Ăn tiết canh, rau sống, sán có thể theo máu lên não
Tiết canh, nem chạo, rau sống… là món ăn được nhiều người yêu thích, tuy nhiên chúng có thể trở thành nguyên nhân gây sán não.
Không thể nghĩ đau đầu do... sán
Hiện đang điều trị sán não tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương), anh P.V.Đ (SN 1979, trú Hà Nam) chia sẻ, do liên tục đau đầu, suốt gần 2 năm qua, anh đi khám tới 20 bệnh viện, tốn không biết bao nhiều tiền bạc và thời gian nhưng không tìm được nguyên nhân.
Đi khám nhiều nơi, bác sĩ cũng không tìm ra bệnh và chỉ kê cho anh Đ thuốc giảm đau. Tuy nhiên, cứ dùng hết thuốc, đầu anh Đ lại đau như búa bổ, xuất hiện cả cảm giác hoa mắt, mờ mắt.
Chỉ đến khi tìm đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, làm các xét nghiệm, chụp MRI anh Đ mới được bác sĩ chẩn đoán nhiễm sán não, chỉ định điều trị nội trú. “Qua phân tích của các bác sĩ, có lẽ chính sở thích ăn các món tái, gỏi, tiết canh khiến tôi mắc sán não”, anh Đ nói.
Cũng tại đây, nam thanh niên tên B.V.Đ (SN 1992, quê Bắc Giang) trong cảnh ngộ tương tự. Anh V.Đ cho biết, cách đây 4 tháng anh thường xuyên thấy đau đầu, nhìn mờ. Tìm đến nhiều bệnh viện chiếu chụp, xét nghiệm đủ cả cũng không ra bệnh. “Vô tình một lần đến một phòng khám tư gần nhà mua thuốc đau đầu, sau khi nghe tôi mô tả dấu hiệu bệnh, bác sĩ ở đó khuyên tôi đi kiểm tra ký sinh trùng” anh V.Đ cho hay.
Tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, bác sĩ đã phát hiện có nhiều ổ sán đóng kén trong não anh Đ. Nhập viện điều trị, sau khi uống thuốc hết đợt 1, anh đã không còn triệu chứng đau đầu.
Không có thói quen ăn tiết canh hay thịt sống như nhiều bệnh nhân mắc sán não cùng điều trị tại đây, nhưng anh V.Đ cho hay, anh thường xuyên ăn rau sống, có thể qua đó vô tình đưa sán vào cơ thể và theo đường máu lên não.
Nặng nề hơn là trường hợp ông L.V.B (SN 1955, ở Thanh Hóa) bị tái sán não, nhập viện trong tình trạng không thể tự đi. Sau đợt điều trị, sức khỏe ông B cũng ổn định hơn. Tuy nhiên, hệ lụy của sán não khiến ông nói khó, nói chậm và không thể nói chuyện lâu.
Người nhà ông B thông tin, năm 2013 ông B thường xuyên có triệu chứng đau đầu, kèm theo các nốt cục nổi trên da. Cơn đau đầu rầm rộ, nhiều lần khiến ông ngã vật ra nhà, sùi bọt mép, co giật. Khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, kết quả phim chụp hiển thị hàng chục điểm sán rải rác quanh não, ông B được chuyển lên Bệnh viện Đặng Văn Ngữ. Người nhà ông B chia sẻ thêm, trước đây ông B rất khoái khẩu món lòng lợn, tiết canh.
Đáng tiếc, sau đợt điều trị năm 2013, tưởng đã “chia tay” với sán não, không ngờ mới đây ông bị tái phát, buộc phải quay lại điều trị tại đây.
Cần thay đổi thói quen ăn uống
BS Đặng Thị Thanh, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ chia sẻ, thời gian qua, số bệnh nhân tới khám sán não ngày càng tăng hơn… Đáng nói, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ thói quen tai hại không ăn chín, uống không sôi.
“
Người dân cần thực hiện ăn chính uống sôi, không nên ăn tiết canh, thịt lợn tái, nội tạng không bảo đảm, không rõ nguồn gốc để hạn chế nhiễm các loại ký sinh. Với các loại rau sống, cần rửa trực tiếp dưới vòi nước để trôi trứng giun, sán bám trên lá rau. Người lớn, trẻ nhỏ cần tẩy giun định kỳ 6 tháng đến một năm một lần.
BS Nguyễn Thị Duyên, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ
”
BS Thanh cho biết, người bệnh đến bệnh viện thường trong tình trạng đau đầu mãi không khỏi, không tìm ra nguyên nhân, có sán cơ là các nốt phỏng trên da; một số có co giật, sùi bọt mép nên thường nhầm với thăm khám và điều trị tâm thần.
Hoặc với những triệu chứng lâm sàng như đau đầu, co giật, bất tỉnh… cũng có thể bị nhầm với một số bệnh lý khác như u não, tai biến mạch máu não, viêm màng não và đột quỵ…
Theo BS, sán não là cách gọi hiện tượng sán dây lợn xâm nhập và làm tổ trong não.
Người nhiễm sán não thường là người có thói quen ăn thịt sống, nem chạo, thịt tái, tiết canh… Song một số trường hợp cũng không xác định được vì sao nhiễm sán, vì bệnh nhân không ăn các món trên.
Các bác sĩ đều nghi ngờ có thể do bệnh nhân ăn các loại rau sống nhiễm sán từ chất thải của lợn hoặc do nguồn nước bị nhiễm bẩn dùng tưới rau.
Sán não nguy hiểm bởi vì nó gây tổn thương não, suy giảm trí nhớ, co giật. Những cơn co giật không báo trước, nếu người bệnh đang đi làm hoặc tham gia giao thông sẽ rất nguy hiểm. Khi xác định đúng sán não, bệnh nhân sẽ được điều trị theo phác đồ và theo dõi đánh giá. Bệnh nhân cũng được khuyến cáo tái khám thường xuyên.
Chia sẻ thêm về điều trị căn bệnh này, BS Nguyễn Thị Duyên, Khoa Khám bệnh cho biết, phần lớn bệnh nhân được chỉ định điều trị nội khoa.
Trong quá trình sử dụng phác đồ điều trị nang sán, các bác sĩ sẽ đánh giá kết quả và tiếp tục chẩn đoán. Nếu các nang sán giảm, người bệnh tiếp tục phác đồ điều trị nội khoa. Một liệu trình điều trị gồm ba đợt uống thuốc, mỗi đợt khoảng 30 ngày theo phác đồ mới của Bộ Y tế. Người bệnh sẽ nằm viện theo dõi trong hơn 10 ngày đầu. Nếu ổn định sẽ được cấp thuốc về nhà và tái khám sau một tháng.
Theo BS, có bệnh nhân sau khi điều trị sẽ khỏi hoàn toàn, phim chụp não không còn những hình ảnh tổn thương tuy nhiên vẫn có khả năng tái lại, nếu bệnh nhân không thay đổi thói quen ăn uống đồ sống, tái.