Ân tình tháng Bảy
Tháng Bảy với bạn có gì để nhớ? Với tôi, tháng Bảy luôn dệt nhớ dệt thương theo năm tháng cùng những ân tình trân quý.
Hà Nội trong tôi
Dẫu chiến tranh đã lùi xa, nhưng bao thế hệ vẫn rưng rưng nghẹn ngào khi ca từ những bài hát tri ân các anh hùng liệt sĩ vang lên. Vâng, chúng sẽ mãi nhớ về thế hệ đi trước đã cống hiến tuổi xuân để chúng ta có ngày hôm nay.
Mỗi khi những vạt nắng, giọt mưa tháng Bảy về trên phố, tôi lại bồi hồi nhớ về những anh hùng liệt sĩ, thương binh đã hy sinh thân mình cho Tổ quốc thân yêu, trong đó có người chú ruột của mình. Chú của tôi hy sinh trong một trận chiến khốc liệt tại chiến khu D. Tấm bằng Tổ quốc ghi công vẫn còn đây, những lá thư nhuốm màu thời gian với nét chữ rắn rỏi vẫn còn đây... Nhưng chú đã mãi nằm trong lòng đất mẹ cùng đồng đội. Gia đình tôi đã nhiều lần tìm mộ bằng mọi cách, nhưng vẫn chưa đón được chú về quê hương. Bố của tôi ngậm ngùi nói: “thôi con ạ, có lẽ, chú muốn ở lại chiến trường xưa cùng đồng đội. Đâu cũng là đất mẹ mà con”.
Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ra mắt Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ. Theo số liệu thống kê từ Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng), trải qua các thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, cả nước có hơn 1,2 triệu liệt sĩ đã anh dũng hy sinh. Hiện nay, còn rất nhiều gia đình liệt sĩ vẫn chưa tìm thấy phần mộ của người thân. Sau nhiều năm tìm kiếm, quy tập, 900.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập, trong đó có tới hơn 300.000 ngôi mộ chưa xác định được thông tin.
Khi nhận được thông tin này, tôi liền thông báo với bố mẹ của mình. Và... tôi nhận thấy, ánh mắt của ông bà lóe lên niềm hy vọng. Việc xây dựng “Ngân hàng Gen” liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ không chỉ thắp sáng hy vọng cho hơn 300.000 gia đình người có công mà còn là niềm mong mỏi của toàn Đảng, của Nhân dân cả nước vào một tương lai tươi sáng. Đến một lúc nào đó, tất cả các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc sẽ được quy tập và xác định được danh tính.
Tháng Bảy đến, khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc, các hoạt động tri ân người có công với Tổ quốc lại được các cấp, các ngành, Nhân dân đồng lòng tổ chức. Từ nhiều năm qua, cứ vào tháng Bảy, Báo Kinh tế và Đô thị và Báo Quảng Trị lại cùng đồng hành tổ chức chương trình “Nghĩa tình tháng Bảy”. Đúng như tên gọi, chương trình đã lan tỏa lòng nhân ái, nhận được sự hỗ trợ của nhiều đơn vị, cá nhân, tổ chức DN.
Vừa qua, đoàn công tác của Báo Kinh tế và Đô thị cùng Báo Quảng Trị đã tổ chức chương trình “Nghĩa tình tháng Bảy” tại huyện Hải Lăng và huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Tại đây, chương trình đã trao nhiều món quà ý nghĩa tới các gia đình chính sách với tổng giá trị hơn 500 triệu đồng. Chương trình đã thể hiện trách nhiệm của cơ quan báo chí, DN, các tổ chức, cá nhân đối với các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng và các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Một trong những hoạt động ý nghĩa dịp tháng Bảy tại Báo Kinh tế và Đô thị là buổi gặp mặt các cán bộ, phóng viên, người lao động là con của thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Đây là một hoạt động thường niên tại Báo với ý nghĩa sâu sắc, in đậm dấu ấn về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Buổi gặp mặt thật sự ấm tình và xúc động.
Hà Nội mỗi mùa một loài hoa gợi nhớ gợi thương. Với tôi, loài hoa đặc trưng của tháng Bảy là những lẵng hoa dâng lên đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh. Và có một loài hoa cao quý, là những việc làm nhân văn, tri ân các thương binh giản dị giữa thời bình.
Thời gian trôi... tháng Bảy với những ân tình mãi bền chặt cùng thời gian.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/an-tinh-thang-bay-389144.html