanh nghiệp với thời gian sớm nhất, giúp các doanh nghiệp điều chỉnh hướng sản xuất, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của khách hàng, tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Trên thực tế, UBND tỉnh Lâm Đồng thẳng thắn đánh giá, mặc dù thông tin chung về các Hiệp định thương mại tự do và hội nhập quốc tế được tổng hợp trong đó đầy đủ, phổ biến kịp thời, đa dạng về phương thức nhưng thông tin cụ thể, chuyên sâu cho từng nhóm đối tượng, từng ngành hàng chưa nhiều.

Mặc dù, hàng năm Lâm Đồng tổ chức các lớp tập huấn, thông tin về các quy định của FTA nhưng đa số chủ doanh nghiệp chưa quan tâm, coi trọng nội dung này. Đội ngũ công chức, viên chức tham mưu công tác hội nhập quốc tế chưa được đào tạo kỹ năng chuyên sâu để tiếp cận nguồn thông tin từ các FTA nhằm khai thác, đánh giá, phân tích, tham mưu, cung cấp thông tin hỗ trợ doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp ở Lâm Đồng do năng lực tài chính hạn chế, chủ yếu chỉ tập trung cho khâu sản xuất; các thủ tục pháp lý của doanh nghiệp còn chưa được hoàn thiện, dẫn đến không đủ điều kiện để tiếp cận nguồn hỗ trợ từ cơ quan nhà nước.

Đồng thời, doanh nghiệp gặp khó khăn trong đầu tư mở rộng sản xuất, việc tham gia các chương trình xúc tiến thương mại ở nước ngoài còn hạn chế.

Lâm Đồng đang cần được hỗ trợ kịp thời thông tin thị trường ngành hàng; các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về hội nhập kinh tế như: Hướng dẫn nâng cao hiểu biết chuyên sâu cho doanh nghiệp trong việc tận dụng được các FTA như quy tắc xuất xứ, vệ sinh kiểm dịch, rào cản kỹ thuật, cách thức điều chỉnh chiến lược kinh doanh.., năng lực pháp lý, cạnh tranh của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202501/de-tan-dung-loi-the-tu-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-5c961a5/