Ăn thực phẩm hấp bia, ướp rượu có bị thổi phạt nồng độ cồn không?
Nhiều thực phẩm được cho thêm gia vị là rượu, bia để tăng độ thơm ngon nhưng người ăn lo ngại sẽ bị thổi phạt nồng độ cồn sau khi dùng bữa.
Ngày Tết, ngoài các món ăn chiên rán, tôi thường hấp bia với hải sản như mực, tôm, cá hoặc hầm gà với rượu vang. Nhiều người trong gia đình ăn nhưng lo ngại có thể vi phạm nồng độ cồn nếu tham gia giao thông. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi! (Vũ Thanh Hòa - Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng, Hà Nội tư vấn:
Ngày Tết, các gia đình quây quần không thể thiếu những món ăn ngon. Ngoài các món cổ truyền như thịt đông, giò chả, bánh chưng, thịt kho tàu… nhiều người có các lựa chọn khác để thay đổi thực đơn ngày Tết. Trong đó, các món hấp như cá, tôm, mực khá phổ biến. Người nội trợ thường cho thêm bia để tăng độ thơm ngon của thành phẩm.
Ngoài ra, nhiều món cũng dùng rượu mạnh, rượu vang để chế biến như món gà, chân giò hầm rượu. Khi chín, nồng độ cồn trong món ăn vẫn còn nhưng không đáng kể. Khoảng 30 phút sau khi ăn hoặc khi uống nhiều nước lọc, cơ thể sẽ đào thải hết cồn.
Hiện nay, chúng ta không thể tính toán tuyệt đối bao nhiều lâu sau khi ăn thực phẩm chứa cồn, uống rượu bia sẽ hết cồn trong hơi thở, máu vì hàm lượng này tùy vào cơ thể mỗi người và cách ăn uống. Ví dụ, có người ăn rất nhiều rồi mới uống bia. Khi đó, bia được hấp thu 20% ở dạ dày và 80% ở ruột non. Khi dạ dày chứa nhiều thức ăn thì tốc độ hấp thu của dạ dày sẽ chậm và tốc độ thải trừ cồn cũng sẽ chậm theo.
Theo quy định, khi bạn lái xe tham gia giao thông, nồng độ cồn phải bằng 0. Nếu bạn ăn thực phẩm hấp bia, rượu và lực lượng chức năng thổi nồng độ cồn, bạn có thể xin thổi lại sau 15 phút nghỉ ngơi, uống thêm nước.