Ăn thuần chay - Từ tình thương đến sức khỏe
Những năm gần đây, nhiều người, nhất là người trẻ tìm đến chế độ ăn thuần chay để cải thiện lối sống theo hướng tích cực. Sử dụng thực phẩm thuần chay còn được coi là xu hướng ăn uống hiện đại, giúp bảo vệ sức khỏe từ trong thân và tâm.
Thuần chay để tâm an
Khác với chế độ ăn chay hay trường chay vì tôn giáo, tín ngưỡng, ăn thuần chay chỉ sử dụng thực phẩm có nguồn gốc thực vật và chế biến đơn giản bằng cách hấp, luộc. Dù vậy, người ăn thuần chay cũng có mục đích hướng tới cái thiện, tránh sát sanh để tâm an tĩnh. Anh Nguyễn Văn Nghĩa (xã Long Khê, huyện Cần Đước) chia sẻ: “2 năm trước, tôi biết đến thuần chay và bắt đầu ăn theo chế độ này vì không muốn ăn các thực phẩm từ động vật. Tôi tôn trọng sự lựa chọn của mọi người. Tôi không phê phán những chế độ ăn khác nhưng để nuôi dưỡng tình thương muôn loài, tôi chọn ăn thuần chay”.
Nhiều người lựa chọn thuần chay với lý do không muốn tiêu thụ các sản phẩm liên quan đến hoạt động giết mổ động vật. Dù vậy, người ăn thuần chay lành mạnh không bài trừ những ai có lựa chọn khác mình. Mọi người đều tôn trọng nếp sống, cách nghĩ, cách nhìn của nhau. Vì cốt lõi của tình thương là chuyển hóa tâm chứ không phải là ăn gì.
Theo quan niệm của nhiều người ăn thuần chay, thịt và máu động vật có chứa nhiều chất kích thích hơn các loại rau, củ, thảo mộc. Khi con người ăn vào sẽ khiến cho tâm tình dễ bị kích động. Ngược lại, ăn thuần chay sẽ giúp tính tình hiền lành, tâm hồn vui vẻ và thoải mái. “Ăn thuần chay không chỉ nuôi dưỡng cơ thể bằng những bữa ăn thanh đạm mà còn nuôi dưỡng tâm hồn bằng lòng từ bi.
Ăn thuần chay đúng cách không chỉ giúp chăm sóc sức khỏe mà còn bảo vệ môi trường và cuộc sống của những sinh vật khác” - anh Nguyễn Nguyên Minh Đức (xã Long Hiệp, huyện Bến Lức) bày tỏ.
Nắm bắt được xu hướng và tâm lý này, các nhà hàng chuyên về thịt, hải sản cũng thêm vào thực đơn nhiều món ăn thuần chay để thực khách lựa chọn khi đi cùng nhóm bạn. Qua đây, có thể thấy xu hướng sử dụng thực phẩm thuần chay không chỉ lan tỏa rộng rãi mà còn hòa hợp được với chế độ ăn khác.
Thời gian đầu ăn thuần chay, người ăn cần biết cách cân bằng chất. Thay đổi đột ngột giữa ăn mặn - ăn thuần chay sẽ làm cơ thể mệt mỏi, mất sức do không thích nghi kịp. Ăn thuần chay là tốt nhưng không nên quá cực đoan. Người ăn thuần chay phải đặt sức khỏe cơ thể lên trước để sức khỏe tinh thần được nuôi dưỡng sâu, rộng.
Thuần chay cho thân lạc
Trong đại dịch Covid-19, chị Nguyễn Thị Thùy Trang (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức) chỉ ăn cơm cùng rau xanh trồng trong vườn nhà. Chị Trang chỉ nghĩ ăn cho có sức vượt qua giai đoạn cả nước đang gặp khó khăn nhưng chị lại nhận được kết quả bất ngờ khi tái khám bệnh. Chị Trang cho biết: “Bác sĩ nói bệnh về đường tiêu hóa và máu nhiễm mỡ của tôi được cải thiện nhiều. Sau khi nghe tôi kể về các bữa cơm rau, bác sĩ khuyến khích tôi duy trì nếu muốn. Tôi đã tìm hiểu và ăn thuần chay được 3 năm rồi".
Người ăn thuần chay phải loại bỏ thực phẩm, chế phẩm liên quan đến động vật như thịt, cá, gia cầm, trứng, sữa, mật ong,... Đây đều là những thực phẩm chứa các chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, chỉ cần tìm hiểu các loại thực phẩm thích hợp thì ăn thuần chay vẫn bảo đảm đủ chất dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe như nhiều phương pháp ăn uống khác. Hoặc lựa chọn ăn thuần chay theo từng kỳ, xen kẽ giữa ăn thịt và ăn thuần chay để dễ dàng bổ sung chất cho cơ thể.
Ăn thuần chay thường ưu tiên chế biến thức ăn theo cách đơn giản như hấp, luộc, trộn. Các món chiên, xào hay nêm nếm, tẩm ướp nhiều gia vị không được khuyến khích. Nhờ vậy, giúp cơ thể phòng ngừa các bệnh lý về tiêu hóa, tim mạch, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, điều hòa huyết áp. Nhiều người muốn giảm cân hay cải thiện tình trạng mụn, viêm trên da cũng tìm đến chế độ ăn này.
Để ăn thuần chay không thiếu chất, người ăn chọn thực phẩm phù hợp với sức khỏe. Thức ăn cần đáp ứng các nhóm chất cần thiết, gồm: Protein (các loại đậu, nấm, hạt khô), canxi (các loại hạt, sữa đậu nành, rau màu xanh đậm), sắt (ngũ cốc, quả ô-liu, đậu). Chất béo cũng rất quan trọng, người ăn thuần chay bổ sung chất béo lành mạnh có trong dầu thực vật, hạnh nhân, quả bơ,... Ăn thuần chay một cách khoa học, không nên ăn quá nhiều thực phẩm thuộc nhóm chất nào. Nếu không chú ý, dễ bị mất cân bằng chất làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chị Lê Thị Ngọc Hiền (xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa) chia sẻ: “Tôi ăn thuần chay được 14 năm. Ban đầu, tôi ăn vài ngày trong tháng để cơ thể thích nghi với chế độ ăn mới. Khi đã quen, tôi chuyển hẳn sang ăn thuần chay. Những ngày tập làm quen, tôi tìm hiểu về các chất trong mỗi loại thức ăn, sau đó lên thực đơn chi tiết. Tôi biết ăn nhiều rau xanh quá cũng không tốt, phải hiểu cơ thể mình cần gì. Cũng nhờ ăn uống hợp lý, khoa học mà da dẻ, sức khỏe của tôi rất tốt”.
Những năm gần đây, xu hướng sử dụng thực phẩm thuần chay trở nên phổ biến. Các loại thực phẩm thuần chay khá đa dạng. Ngoài các loại rau, củ, quả, đậu hũ,... người ăn thuần chay dễ dàng tìm thấy xúc xích, chả, nem, pa-tê, ruốc,... tại các cửa hàng bán thực phẩm chay.
Chủ Cửa hàng thực phẩm chay Nhà may Vân (phường 3, TP.Tân An) - Nguyễn Minh Trường cho biết: “Ngày trước, khách mua hàng chủ yếu là cô chú lớn tuổi, họ ăn chay vì tôn giáo. Từ khoảng 2-3 năm gần đây, tôi gặp nhiều người trẻ đến mua hàng và đặt món hơn. Tôi được biết họ ăn thuần chay để tốt cho sức khỏe. Thực phẩm thuần chay có rất nhiều món, hương vị phong phú. Món nào người ăn mặn có là người ăn thuần chay cũng có”.
Sử dụng thực phẩm thuần chay mang lại nhiều lợi ích, quan trọng nhất là phải biết cách cân bằng để cơ thể đủ dưỡng chất./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/an-thuan-chay-tu-tinh-thuong-den-suc-khoe-a176893.html